Nông dân Phường Hiệp An (TX.TDM): Gian nan mùa kiệu tết!

Thứ tư, ngày 04/01/2012

Hiện nay trên cánh đồng 4 ha kiệu của phường Hiệp An, khoảng hơn 50% diện tích đã cho thu hoạch. Vụ kiệu năm nay, do ảnh hưởng của thời tiết thất thường nên kiệu bị sâu bệnh nhiều, năng suất thấp hơn năm trước. Ông Dương Văn Cư, ở khu phố 9, một nông dân chuyên trồng kiệu cho biết: “Chưa năm nào trồng kiệu lại khó khăn như năm nay. Mưa nắng thất thường khiến sâu bệnh phát triển làm kiệu bị hư hại nhiều. Kiệu năm nay chủ yếu bị bệnh sâu rầy. Con sâu dòi đục thân, chích lá kiệu hút hết chất, khiến lá kiệu vàng, rồi úa rụi hết xuống. Một bụi kiệu nếu đạt năng suất sẽ cho từ 10 củ kiệu to trở lên, còn mùa vụ năm nay bình quân mỗi bụi chỉ cho 3 đến 4 củ”. Đến thời điểm này đáng lẽ chỉ còn những sào ruộng trồng kiệu đang chờ thu hoạch, nhưng trên cánh đồng ở phường Hiệp An hiện vẫn còn ruộng kiệu mới đâm ra đọt non. Trên thửa ruộng gần 1.000m2 kiệu của mình, chú Sáu Nhỏ đã chia sẻ những thiệt hại với chúng tôi: “Trồng kiệu rất cực, chủ yếu là lấy công làm lời. Bao nhiêu tiền phân bón cùng công chăm sóc vậy mà mùa kiệu này nhà tôi bị thất thu. Toàn diện tích kiệu bị sâu bệnh, rụi lá hết. Giờ lại cho ra đọt non, nhưng đã muộn so với thời vụ, đó là chưa biết có thu được gì không”. 

Ông Dương Văn Cư kiểm tra vườn kiệu trước khi thu hoạch

Hiện nay kiệu có giá từ 9.000 - 10.000 đồng/kg, so với năm trước kiệu đã bị rớt giá xuống từ 5.000 - 6.000 đồng/kg. Chị Nguyễn Thị Ngọc Loan, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Hiệp An cho biết: “Theo thống kê, diện tích trồng kiệu của toàn phường đã giảm 1 ha so với năm trước. Một phần do diện tích đất nông nghiệp đã bị thu hẹp bởi ảnh hưởng của tốc độ đô thị hóa. Một phần do thời tiết năm nay không thuận lợi, ảnh hưởng đến sản xuất. Mặc dù công tác chăm sóc và phòng ngừa sâu bệnh đã được Hội Nông dân phường phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Khuyến nông và Chi cục Bảo vệ thực vật để tuyên truyền và hướng dẫn cho hội viên nông dân, song phần nào vẫn không tránh khỏi bị hư hại trước thời tiết. Bên cạnh đó, nông dân sản xuất không có đầu ra cho sản phẩm của mình, giá thành lại thấp. Người nông dân bị động trước đầu ra sản phẩm, bởi ở đây thương lái thu mua sản phẩm sau khi bán được mới trả tiền, thậm chí là trả ép giá và nông dân phải chấp nhận giá đó”. Nông dân Dương Văn Cư cho biết: “Ở đây có một thương lái, họ bao tiêu giống kiệu cho mình, đến ngày thu hoạch thì họ đến thu mua, chứ không có nhiều thương lái cạnh tranh mua hàng nên chỉ cần chất lượng kém một chút là phải chịu xuống giá”. Quả thật nông dân trồng kiệu ở Hiệp An có một mùa tết kém vui!

PHƯƠNG AN