Nông nghiệp Dầu Tiếng: Tái cơ cấu để gia tăng giá trị
Nhờ thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM), thời gian qua, kinh tế huyện Dầu Tiếng phát triển mạnh. Nông nghiệp (NN), ngành kinh tế chủ đạo của Dầu Tiếng chuyển dịch mạnh theo hướng gia tăng giá trị sản phẩm, tăng dần tỷ trọng chăn nuôi. Cơ cấu kinh tế của huyện cũng chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ (CN-DV) với tỷ trọng NN 37,49%, thương mại (TM) - DV 33,64%, CN-xây dựng 28,87%. Để tạo sự phát triển đột phá trên địa bàn, song song với việc đẩy mạnh thực hiện xây dựng NTM, huyện Dầu Tiếng đã đề ra kế hoạch tái cơ cấu ngành NN.
Thành quả nông thôn mới
Trong quá trình thực hiện xây dựng NTM, UBND huyện Dầu Tiếng đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng vận động nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khai thác đất hoang hóa để trồng cao su. Đến nay, tổng diện tích cao su toàn huyện là 50.200 ha (chiếm gần 90% đất sản xuất NN), trong đó diện tích cao su tiểu điền chiếm 21.300 ha, diện tích vườn cây khai thác là 36.297 ha. Đặc biệt, Dầu Tiếng hiện có 560 trang trại, trong đó có 120 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Doanh nghiệp và trang trại được xây dựng trong những năm sau này có xu hướng gia tăng đầu tư theo hướng công nghệ cao, tập trung, khép kín, địa điểm đầu tư đúng quy hoạch và bảo đảm môi trường. Bên cạnh đầu tư sản xuất, huyện còn chú trọng phát triển TM - DV phục vụ người dân. Đến nay, đã có 7/12 xã - thị trấn có chợ, trong đó có 5 chợ nông thôn là Định Hiệp, Long Hòa, Thanh Tuyền, Minh Hòa và Thanh An đạt tiêu chí NTM. Đã quy hoạch các khu du lịch sinh thái như Núi Cậu 270 ha, rừng lịch sử Kiến An 245 ha, khu du lịch sinh thái Bến Súc 116 ha. Trong đó, rừng lịch sử Kiến An đang triển khai xây dựng.
Cao su, cây trồng chủ lực ở Dầu Tiếng được khuyến khích phát triển
Nhờ tích cực thực hiện xây dựng NTM, kinh tế của huyện Dầu Tiếng phát triển vượt bật, đời sống nhân dân được nâng cao. Năm 2013, xã Thanh An của Dầu Tiếng là xã đầu tiên của tỉnh đạt 100% tiêu chí. Đến nay, 100% xã xây dựng NTM đều đạt tiêu chí tỷ lệ hộ sử dụng điện, nước sạch và hợp vệ sinh từ 99,8% trở lên. Các xã đều có tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 90%. 100% xã đều đạt tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo, toàn huyện chỉ còn 1,43%. Riêng 3 xã Định Thành, Định Hiệp và Long Tân tỷ lệ hộ nghèo dưới 01%. Các xã NTM đều có mức thu nhập bình quân đầu người đạt từ 25 triệu đồng trở lên, thu nhập dân cư bình quân đầu người toàn huyện đạt 29,5 triệu đồng.
Tái cơ cấu theo định hướng “3 cây, 3 con”
Để đạt hiệu quả cao hơn trong phát triển kinh tế, đặc biệt là NN - ngành kinh tế mũi nhọn, huyện Dầu Tiếng đã đề ra kế hoạch tái cơ cấu mạnh mẽ. Trong đó, ngành trồng trọt chọn 3 loại cây trồng chủ lực để tập trung nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gồm cây cao su, cây ăn quả và sinh vật cảnh. Huyện Dầu Tiếng xác định tiếp tục phát triển, từng bước tái canh theo hướng thay thế giống cao su năng suất thấp, diện tích đất NN kém hiệu quả bằng cây cao su giống tốt, sản lượng cao. Tiếp tục phối hợp với Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng tổ chức mạng lưới thu mua mủ cao su tiểu điền đưa vào chế biến xuất khẩu, nâng cao giá trị gia tăng cho người trồng cao su.
Bên cạnh cây cao su, Dầu Tiếng cũng quan tâm phát triển vườn cây ăn quả đặc sản với quy mô từ 200 - 250 ha tại 2 xã Thanh Tuyền và Thanh An. Quy hoạch vùng sản xuất hoa, cây cảnh, cá cảnh công nghệ cao tập trung tại các xã Thanh Tuyền, Thanh An, Định Thành và Minh Hòa.
Song song với việc phát triển 3 loại cây chủ lực, huyện Dầu Tiếng tập trung phát triển 3 loại vật nuôi chủ lực là heo, gà và bò trên địa bàn 11 xã (trừ thị trấn Dầu Tiếng không phát triển chăn nuôi CN) theo định hướng phát triển bền vững. Ngành chăn nuôi tập trung gắn với giết mổ, chếbiến, bảo đảm kiểm soát an toàn dịch bệnh vàxửlý môi trường, ưu tiên ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng thu nhập cho nông dân, nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Ngoài việc tập trung phát triển 3 loại cây và 3 loại con kể trên, huyện Dầu Tiếng còn chú trọng phát triển mô hình NN đô thị, nuôi trồng thủy sản, động vật hoang dã. Phấn đấu giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt mức tăng trưởng bình quân hàng năm từ 4 - 4,5% xuyên suốt giai đoạn 2014-2020, NN công nghệ cao đạt từ 150 - 200 triệu đồng/ha/năm, nâng thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng vào năm 2020. Giá trị chăn nuôi chiếm 40% trong cơ cấu kinh tế NN của huyện.
Để góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ tái cơ cấu ngành NN theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, huyện Dầu Tiếng cũng đã kiến nghị UBND tỉnh đầu tư xây dựng đê bao ven sông Sài Gòn (khu vực xã Thanh Tuyền và Thanh An) để bảo vệ mùa màng khi lòng hồ Dầu Tiếng xả lũ. Để NN Dầu Tiếng có giá trị gia tăng cao, tăng thu nhập cho người dân, lãnh đạo huyện Dầu Tiếng cũng kiến nghị tỉnh cho chủ trương chuyển dịch diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả ven sông Sài Gòn sang trồng cây ăn quả, các loại cây lâu năm khác, hoặc nuôi trồng thủy sản.
Với những hiệu quả thiết thực từ công cuộc xây dựng NTM, có thể thấy rõ kinh tế Dầu Tiếng đã phát triển khá nhanh. Kế hoạch tái cơ cấu NN lần này, huyện Dầu Tiếng đã rà soát, điều chỉnh quy hoạch, cơ cấu lại sản xuất theo hướng tập trung phát triển các loại cây trồng, vật nuôi là lợi thế của huyện, gắn với chế biến, thị trường tiêu thụ, bảo đảm thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển “xanh” và nâng cao đời sống nhân dân.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Dầu Tiếng NGUYỄN TẤN LỰC: Không cho phép người dân nuôi thủy sản ven sông Sài Gòn
Tuy không được khuyến khích, song thủy sản ở Dầu Tiếng cũng khá phát triển theo nhu cầu thị trường. Hiện toàn huyện có 116.000m2 diện tích nuôi thủy sản. Theo chủ trương, huyện khuyến khích nuôi cá nhưng không cho phép người dân nuôi thủy sản ven sông Sài Gòn để bảo vệ môi trường. Cán bộ Phòng Kinh tế huyện vẫn kiên trì thuyết phục, vận động bà con làm đúng theo chủ trương.
Bà NGUYỄN THỊ CÚC, chủ vườn cao su tiểu điền: Mong có biện pháp “kích cầu” cao su
Khi cao su lên giá, đời sống người dân rất khá giả. Nhưng khi giá cao su xuống thấp như hiện nay, nhiều hộ ngưng cạo do bán mủ không đủ bù chi phí. Chúng tôi rất mong nhà nước có biện pháp kích cầu để cứu cây cao su. Hiện nay, một số nhà vườn còn dùng cây cao su làm “nọc” trồng tiêu. Một số dự định phá vườn, chuyển sang trồng sinh vật cảnh, cây ăn trái.
Bài, ảnh: BẢO ANH