Nông nghiệp “sạch” - Bắt đầu từ thay đổi tư duy
(BDO) Trong nhiều cuộc hội thảo về hướng đến phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững thời gian qua, các nhà khoa học trong nước đã chỉ ra một thực tế rất đáng quan ngại, đó là sự lớn mạnh như người khổng lồ của thị trường thuốc bảo vệ thực vật và “cái chết chậm” của nông nghiệp, đi kèm với những cảnh báo về sự nguy hại sức khỏe của con người. Rõ ràng, sau một quãng thời gian dài lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp “sạch” đã và đang được quan tâm, thể hiện ngay từ việc thay đổi tư duy trong sản xuất.
Hướng đến nền sản xuất nông nghiệp “sạch”, Nhà nước cũng đã và đang có nhiều chính sách hỗ trợ cho người nông dân và doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Tại Bình Dương cũng đang thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và Quyết định 3265/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp đô thị vùng phía nam tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016- 2020. Trên thực tế, tại địa phương đã hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp “sạch”, áp dụng khoa hoc công nghệ, có thể kể đến như Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái (huyện Phú Giáo) hay những trang trại thực hành sản xuất tốt theo hướng VietGAP; các hợp tác xã trồng rau an toàn và nhiều cơ sở sản xuất nông sản an toàn. Các mô hình này đã cho thấy tính hiệu quả khá rõ nét.
Tuy nhiên phải nhìn nhận một thực tế chung rằng, sản xuất nông nghiệp “sạch” mới chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ như hộ, nhóm hộ gia đình, tổ hợp tác mà chưa hình thành được một vùng chuyên canh nông nghiệp “sạch”. Đặc biệt, một trở ngại để phát triển nông nghiệp “sạch” là vấn đề thị trường và chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, dẫn tới đầu ra cho nông sản “sạch” vẫn còn khá bấp bênh. Bên cạnh đó, khó khăn lớn đối với người nông dân khi tiến hành sản xuất và mở rông sản xuất nông nghiệp “sạch” chính là câu chuyện về vốn. Để vượt ra khỏi tính chất nhỏ lẻ, manh mún, sản xuất nông nghiệp “sạch” cần phải có nguồn vốn lớn mới mong hình thành nên chuỗi liên kết và cung ứng để bao tiêu sản phẩm, chiếm lĩnh được thị trường; đi cùng với đó là siết chặt quản lý đăng ký các giấy chứng nhận, tiêu chuẩn... để bảo đảm cho nông sản “sạch” cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.
Do đó, để hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp “sạch”, có giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững, cần phải có thêm các chính sách hỗ trợ hữu hiệu hơn, nhất là về vốn và khoa học công nghệ. Đặc biệt, công tác tuyên truyền phải được chú trọng thông qua những mô hình nông nghiệp “sạch” hiệu quả, “người thật, việc thật” để người nông dân cởi bỏ hẳn tư duy lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thay thế bằng tư duy canh tác nông nghiệp hữu cơ kết hợp với ứng dụng khoa học công nghệ. Nói cách khác, phát triển nông nghiệp “sạch”, cần phải bắt đầu từ thay đổi tư duy.
THÀNH SƠN