Nông nghiệp công nghệ cao - hướng phát triển phù hợp : Sức lan tỏa mạnh mẽ

Thứ ba, ngày 01/04/2014

Ngành nông nghiệp Bình Dương đang có những bước phát triển vượt bậc nhờ sức lan tỏa mạnh mẽ của Chương trình 26 Tỉnh ủy. Nhờ thế, không chỉ ngành nông nghiệp tỏ rõ vị thế của mình mà người nông dân còn có cơ hội làm giàu từ thửa đất, mảnh vườn.

 Phát huy tác dụng

Cần phải nhắc lại rằng, tiếp theo Chương trình 26 Tỉnh ủy về “Chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao gắn với nông nghiệp chế biến giai đoạn 2011-2015” thì UBND tỉnh cũng đề ra Kế hoạch số 765 ngày 26-3-2012 để triển khai thực hiện. Chính từ hai văn bản pháp quy quan trọng này mà công tác chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp, cơ cấu giống, cây trồng theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được phát triển sâu rộng, tạo sự lan tỏa đặc biệt trong các tầng lớp nhân dân.

   Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mang lại nhiều cơ hội cho bà con nông dân (Trong ảnh: Trồng rau trong nhà kính ở phường Chánh Mỹ, TP.Thủ Dầu Một) Ảnh: K.VINH

Tính đến nay, diện tích trồng trọt ứng dụng công nghệ mới bao gồm nhà lưới kín, nhà lưới hở, hệ thống tưới nước tự động, tưới nhỏ giọt, tưới phun sương tự động trong sản xuất là 375,2 ha thuộc 92 tổ chức, cá nhân với các loại cây trồng có giá trị cao như rau, nấm, cây ăn trái, cây dược liệu, hoa lan, hoa kiểng. Trong chăn nuôi, nhiều hộ đã sử dụng máng ăn, máng uống nước tự động, hệ thống làm mát chuồng trại, hầm biogas… Đến nay, có đến 83 trang trại, công ty đầu tư gà giống, gà đẻ trứng, gà thịt với tổng đàn 3,33 triệu con, chiếm 63% tổng đàn gia cầm toàn tỉnh. Ngoài ra, có 41 trại heo và 2 công ty nuôi heo thịt, heo giống năng suất cao với tổng đàn lên đến 117.000 con, chiếm 25% lượng heo toàn tỉnh.

Đặc biệt, các khu nông nghiệp công nghệ cao đã đi vào hoạt động và từng bước cải thiện, phát triển quy mô. Bình Dương có Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái (Phú Giáo) phát triển vượt bậc, trở thành điển hình cho nhiều tỉnh, thành trên cả nước tìm về học tập. Cũng có thể kể thêm các dự án khác như nuôi gà lạnh công nghệ cao của Công ty Ba Huân, Chí Hùng (Tân Uyên), nuôi gà, heo quy mô lớn ở Công ty ADECO (Tân Uyên)…

Nhìn chung, đến nay sau 2 năm triển khai Chương trình 26 Tỉnh ủy, hàng ngàn nông dân Bình Dương được hỗ trợ sản xuất lên đến 1,4 tỷ đồng, vay vốn đổi mới kỹ thuật sản xuất đến 8,8 tỷ đồng. Ngoài ra, để đổi mới giống cây trồng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai 158 mô hình khuyến nông - khuyến ngư cho bà con nông dân. Chính sách tốt cộng với sự vận động tích cực của nhiều cấp, nhiều ngành quản lý nhà nước đã tạo sức sống cho Chương trình 26 Tỉnh ủy. Đến nay, tổng diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất toàn Bình Dương đã lên đến 372,5 ha gồm nhiều loại cây trồng có giá trị. Dù chi phí đầu tư ban đầu khá cao nhưng hiệu quả kinh tế của các mô hình trồng trọt, chăn nuôi kiểu mới đối với bà con nông dân là rất lớn, có chiều hướng năm sau cao hơn năm trước nên ngày càng thu hút nhiều người tham gia.

Hiệu quả thấy rõ

Chỉ sau hai năm đầu tiên thực hiện Chương trình 26 Tỉnh ủy, bộ mặt ngành nông nghiệp Bình Dương đã thay đổi rõ rệt. Từ năm 2012 đến nay, giá trị sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng ổn định, bình quân 4%/năm. Tỷ trọng ngành nông nghiệp hiện nay chỉ còn chiếm 3,8% trong cơ cấu kinh tế nhưng vẫn đạt đến hơn 3.000 tỷ đồng mỗi năm. Một điều đáng chú ý là đến nay, nhờ áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật tiên tiến và phát huy tốt truyền thống, kinh nghiệm của nhà nông, giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất canh tác ở Bình Dương đạt 90 triệu đồng/ha.

Không chỉ đạt giá trị sản xuất tốt, cơ cấu kinh tế nông nghiệp Bình Dương tiếp tục chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị và hiệu quả kinh tế cao. Cây lâu năm, chăn nuôi tập trung tiếp tục là thế mạnh về nông nghiệp của tỉnh. Đến nay, Bình Dương đã phát triển đến 139.000 ha cây trồng lâu năm, trong đó phần lớn là cây cao su với sản lượng đạt 194.000 tấn mủ/năm. Tổng đàn gia súc Bình Dương đạt 496.000 con, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 398 ha. Đáng chú ý, chỉ sau 2 năm khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao, Bình Dương đã tăng 58% đàn gia cầm, lên đến 5,4 triệu con.

Ông Trần Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Nông nghiệp Bình Dương từ chỗ chăn nuôi nhỏ lẻ, lạc hậu đã dần đi vào sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Chẳng hạn, đến nay Bình Dương đã sản xuất đến hơn nửa triệu quả trứng, cung cấp hàng trăm ngàn gia cầm cho thị trường mỗi ngày. Giá trị sản xuất nông nghiệp sau 2 năm thực hiện Chương trình 26 Tỉnh ủy đã tăng đến 29%, đạt 90 triệu đồng/ha. Đó là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy sự đúng đắn và sức lan tỏa mạnh của một chính sách phù hợp do Tỉnh Đảng bộ đề ra”.

 

 KHU NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO AN THÁI: Điển hình cho cách làm mới

 Được thành lập theo Quyết định số 4325 của UBND tỉnh, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái (Unifarm) có tiêu chí cơ bản là xây dựng và phát triển một vùng nông nghiệp hiện đại với chất lượng và năng suất nông sản vượt trội, có thương hiệu uy tín và hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Từ đó, khu sẽ giữ vai trò trung tâm chuyển giao kỹ thuật, đồng thời phát triển thị trường cho các trang trại và nông hộ trong vùng, tạo tiền đề nhân rộng tại Bình Dương và cả nước…

Sau 2 năm đi vào hoạt động, đến nay Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái đã đạt được những thành công bước đầu. Công ty đã phát triển 120 ha trồng rau, quả, cây cảnh… ứng dụng công nghệ cao. Trong những dự án công nghệ cao này, đã có nhiều mô hình cho thu nhập vượt trội so với những loại cây trồng khác tại địa phương như cao su, mía… Điển hình là mô hình trồng dưa lưới và ớt chuông bên trong nhà kính, nhà lưới theo tiêu chuẩn Global GAP cho doanh thu 600 triệu đồng/ha/vụ, lãi 350 triệu đồng/vụ. Mô hình trồng cà tím cung ứng cho thị trường Nhật Bản theo tiêu chuẩn của Nhật Bản cũng có doanh thu 400 triệu đồng/ ha/vụ, lãi 250 triệu đồng/vụ, cao gấp nhiều lần so với chỉ tiêu đề ra.

Có được những thành quả như trên là nhờ Unifarm đã chú trọng công tác định hướng thị trường, định hướng tiêu chuẩn chất lượng, xây dựng và đào tạo nguồn nhân lực phù hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… Đặc biệt, Unifarm đã thực hiện tốt việc chọn lựa công nghệ và kỹ thuật cao áp dụng trong sản xuất. Đối với các loại cây trồng khó tính như ớt chuông và dưa lưới, Unifarm mạnh dạn áp dụng công nghệ trồng trọt trong nhà kính để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Đối với các loại cây trồng có đặc tính thuận lợi hơn như chuối, cà tím thì Unifarm lại chọn trồng bên ngoài để phù hợp với điều kiện chăm sóc, thu hoạch. Rõ ràng, cách làm mới mẻ của Unifarm không chỉ là điển hình cho ngành nông nghiệp Bình Dương, mà còn là ý chí, là tư duy đổi mới phù hợp với tiến trình phát triển của sản xuất.

Kỳ 2: Đa dạng những mô hình hiệu quả

 KHÁNH VINH