Nông nghiệp Bình Dương: Hướng đến một nền sản xuất hàng hóa bền vững

Thứ bảy, ngày 25/09/2010

Từ những cơ sở bền vững

Bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp, NN Bình Dương đã được chú trọng với hướng phát triển mới là NN hiện đại, NN sản xuất hàng hóa. Thời gian qua, ngành NN đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ trong việc hình thành nên các vùng chuyên canh, các mô hình kinh tế mới có hiệu quả kinh tế cao... Sự chuyển biến của ngành NN khá toàn diện dù cho đang gặp phải một số khó khăn nhất định. Theo đánh giá chung, ngành NN Bình Dương, giai đoạn 1997-2009 mặc dù gặp nhiều khó khăn về khí hậu, thời tiết, nguy cơ dịch bệnh và đặc biệt là xu thế quỹ đất sản xuất NN ngày càng giảm nhưng nông, lâm, ngư nghiệp tỉnh luôn có mức tăng trưởng khá, đạt 4,92%/năm. Trong đó ngư nghiệp tăng cao nhất: 14,2%; kế đến là NN: 4,8%/năm và thấp nhất là lâm nghiệp với 4,08%. Cơ cấu toàn khu vực nông, lâm, ngư nghiệp nhìn chung ít có sự chuyển dịch, NN vẫn luôn chiếm tỷ trọng lớn: 97 - 98%; kế đến là thủy sản 1,14% và thấp nhất là lâm nghiệp: 0,98%. Tuy nhiên trong nội bộ từng ngành lại có sự chuyển dịch khá rõ nét theo hướng giảm tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi và dịch vụ.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Diệp Kỉnh Tần: Bình Dương cần xây dựng lộ trình quy hoạch chăn nuôi tập trung

Ngành chăn nuôi sẽ là ngành chủ lực của NN Bình Dương trong thời gian tới nên Bình Dương cần sắp xếp lại hệ thống chăn nuôi, xây dựng lộ trình quy hoạch chăn nuôi tập trung để đạt hiệu quả cao nhất và Bình Dương cũng cần là tỉnh sớm nhất xử lý dứt điểm chăn nuôi nhỏ, lẻ vì chăn nuôi nhỏ, lẻ hiệu quả kinh tế không cao và là nguồn gây bệnh.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Thanh Cung: Phát triển nông, lâm, ngư nghiệp phải tôn trọng các yếu tố lịch sử

Phát triển nông, lâm, ngư nghiệp của tỉnh trong thời gian tới là phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh; NN cung cấp một phần lương thực, thực phẩm cho công nghiệp và đô thị; là nguồn nguyên liệu cho công nghiệp. Phát triển nông, lâm, ngư nghiệp phải tôn trọng rừng lịch sử, rừng đầu nguồn để bảo đảm môi trường, nguồn nước cho phát triển công nghiệp và đô thị...

Kết quả nổi bật của trồng trọt là đã hình thành được các vùng chuyên canh (cao su và cây ăn trái); kinh tế trang trại phát triển mạnh và xuất hiện các mô hình NN đô thị sinh thái, ứng dụng công nghệ cao. Tính đến cuối năm 2009, các cây trồng chính trên địa bàn tỉnh gồm: cao su là 126.070 ha (tăng 19.000 ha so với năm 2005), sản lượng đạt 177.500 tấn. Kế đến là cây ăn trái với 4.768 ha (giảm 2.814 ha), sản lượng đạt 21.500 tấn. Cùng với các loại cây truyền thống khác như: rau đậu, lúa, hồ tiêu... trên địa bàn tỉnh cũng đã xuất hiện một số loại cây trồng mới hiệu quả cao và phù hợp với điều kiện mới đó là hoa, cây cảnh và nguyên liệu thức ăn gia súc.

Ngành chăn nuôi cũng đã có bước tăng trưởng khá cao, tạo ra sự thay đổi rõ rệt trong cơ cấu giá trị sản xuất NN. Chăn nuôi tập trung công nghiệp và chăn nuôi trang trại đã và đang thực sự giữ vai trò quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển nhanh, bền vững của NN tỉnh nhà, trong đó điểm nhấn là hình thành nên các vùng chăn nuôi chất lượng cao, an toàn dịch bệnh. Tính đến cuối năm 2009, các loại vật nuôi chính trên địa bàn tỉnh gồm: đàn bò có 36.417 con (tăng 5.200 con so với năm 2000), đàn heo là 363.000 con (tăng 276.000 con); đàn gia cầm là 2,4 triệu con (tăng 1,07 triệu con); đàn dê có 3.500 con (tăng 2.600 con).

Ngành lâm nghiệp có tốc độ tăng bình quân 4,08%/năm. Trong đó trồng và nuôi rừng giảm 2%/năm; khai thác gỗ và lâm sản tăng 3,33%/năm và dịch vụ lâm nghiệp tăng 10,71%/năm. Tính theo giá hiện hành, năm 2009, giá trị sản xuất lâm nghiệp là 108 tỷ đồng, chiếm 0,98% giá trị sản xuất toàn khu vực nông, lâm, ngư nghiệp; trong đó khai thác gỗ và lâm sản chiếm 70%, dịch vụ lâm nghiệp chiếm 23,6%, trồng và nuôi rừng chiếm 5,99%. Tổng sản lượng thủy sản của tỉnh trong năm 2009 đạt 5.442 tấn (tăng 2.300 tấn so với năm 2005). Trong đó, nuôi trồng đạt 5.169 tấn (chiếm 95%); diện tích nuôi trồng là 405 ha (tăng 33 ha so với năm 2005). Cơ cấu giá trị sản xuất trong lĩnh vực thủy sản có sự chuyển dịch rõ rệt từ khai thác sang nuôi trồng.

Định hướng phát triển hiện đại

Trong thời gian tới, quan điểm nhất quán là sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp vẫn là bộ phận quan trọng và luôn tồn tại khách quan trong tổng thể kinh tế - xã hội của tỉnh. Phát triển NN bền vững đồng hành với xây dựng nông thôn mới chính là phát huy cao độ vai trò của giai cấp nông dân được xác định là chiến lược góp phần tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh, tạo cảnh quan và bảo vệ môi trường sinh thái. Sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp phải thực sự góp phần nâng cao đời sống dân cư nông thôn, khai thác hiệu quả nguồn lực, xây dựng NN - nông thôn phát triển toàn diện tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng và sức cạnh tranh cao, phát huy tiềm năng lợi thế của từng vùng, tiểu vùng sinh thái, ngành hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực và lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh. Động lực chính thúc đẩy phát triển nông, lâm, ngư nghiệp của tỉnh được xác định là ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất gắn với đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực. Một số chỉ tiêu đặt ra cho ngành nông, lâm, thủy sản trong thời gian tới của tỉnh là đến năm 2020, giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng bình quân 3,5 - 4%/năm; giá trị sản lượng sản phẩm trồng trọt - chăn nuôi bình quân trên 1 ha đất sản xuất NN (theo giá thực tế) đạt 80 - 100 triệu đồng/ha/năm.

  Cá sấu, một trong những con nuôi có giá trị kinh tế cao được nhiều nông dân Bình Dương lựa chọn

NN công nghệ cao được xác định là nhân tố hình thành nên nền NN hiện đại. Tỉnh đã có những chính sách khuyến khích các nhà đầu tư hình thành nên các khu NN ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn. Các dự án được ưu tiên đầu tư bao gồm: Dự án xây dựng khu NN ứng dụng công nghệ cao An Thái (330 tỷ đồng), Hiếu Liêm (560 tỷ đồng), Thái Hòa (200 tỷ đồng), An Điền (200 tỷ đồng). Cùng với đó là NN đô thị cũng sẽ được chú trọng phát triển, trong đó sẽ đầu tư phát triển tại các huyện, thị phía nam. Mục tiêu chính là tạo mảng xanh đô thị, tạo môi trường sinh thái, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên đồng thời giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Một số dự án sẽ được ưu tiên đầu tư là dự án phát triển NN đô thị vùng ven sông... Trong lĩnh vực chăn nuôi cũng sẽ có các dự án được ưu tiên đầu tư như: dự án cải tiến, nâng cao chất lượng đàn bò thịt, bò sữa; đề án về chính sách hỗ trợ và khuyến khích phát triển chăn nuôi heo trang trại tập trung; đề án ứng dụng khoa học - kỹ thuật xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi... Các dự án, đề án này đều nhằm hướng đến mục tiêu phát triển ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp, hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, bảo vệ môi trường; sản phẩm sản xuất ra có chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh và từng bước hội nhập quốc tế.

Bên cạnh định hướng phát triển hiện đại, yếu tố truyền thống sẽ vẫn được chú trọng với chương trình phát triển cây ăn trái đặc sản truyền thống với việc việc phát triển mạnh các loại cây ăn trái đặc sản nổi tiếng của Bình Dương như măng cụt, dâu, bòn bon, mít tố nữ, bưởi Bạch Đằng, cam, quýt...

CAO SƠN