Nông dân thành doanh nhân: Tại sao không?

Thứ sáu, ngày 23/09/2016

(BDO) Tỉnh Bình Dương có quỹ đất nông nghiệp gần 207.000 ha. Nhiều loại trái cây trong tỉnh đã được nhiều người biết đến như bưởi, cam, quýt, măng cụt, dâu... Thế nhưng, nhiều nông dân trong tỉnh vẫn chưa thể làm giàu trên mảnh đất quê hương mình.

Thời gian qua, mặc dù được tỉnh rất tích cực hỗ trợ về khoa học - công nghệ, chính sách ưu đãi nhưng do sản phẩm nông nghiệp người dân làm ra còn lệ thuộc quá nhiều vào thương lái nên giá cả bấp bênh, nhiều gia đình thường lâm vào cảnh được mùa mất giá, được giá mất mùa… Một nghịch lý theo như ông Nguyễn Tấn Bình, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ, người nông dân trực tiếp làm ra sản phẩm nhưng lợi nhuận lại thua xa các thương lái, các cơ sở thu mua, chế biến nông sản.

Có thể nói, từ nhiều năm nay, nông dân trong tỉnh đã ra sức sáng tạo, lao động siêng năng để hình thành và phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái như Bạch Đằng, Hiếu Liêm, Lái Thiêu… Nhưng trong bối cảnh kinh tế thị trường, người nông dân có kinh nghiệm và siêng năng không thôi vẫn chưa đủ để làm giàu, bởi bài toán đầu ra cho sản phẩm vẫn chưa được giải quyết triệt để. Hiện ngành nông nghiệp của tỉnh đang được định hướng phát triển theo mô hình nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao thì người nông dân cần chủ động và sáng tạo hơn nữa để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm. Thực tế ở một số vùng chuyên canh cây ăn quả như Hiếu Liêm (huyện Bắc Tân Uyên), người nông dân nơi đây đã chủ động tìm kiếm thương lái, trực tiếp thương lượng giá cả, “thuận mua vừa bán” mà không qua khâu trung gian. Nhiều hộ nông dân ở đây còn tích cực tìm kiếm thêm khách hàng qua kênh truyền thông; các chủ vườn cũng đang “vận hành” trang trại của mình như một doanh nghiệp. Tuy vậy, không phải ai cũng có đủ kiến thức và vốn để thực hiện công việc này.

Hiện nay, UBND tỉnh cùng các sở, ngành liên quan đang tích cực xây dựng chương trình hành động giúp người nông dân xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể như măng cụt Lái Thiêu, bưởi Bạch Đằng. Bên cạnh đó, ngành chức năng sẽ tiếp tục tập huấn cách tiếp cận truyền thông, phương pháp maketting, cách xây dựng nhà vườn thành khu du lịch sinh thái… cho nông dân trong tỉnh. Hy vọng, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, nông dân trong tỉnh sẽ có thêm cơ hội thay đổi tư duy, cung cách sản xuất, kinh doanh để từng bước khẳng định vai trò của mình, trở thành doanh nhân. Từ đó đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà trong thời gian tới.

HOÀNG PHONG