Nông dân sản xuất giỏi Tống Văn Phú: “Như chưa hề có cuộc ly… nông”
Được cha mẹ để lại thửa ruộng 10.000m2, một nắng hai sương làm hoài mà vẫn không khá, anh bỏ ruộng ly nông ra thị xã tìm việc làm thuê. Năm 1992, tình cờ gặp lại người bạn cũ, giờ đang là một nông dân sản xuất kinh doanh giỏi với kỹ thuật trồng hoa màu phủ bạt cho năng suất cao. Nghe anh bạn kể chuyện làm nông, mùi khói đốt đồng trong ký ức ùa về khiến anh nghe cay cay nơi sóng mũi. Ngày hôm sau, anh quyết định quay về với cánh đồng, nơi chất chứa trong anh bao kỷ niệm thân thương với củ khoai, hạt lúa…
Lên đời nhờ học bạn
Trên đường vào Khu Công nghiệp Bảy Mẫu, khu phố Khánh Long, thị trấn Tân Phước Khánh, đi qua vài công trình đang xây dựng ngổn ngang gạch đá, chạy thêm một đoạn dốc nhỏ nữa, trước mắt tôi là một cánh đồng bạt ngàn hoa màu. Tại đây, tôi được trò chuyện với một anh nông dân vừa được nhận bằng khen nông dân sản xuất giỏi của chủ tịch UBND tỉnh (2005-2009). Anh là Tống Văn Phú, chuyên trồng hoa màu với đặc sản là củ khoai môn sọ. Anh Phú người chắc đậm, tóc đã điểm bạc nhưng giọng nói vẫn còn sang sảng. Thoạt nhìn trông anh chưa già nhưng thật ra cũng đã không còn trẻ, anh có 5 người con, 2 trai 3 gái đến nay đều đã lập gia đình. Một ngày làm việc của anh bắt đầu từ tờ mờ sáng thức dậy uống ly cà phê rồi ra đồng. Anh không ăn sáng mà đi thẳng xuống ruộng làm việc đến trưa anh ăn một gô cơm đầy. Sau giấc ngủ trưa, anh đi cắt cỏ cho đàn bò. Chiều về nhà tắm rửa sạch sẻ, anh ăn liền một lúc 6 chén cơm cùng với vợ con. Tối trước khi đi ngủ, bà đầm (anh luôn miệng gọi vợ mình như vậy) chuẩn bị sẵn cho anh một phích nước sôi, một phin cà phê và 2 gói mì tôm để anh thức khuya theo dõi World cup.
Anh Tống Văn Phú trên cánh đồng trồng đậu bắp của gia đìnhTrước năm 1975, anh Phú đã một lần ly nông xuống Long An vừa trốn quân dịch chế độ cũ, vừa học nghề sửa tivi. Ngày đất nước thống nhất, anh hớn hở khăn gói quay về cố hương, ngày ngày vác cuốc ra đồng cày sâu cuốc bẩm, vui sướng hít thở bầu không khí thanh bình thơm mùi rơm rạ. Thế nhưng liên tiếp hết vụ này đến vụ khác, anh trồng cây gì thất bại cây đó. Tối ngủ nằm vắt tay lên trán nhìn cảnh vợ con nheo nhóc, anh bảo tại mình rời bỏ ruộng vườn quá lâu nên không có kinh nghiệm làm nông. Vào thời điểm này, bà con nông dân quê anh còn khá lơ mơ với khoa học kỹ thuật nên anh cũng chẳng biết trông cậy vào ai. Buồn quá, anh ly nông lần 2 ra phố tìm kế sinh nhai. Mất mấy năm làm nghề bốc vác, sau lần trò chuyện cùng người bạn cũ, anh Phú nghĩ mình cứ bỏ ruộng hoang như vầy là mắc tội lớn với tổ tiên, mình sinh ra từ ruộng đồng, đất cho hoa trái nuôi mình lớn ắt hẳn đất không phụ mình, tại mình chưa “hiểu lòng” đất, làm không đúng cách nên chưa đạt được kết quả như mong muốn. Nghĩ vậy hôm sau anh về nhà bàn với vợ đem 2 chỉ vàng lâu nay 2 vợ chồng chắt chiu dành dụm bán lấy tiền mua bạt về trồng cà. Được người bạn “mách nước” cách trồng hoa màu phủ bạt hạn chế được cỏ dại, đất không bị loãng phân khi trời mưa và luôn giữ được độ ẩm lúc trời nắng nóng giúp cây trồng cho năng suất cao. Vụ đầu tiên anh sắm lại được 2 chỉ vàng, còn lời thêm lớp bạt trồng tiếp 2 vụ nữa. Kể từ đó, anh không để ruộng hoang vụ mùa nào cho đến nay đã gần 20 năm. Mỗi năm anh trồng một vụ lúa để ăn, còn lại trồng hoa màu, trừ chi phí phân thuốc, anh dư khoảng 70 triệu đồng/năm.
Mỗi thành viên trong chi hội đều là một người thầy
Anh Tống Văn Phú hiện là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân khu phố Khánh Long gồm 23 hộ đang canh tác trên cánh đồng rộng khoảng 20ha. Anh Phú cho rằng cánh đồng Khánh Long nhiều năm liền được bình chọn là cánh đồng mẫu của huyện Tân Uyên nhờ tất cả các thành viên trong chi hội luôn đồng lòng đoàn kết gắn bó hỗ trợ và học tập lẫn nhau. Trước tiên, Hội vận động các hội viên tích cực tham gia các lớp học ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tham quan tìm hiểu các giống cây trồng có năng suất cao, khả năng chống chịu tốt, thời gian sinh trưởng ngắn, cho giá trị kinh tế cao. Tiếp theo anh quan sát trong chi hội thấy trình độ văn hóa mỗi người mỗi khác nên ai cũng có cách tiếp thu các bài học và cách làm theo kiểu riêng của mình. Mặc dù mỗi người có một “phương pháp” riêng nhưng không phải vì vậy mà mạnh ai nấy làm. Để tạo sự đoàn kết gắn bó, anh luôn kêu gọi các thành viên trong chi hội hãy học tập lẫn nhau, ông bà mình đã dạy “Học thầy không tày học bạn”, mỗi người trong chi hội hãy xem các thành viên khác là thầy của mình để bổ sung kinh nghiệm cho nhau. Lớp học của chi hội diễn ra thường xuyên ngay trên cánh đồng, bài giảng của “thầy” rất đơn giản nhưng cụ thể và dễ hiểu. Thí dụ như sáng nay anh Sáu đi ra đồng, khi ngang qua ruộng dưa của chị Ba thấy đám dưa có dấu hiệu vàng lá tức thì anh Sáu tìm gặp chị Ba để “mở lớp”, hướng dẫn giúp chị Ba khắc phục ngay bệnh vàng lá cho ruộng dưa bằng kinh nghiệm mà trước đó anh Sáu đã trãi qua. Anh Phú kể thêm một câu chuyện khác: Anh nọ trong chi hội có miếng ruộng bị rầy nâu tấn công. Anh nóng ruột ra cửa hàng mua thuốc xịt rầy về phun tới tấp. Biết tánh bà con nông dân mình thương lúa như thương con, không sợ tốn tiền thuốc chỉ sợ cây lúa bị suy dinh dưỡng. Những lúc căng thẳng như thế này, người ngoài luôn sáng suốt hơn người “trong nhà”, nghĩ vậy, anh Phú bèn lựa lời khuyên anh ta phun thuốc ít thôi để từ từ tụi rầy ngấm thuốc, mình xót thân cây lúa muốn cho tụi rầy chết liền thì đám lúa của mình cũng đi theo nó luôn đó. Anh chàng nghe có lý nên dừng lại kịp thời. Ngày hôm sau ruộng lúa bị cháy hết một mảng. Anh ta tìm anh Phú nói: “Nếu hôm qua tui “cãi thầy” coi như bữa nay ruộng lúa của tui rả đám”.
Trò chuyện với anh Phú, tôi được biết, điều đáng quý là ngoài chuyện đoàn kết, chia sẻ kinh nghiệm với nhau, các thành viên trong Chi hội Khánh Long còn tương trợ nhau bằng cách hùn vốn, góp vốn. Hàng tháng mỗi thành viên góp một khoản tiền để tạo vốn cho các thành viên mượn khi hữu sự. Nhờ vậy, những thành viên nào cần tiền mua thuốc sâu, phân bón hay sửa lại căn nhà thì chi hội cho mượn. Đây là cách giúp đỡ nhau trong chi hội mà nhiều gia đình thiếu vốn mua giống, thuốc trừ sâu được mượn tiền kịp thời, kinh tế gia đình dần trở nên khấm khá, cùng nhau phát triển với các hộ thành viên trong tổ. Bên cạnh đó, hình thức vần công, đổi công hỗ trợ nhau trong sản xuất luôn được các thành viên trong chi hội tham gia hưởng ứng nhiệt tình bởi chi hội thực hiện việc này hết sức công bằng, cuối tháng kết sổ, ai dư công thì được bù tiền.
Như chưa hề có cuộc ly… nông
Hiện tại cuộc sống của bà con nông dân trên cánh đồng mẫu Khánh Long, thị trấn Tân Phước Khánh đang phát triển ổn định. Trung bình mỗi năm cho thu nhập 100 triệu đồng/1ha. Tuy nhiên, anh Phú cho rằng vẫn còn đó 2 nỗi lo mà tất cả các thành viên trong chi hội đang mong đợi chính quyền các cấp, các ngành sớm quan tâm giải quyết. Một là vấn đế ô nhiễm nguồn nước suối Bưng Cù chảy qua cánh đồng Khánh Long. Nguồn nước này đã bị ô nhiễm chất thải công nghiệp từ lâu, nhưng nặng nhất là từ khoảng năm 2006 đến nay. “Thử bắt con nhái thả xuống suối mà xem, nó tưng lên bờ ngay tức khắc vì nước rát phỏng đít” – Anh Phú diễn giải mức độ ô nhiễm nguồn nước suối Bưng Cù đã đến hồi báo động. Vì vậy mà hiện tại, bà con đều khoan giếng sử dụng mạch nước ngầm, không ai dám sử dụng nguồn nước suối để trồng trọt. Nhưng liệu rồi mạch nước ngầm sẽ sử dụng được bao lâu khi mà các công ty, xí nghiệp xung quanh cánh đồng Khánh Long vẫn tiếp tục xả nước thải chưa xử lý ra môi trường. Hai là chuyện tiêu thụ sản phẩm. Tình trạng giá thu mua bấp bênh vẫn còn là nỗi ám ảnh khiến bà con nông dân hoang mang, lo lắng mỗi khi đến mùa thu hoạch. Anh Phú cho biết vụ củ sắn vừa rồi gia đình anh thu hoạch được 6 tấn. Thương lái đến mua 2.100 đồng/ký, giao tiền cho gia đình anh xong, họ sang tay cho người khác với giá 3.000 đồng/ký, lãi trên 5 triệu đồng. Anh Phú cho rằng do không tìm ra đại lý tiêu thụ, mỗi một mùa thu hoạch, hộ nào cũng bị thương lái “ăn chặn” mất vài triệu đồng. Năm nay giá khoai môn sọ cũng lại tiếp tục rớt thê thảm chỉ còn 6.000 đồng/ký, năm rồi được 8.000 đồng/ký- Anh Phú cho biết thêm.
Cho rằng lâu rồi mới có nhà báo về thăm bà con nông dân, anh Phú say sưa kể cho tôi nghe những câu chuyện về tình người và đất. Tôi có cảm giác đối với anh như chưa hề có cuộc ly nông lần nào. Và đúng như tôi dự đoán, anh bảo nếu được trở lại thời trai trẻ anh cũng sẽ chọn nghề nông. Gần một đời người gắn bó với ruộng đồng, anh bảo bây giờ nhìn dây khổ qua, anh đoán được nó sẽ cho bao nhiêu trái. Nhìn bụi khoai môn, anh biết nó sẽ cho bao nhiêu củ. Anh kết luận làm nông là một công việc đem lại nhiều niềm vui, nhiều thành quả xứng đáng nếu mình biết siêng năng, chăm chỉ và sống hết lòng với đất, đất sẽ không bao giờ phụ mình.
Để bà con nông dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, góp phần làm giàu cho xã hội rất cần sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền các cấp, các ngành. Phát triển công nghiệp là điều tất yếu nhưng cũng cần coi trọng bảo vệ môi sinh, môi trường, bảo vệ các nguồn tài nguyên quí giá như đất đai, nguồn nước, vv... để cân bằng sinh thái. Bên cạnh đó, cần nâng cao hơn nữa trong việc hỗ trợ, hợp đồng sản xuất và bao tiêu nông sản hàng hóa cho người nông dân với giá thu mua hợp lý, góp phần khuyến khích tái sản xuất. Có như vậy người nông dân mới không còn nghĩ đến chuyện ly hương, ly nông; chí thú bám đất, bám ruộng làm ra hạt lúa, củ khoai phục vụ nhu cầu của xã hội. Và như thế, Chi hội Nông dân khu phố Khánh Long sẽ ngày càng có nhiều nông dân sản xuất kinh doanh giỏi như anh Tống Văn Phú, cánh đồng Khánh Long sẽ luôn xứng đáng với danh hiệu cánh đồng mẫu của huyện Tân Uyên nói riêng và của cả tỉnh nói chung.
NGUYỄN CÔNG LUẬN