Nông nghiệp ngày càng gia tăng giá trị

Thứ năm, ngày 07/01/2021

(BDO) Trong bối cảnh những khó khăn, hạn chế nội tại của nền kinh tế và tình hình thiên tai, dịch bệnh còn nhiều diễn biến phức tạp, đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp của cả nước, ngành nông nghiệp vẫn đóng góp trên 10 tỷ USD vào xuất siêu của cả nước. Qua đó cho thấy, ngành nông nghiệp có vai trò sống còn để bảo đảm an ninh lương thực, là “bệ đỡ” quan trọng của nền kinh tế nước nhà.

 Mô hình trồng dưa lưới trong nhà kín theo hướng VietGAP trên địa bàn xã An Điền, TX.Bến Cát

 “Bệ đỡ” của nền kinh tế

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong năm 2020, khu vực nông nghiệp dù đối mặt với nhiều thách thức do ảnh hưởng đại dịch bệnh Covid-19, thiên tai… đã tác động đến đời sống, kinh tế - xã hội, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất và hoạt động xuất nhập khẩu, tiêu thụ nông sản.

Tuy nhiên, trong khó khăn, nông nghiệp tiếp tục khẳng định là “bệ đỡ” của nền kinh tế, phát triển bền vững, tham gia sâu vào hội nhập kinh tế toàn cầu, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống. Nông nghiệp vẫn duy trì đà tăng trưởng cao, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành khoảng 2,65%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 41,2 tỷ USD; trên 62% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%; thu nhập của cư dân nông thôn đạt 43 triệu đồng/người.

Ngoài ra, cơ cấu nông nghiệp đi vào thực chất, hiệu quả, quy mô sản xuất được nâng cao, chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa trên cơ sở phát huy lợi thế từng vùng, thị trường tiêu thụ nông sản tiếp tục mở rộng. Cùng với đó, tổ chức liên kết chuỗi sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp tiếp tục được đổi mới, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tiếp tục phát triển, kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư đồng bộ, nâng cao chất lượng phục vụ cho sản xuất, đời sống dân sinh.

Trong năm 2021, ngành nông nghiệp nước ta phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 2,7 - 3%; giá trị sản xuất nông lâm, thủy sản tăng 2,8 - 3,1%; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trên 42 tỷ USD. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cùng chính quyền các địa phương cần tăng cường thực hiện chương trình xây dựng NTM, phát triển kết cấu hạ tầng vùng nông thôn; thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ.

Nông nghiệp Bình Dương tiếp tục tăng trưởng

Năm 2020 sản xuất nông nghiệp của tỉnh đạt được những kết quả khả quan. Theo đó, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 4% so với năm 2019. 100% xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 7 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 3 huyện, thị xã được công nhận đạt chuẩn NTM và hoàn thành nhiệm vụ NTM, 3 huyện còn lại đang hoàn chỉnh hồ sơ trình hội đồng thẩm định Trung ương xét công nhận.

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, năm 2021, ngành nông nghiệp Bình Dương đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm: Giá trị sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,5 - 3%; duy trì tỷ lệ che phủ cây lâm nghiệp và cây lâu năm ở mức 57,5%; duy trì tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%; tiếp tục duy trì và nâng chất các xã đạt chuẩn NTM theo Bộ tiêu chí nâng cao của tỉnh. Phấn đấu có 5 xã được công nhận NTM nâng cao và NTM kiểu mẩu; 100% số xã trên địa bàn tỉnh có sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Phấn đấu có tối thiểu 20 sản phẩm đạt 3 sao trở lên được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Để đạt được mục tiêu trên, ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Theo đó, tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, tiếp tục chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng khác hiệu quả hơn theo hướng công nghệ cao. Ngành NN&PTNT tiếp tục bám sát diễn biến thời tiết, thông tin thị trường, kịp thời điều chỉnh linh hoạt kế hoạch sản xuất, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai...

 THOẠI PHƯƠNG