Nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao: Nhiều kết quả tốt
(BDO) Nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao của tỉnh đang có những bước phát triển vượt bậc nhờ có sự định hướng đúng đắn của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự tham gia của nhiều tập thể, cá nhân.
Định hướng đúng đắn
Trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, quỹ đất dành cho nông nghiệp tại Bình Dương liên tục bị thu hẹp. Thêm vào đó, sự phát triển nhanh chóng về dân số, đô thị tại tỉnh cũng là vấn đề đặt ra cần giải quyết sớm. Ngoài ra, để thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển toàn diện, hiện đại và chất lượng cao gắn với công nghiệp chế biến cũng cần phải có sự lĩnh hội kỹ thuật hiện đại của người nông dân.
Nông nghiệp đô thị phát triển mạnh tại Bình Dương nhờ có chính sách đúng, kịp thời của Tỉnh ủy và UBND tỉnh. Trong ảnh: Trồng rau thủy canh tại phường Chánh Mỹ, TP.Thủ Dầu Một. Ảnh: K.VINH
Chính từ những nhu cầu bức thiết đó, ngày 20-9-2011, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 26-CTr/TU về chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao gắn với công nghiệp chế biến giai đoạn 2011- 2015. Sau đó, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 46/2012/ QĐ-UBND ngày 17-10-2012 để kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hình thành nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao.
Từ Chương trình hành động 26 và Quyết định số 46 nói trên, nông nghiệp Bình Dương bắt đầu có những thay đổi to lớn trong việc đổi mới toàn diện, đáp ứng nhu cầu thực tiễn công nghiệp hóa, đô thị hóa của tỉnh. Với những chính sách thiết thực đó, diện tích sản xuất nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao trên địa bàn tỉnh phát triển rõ rệt. Đến nay toàn tỉnh có 855,2 ha diện tích nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao trong trồng trọt; bên cạnh đó lãnh đạo tỉnh còn chú trọng phát triển mạnh các mô hình nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao. Cụ thể như mô hình trồng rau thủy canh (3,86 ha), nấm các loại (3,86 ha), hoa lan (24,74 ha), cây cảnh (68,26 ha)…
Chú trọng chất lượng và hiệu quả
Nhìn lại khoảng hơn 2 năm trước khi Chương trình hành động 26 của Tỉnh ủy và Quyết định số 46 của UBND tỉnh ra đời có thể thấy, nền nông nghiệp Bình Dương còn khá đơn điệu với một vài vùng chuyên canh rau, lúa, bưởi và phần lớn diện tích đất nông nghiệp phía bắc của tỉnh được trồng cây cao su, vốn mang lại lợi nhuận lớn vào thời điểm đó. Tuy nhiên, với những chính sách kịp thời, đúng đắn về phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao của tỉnh, tuy diện tích đất canh tác liên tục bị giảm mạnh nhưng giá trị vẫn nâng cao qua từng năm. Từ năm 2012 đến nay, giá trị sản xuất nông nghiệp Bình Dương liên tục tăng ổn định 4% mỗi năm; tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm còn 3,8% trong cơ cấu kinh tế nhưng vẫn đạt hơn 3.000 tỷ đồng hàng năm. Có được điều đó là nhờ sự phát triển mạnh mẽ của nông nghiệp đô thị, việc ứng dụng kỹ thuật cao vào sản xuất, nuôi trồng của bà con nông dân.
Việc phát triển nông nghiệp theo hướng xem trọng chất lượng và hiệu quả, gắn sản lượng nông sản với công nghiệp chế biến và kết nối chặt chẽ với thị trường là xu hướng chung của cả nước. Hiện nay, Bình Dương đang tập trung đầu tư xây dựng các vùng chuyên canh cây trồng là hàng hóa chủ lực của tỉnh như cao su, rau an toàn, quả đặc sản, hoa, cây cảnh… trên cơ sở ứng dụng tối ưu các nguồn tài nguyên, đưa nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Ngoài ra, tình hình phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao trong sản xuất thời gian qua cho thấy, người dân đô thị có xu hướng được tiếp cận và ứng dụng ngày càng nhiều kỹ thuật mới trong sản xuất trồng trọt. Chính vì thế, trong thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật, vốn và các lớp tập huấn dài hạn để ngày càng có nhiều thành phần kinh tế an tâm, tin tưởng đầu tư vào nông nghiệp.
Ông Nguyễn Phong Huy, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết để phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao hiệu quả hơn trong thời gian tới, Bình Dương cần sản xuất những sản phẩm đặc thù của từng vùng và yêu cầu của thị trường với chất lượng cao. Muốn vậy, người sản xuất cần đầu tư, đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Quan trọng hơn, Nhà nước cần tăng cường tập huấn, thay đổi nhận thức và tiếp tục hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho nông dân.
KHÁNH VINH