Nông nghiệp Bình Dương: Chuyển dịch mạnh mẽ, hiệu quả tăng cao

Thứ năm, ngày 19/12/2013

Quá trình chuyển đổi mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần nâng cao hiệu quả, trình độ canh tác của nông dân. Quá trình chuyển dịch này cũng phù hợp với tiến trình phát triển chung của kinh tế - xã hội Bình Dương trong thời gian qua.

Chuyển dịch mạnh

Là địa phương phát triển mạnh về công nghiệp nhưng ngành nông nghiệp Bình Dương vẫn giữ vai trò quan trọng với giá trị sản xuất tiếp tục tăng trưởng ổn định, bình quân 4%/năm (năm 2012 đạt 13.368 tỷ đồng). Đến nay, giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất nông nghiệp đã đạt 86,85 triệu đồng. Đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả tiếp tục chuyển dịch sang đất công nghiệp, dịch vụ, đô thị phù hợp theo quy hoạch sử dụng đất. Tính đến cuối năm 2012, diện tích đất nông nghiệp chiếm 76,94% tổng diện tích đất tự nhiên. Bình Dương đã hình thành vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao với tổng diện tích 991,4 ha (4 khu), hiện đang đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư khoảng 366 tỷ đồng, bước đầu đã có sản phẩm cung ứng cho thị trường.

Thu hoạch bưởi tại nông trang Phương Uyên của ông Lê Văn Xê (xã Hiếu Liêm, huyện Tân Uyên)

Cơ cấu kinh tế nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị và hiệu quả cao. Cây lâu năm và chăn nuôi tập trung tiếp tục là thế mạnh về nông nghiệp của tỉnh. Tổng diện tích gieo trồng cây lâu năm đến nay đạt trên 138.000 ha, bằng 100,21% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, diện tích cây cao su là 131.216 ha tăng 0,71% (diện tích cho sản phẩm là 108.450,5 ha, tăng 1,3%); cây điều 2.350,2 ha, giảm 21,25%; cây ăn quả 4.655,6 ha, tăng 0,29%... Năng suất bình quân của một số cây trồng chính không có nhiều biến động so với cùng kỳ năm 2012. Lúa đạt 3,98 tấn/ha (tăng 0,5%), khoai mì đạt 17,4 tấn/ha (giảm 1,9%), rau đạt 14,3 tấn/ha (tăng 0,32%), cao su đạt 1,8 tấn/ha (tăng 0,9%), điều đạt 0,6 tấn/ ha (tăng 1%), năng suất cây ăn trái bình quân tăng từ 0,3 - 1% (riêng cây măng cụt tăng 15,6%)… Tổng đàn trâu của tỉnh gần 5.000 con, đàn bò khoảng 24.000 con, đàn heo trên 400.000 con, đàn gia cầm gần 4 triệu con.

Nông thôn được chú trọng đầu tư

Công nghiệp ở nông thôn Bình Dương đang phát triển mạnh. Từ năm 2008 đến nay đã có 9.909 ha đất nông nghiệp chuyển sang làm đất ở và đất chuyên dùng. Hiện toàn tỉnh có khoảng 2.638 doanh nghiệp đầu tư ở địa bàn nông thôn với tổng vốn đầu tư hơn 19.510 tỷ đồng, từng bước hình thành các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn nông thôn như: Khu công nghiệp VSIP II, Bàu Bàng, Mỹ Phước (2, 3), Đất Cuốc, Nam Tân Uyên, Việt Hương II… đã tác động mạnh mẽ vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định. Kinh tế trang trại đã có sự chuyển biến từ số lượng sang phát triển về quy mô và hiệu quả kinh tế. Toàn tỉnh có 961 trang trại với tổng diện tích đất sản xuất là 10.246 ha. Mặc dù số lượng giảm (do quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp) nhưng kinh tế trang trại có sự phát triển về quy mô đầu tư và kỹ thuật, công nghệ sản xuất, tiếp tục khẳng định được vị trí vai trò quan trọng trong sản xuất nông sản hàng hóa, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất, cung cấp dịch vụ cho công nghiệp, đô thị. Toàn tỉnh hiện có 16 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động và 1.352 tổ hợp tác nông nghiệp được củng cố, đổi mới về phương thức hoạt động gắn với lợi ích thiết thực của nông dân…

Ông Nguyễn Châu Long, Chủ tịch UBND xã Tam Lập, huyện Phú Giáo, cho biết được định hướng đúng đắn, hiện nay các mô hình kinh tế trang trại trên địa bàn xã tiếp tục phát triển ổn định. Bên cạnh đó một số lĩnh vực về dịch vụ, công nghiệp chế biến cũng đã bắt đầu hình thành trên địa bàn xã. Sự phát triển song song giữa hoạt động nông nghiệp và các hoạt động khác đã góp phần làm thay đổi một cách đáng kể bộ mặt nông thôn Tam Lập, qua đó thúc đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới.

Để có thể đáp ứng được sự chuyển dịch trên, lao động nông thôn cũng đang dần “chuyển dịch” về trình độ sản xuất. Công tác đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật là các kênh hữu hiệu hỗ trợ cho việc nâng cao tay nghề sản xuất của nông dân. Thời gian qua đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã được mở rộng và đa dạng hóa các ngành nghề. Trên địa bàn tỉnh có 46 cơ sở đào tạo nghề với 6 cơ sở dạy nghề cho lao động nông thôn. Trong năm đã đào tạo được 2.868 học viên với các nghề chủ yếu như trồng, chăm sóc và cạo mủ cao su, sinh vật cảnh, chăn nuôi thú y. Lao động nông nghiệp đến cuối năm 2012 còn khoảng 11% trong cơ cấu lao động chung của tỉnh.

Ông Phạm Văn Bông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp đô thị ở vùng nam Bình Dương nhằm tạo mảng xanh đô thị và môi trường sinh thái. Vùng phía bắc tỉnh tập trung quy hoạch phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến, tạo sản phẩm chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường. Tăng cường chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất tiên tiến để nâng cao hiệu quả, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Xây dựng kế hoạch chủ động phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và triển khai công tác quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm hàng hóa nông sản và vật tư nông nghiệp. Song song đó là kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư và chuyển giao các mô hình canh tác tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao cho các trang trại, nông hộ. Đặc biệt là tại các khu nông nghiệp công nghệ cao.

ĐÀ BÌNH