Nông nghiệp Dầu Tiếng tìm hướng đi bền vững

Thứ ba, ngày 29/06/2021

(BDO) Với mục tiêu chuyển đổi, tái cơ cấu nông nghiệp để phát triển bền vững, thời gian qua UBND huyện Dầu Tiếng đã chỉ đạo các phòng ban chức năng và các địa phương tích cực tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, người dân đổi mới phương thức canh tác. Trong 6 tháng đầu năm, toàn huyện đã giảm 100ha cao su. Thay vào đó là sự tăng lên với diện tích tương ứng của các vườn cây ăn trái đặc sản và các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm ứng dụng công nghệ cao.

 Du khách tham quan và thưởng thức măng cụt trong vườn nhà ông Nguyễn Văn Tỵ ở xã Thanh Tuyền (Ảnh chụp trước thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp)

 Hướng tới công nghệ cao

Một trong những mục tiêu mang tính chiến lược của Dầu Tiếng trong nhiệm kỳ 2021- 2025 là tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp. Điều này được kỳ vọng sẽ là tiền đề tạo nên sự phát triển bền vững cho địa phương. Từ sự hiệu quả trong những mô hình trồng cây ăn trái theo hướng ứng dụng công nghệ cao, diện tích canh tác các loại cây ăn trái trên địa bàn huyện đang tăng lên. Tính đến tháng 6-2021, toàn huyện Dầu Tiếng có khoảng 750ha diện tích trồng các loại cây ăn trái, tăng thêm 50ha so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi đó, diện tích được sử dụng để phát triển các mô hình trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng tiếp tục tăng mạnh với số trang trại chăn nuôi và tổng lượng đàn cao hơn so với những năm trước.

Ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng cho biết, để tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp và người dân tham gia vào chương trình tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, thời gian qua Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng tìm kiếm đối tác thực hiện chuyển đổi canh tác đối với diện tích 2.000ha đất trồng cao su. Đến nay, công ty đã phối hợp với Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I (Unifarm) quy hoạch và thực hiện thành công khoảng 1.200ha diện tích trồng chuối công nghệ cao theo dây chuyền sản xuất chuối hiện đại của Tập đoàn Dole, một doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ, dây chuyền trồng và sản xuất chuối trên thế giới. Dự kiến, thời gian tới địa phương sẽ tiếp tục quy hoạch tăng thêm diện tích trồng cây ăn trái theo hướng ứng dụng công nghệ cao.

Cùng với mô hình trồng chuối trên diện tích hàng ngàn ha mà Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng đang triển khai, hiện trên địa bàn Dầu Tiếng cũng đang có nhiều địa phương tiên phong, tạo dấu ấn, thương hiệu sản phẩm nông nghiệp cho riêng mình. Một trong số đó là thương hiệu tập thể măng cụt Dầu Tiếng. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tỵ, chủ vườn măng cụt ở ấp Suối Cát, xã Thanh Tuyền cho biết, ông và những người nông dân trồng măng cụt Thanh Tuyền đang cố gắng mở rộng diện tích vườn. Phấn đấu đủ điều kiện để đáp ứng nhu cầu tham quan, dã ngoại của các đoàn khách du lịch theo Đề án phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái kết hợp với phát triển du lịch sinh thái tại xã Thanh Tuyền đã đề ra.

Chăn nuôi bò phát triển mạnh

Cùng với việc gia tăng diện tích trồng các loại cây ăn trái theo hướng ứng dụng công nghệ cao, những trang trại chăn nuôi cũng phát triển với tốc độ ổn định trên địa bàn huyện. Thống kê từ UBND huyện Dầu Tiếng cho thấy, tính đến hết tháng 6-2021, tổng số trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện là 252, tăng 14 trang trại so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, có 123 trại gia cầm, 129 trại nuôi gia súc. Hiện trên địa bàn huyện đang có khoảng 186.680 con gia súc, tổng đàn gia cầm là 3,4 triệu con, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Hiện nhiều nông hộ trên địa bàn các xã, thị trấn ở huyện Dầu Tiếng đang có xu hướng chuyển đổi mô hình kinh tế. Theo đó, đã có hàng trăm hộ đang tạo dựng đàn bò với số lượng con giống trung bình từ 5 - 20 con. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Tuyền cho biết, so với việc trồng các loại hoa màu, lương thực hay chăn nuôi các loại vật nuôi khác thì nuôi bò mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Cụ thể, nếu nuôi khoảng 10 con bò cái, một hộ gia đình sẽ thu về tương ứng từ 120 - 150 triệu đồng mỗi năm.

Ông Trần Quang Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng cho biết, việc thay đổi tư duy và dám thử một mô hình kinh tế mới như chăn nuôi bò hứa hẹn sẽ là tiền đề tốt để giúp thay đổi tư duy của người nông dân. Theo ông Tuyên, sau mô hình chăn nuôi bò, nhiều hứa hẹn về một Dầu Tiếng với những trang trại chăn nuôi, trồng trọt ứng dụng công nghệ cao trải dài ở phía tả ngạn sông Sài Gòn. Để bảo đảm việc sản xuất, kinh doanh của người dân luôn diễn ra an toàn, hiệu quả, thời gian qua huyện cũng chú trọng đầu tư, nâng cấp, cải tạo các công trình thủy lợi trên địa bàn. Đến nay, hệ thống thủy lợi của huyện cơ bản bảo đảm việc tiêu, tưới nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của doanh nghiệp và người dân.

 Cùng với chương trình hành động tái cơ cấu nông nghiệp, huyện Dầu Tiếng cũng chủ động phối hợp với các sở, ngành chức năng lập hồ sơ thẩm định và tạo dựng thương hiệu đặc sản cho nhiều nhóm nông sản. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2021, huyện đã tích cực triển khai Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình thâm canh cây có múi (bưởi da xanh, cam xoàn, cam sành, quýt đường) đạt tiêu chuẩn VietGAP và liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm ở xã Minh Hòa, Minh Thạnh”. Huyện cũng chú trọng triển khai các bước tiếp theo của 2 dự án khoa học công nghệ: Bảo hộ, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Dầu Tiếng” cho sản phẩm cam, bưởi và xây dựng mô hình phát triển một số sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn OCOP từ hạng 3 sao.

 ĐÌNH THẮNG