Nông dân trẻ tiên phong trồng cam sành trên đất đồi

Thứ bảy, ngày 01/07/2017

Năm 2011, thời điểm mủ cao su đang ở đỉnh điểm về giá thì anh Nguyễn Anh Tuấn lại quyết định chặt bỏ để chuyển sang trồng cây cam sành trước sự “phản đối” của những người thân trong gia đình. Chính sự quyết đoán, dám nghĩ dám làm lúc đó đã giúp anh trở thành người tiên phong trồng cây cam sành trên đất đồi có hiệu quả, được nhiều nông dân làm theo và trở thành phong trào nông nghiệp trồng cây có múi đạt kết quả cao của địa phương như hiện nay.

(BDO)

Anh Nguyễn Anh Tuấn thường xuyên thăm vườn cam sành nhằm phát hiện sâu bệnh kịp thời

Nói về hiệu quả của cây cam sành anh Nguyễn Anh Tuấn (sinh năm 1979, ở ấp 4, xã Lạc An, huyện Bắc Tân Uyên) cho biết giá trị kinh tế của cây cam sành mang lại rất cao, gấp 10 lần so với cây cao su.

Anh Tuấn tâm sự trước kia ngoài trồng cây cao su thì anh còn chăn nuôi heo, nuôi cá rô đồng nhưng không thành công. Sau những lần anh đi tham quan các vườn cây cam sành của bạn bè và một số nhà vườn khác ở xã Hiếu Liêm thấy hiệu quả cao nên anh cũng ấp ủ suy nghĩ rồi làm theo.

Năm 2011, anh quyết định chặt toàn bộ cây cao su trên diện tích 6000m2 đang tươi tốt. Với đam mê làm giàu, yêu thích cây cam sành nên anh đã gạt bỏ những lời bàn ra của mọi người và quyết “hạ” toàn bộ cây cao su chuyển sang trồng cam sành. Nhớ lại cảm giác ngày đó, ở xã này chưa có ai trồng cây cam sành ở trên đất đồi. Vợ anh lúc đó cũng không đồng tình.

Anh Tuấn cho biết lúc mới bắt đầu cũng gặp rất nhiều khó khăn nhất là về chi phí đầu tư sản xuất từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng/ha. Bên cạnh đó, cây cam sành đòi hỏi người trồng phải nắm chắc kĩ thuật chăm sóc thì mới thành công nhưng đối với anh Tuấn do chưa có kinh nghiệm nên cũng lúng túng.

Qua sự học hỏi từ những người bạn trồng cam sành ở xã Hiếu Liêm, tham gia các buổi hội thảo do công ty phân bón tổ chức, tìm hiểu các kĩ thuật chăm sóc cây trên internet nên vườn cam của anh đã phát triển tốt. Anh nói thêm ngay từ khi bắt đầu anh đã đầu tư hệ thống ống tưới tự động bằng béc phun để cung cấp lượng nước, phân, thuốc theo đúng yêu cầu cho cây cam, áp dụng tất cả các biện pháp, kỹ thuật học được trong đó kỹ thuật dùng tấm bạt nylon để phủ lên những liếp để “ép” cây cho trái nghịch mùa bán được giá cao.

Ngoài công việc ruộng vườn, anh Nguyễn Anh Tuấn còn là một người lính, anh hoạt động tại xã đội xã Lạc An 19 năm. Anh nói chính môi trường quân đội đã rèn cho anh bản lĩnh, ý chí mạnh mẽ, quyết đoán, làm việc có kế hoạch. Đây là yếu tố quan trọng góp phần giúp cho anh thành công với vụ cam đầu tiên cho năng suất khá cao 30 tấn/6000 m2 với giá cả lúc đó là 32 ngàn đồng/kg thì tổng giá trị mang lại gần 1 tỷ đồng.

Lợi nhuận đạt được sau khi trừ hết các khoản chi phí được hơn 360 triệu đồng. Từ thành công ban đầu anh tiếp tục thuê đất trồng cam sành, hiện tại anh đang có 4 ha vườn trồng cam sành đang phát triển tốt và dự báo sẽ đạt năng suất cao. Với sự thành công này anh cho biết cảm giác phấn khởi vô cùng bởi kinh tế gia đình bây giờ ổn định hơn trước kia nhiều. Anh cũng không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc vườn cây cam với bà con nông dân muốn học hỏi.

Bằng sự nhiệt huyết và chú tâm làm ăn có hiệu quả, trong thời gian qua anh Nguyễn Anh Tuấn được vinh danh là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh trong các năm 2014 và 2015. Đặc biệt hơn, anh còn được chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng Hội và phòng trào nông đân tỉnh Bình Dương năm 2016.

AN THẠCH