Nông dân Phú Giáo tất bật vào vụ mới
(BDO) Mùa mưa đã bắt đầu, những ngày này các gia đình nông dân huyện Phú Giáo khẩn trương bước vào vụ mùa sản xuất mới.
Mưa đầu mùa “giải nhiệt” vườn vây
Ông Nguyễn Đăng Liệu ở xã Phước Sang cho biết, những trận mưa đầu mùa mưa trong những ngày qua đã giúp giải nhiệt cho cây tiêu, cây điều. Đây là thời điểm người nông dân chăm sóc, bón phân, xịt thuốc các loại cây trồng này để chuẩn bị cho vụ mùa sắp tới. Anh Lê Văn Tài, hộ trồng rau an toàn ở xã Vĩnh Hòa chia sẻ, những trận mưa đầu mùa rất thuận lợi cho người trồng rau, vì có mưa cây rau tăng thêm một lượng phân bón tự nhiên, giảm chi phí sản xuất của người nông dân. Với việc thực hiện mô hình trồng rau nhà lưới hở như anh, nguy cơ rau bị hư do mưa gây ra là không đáng kể. Mặc dù vậy, để bảo đảm cây rau không bị thiệt hại do trong nước mưa có một lượng nitơ tự nhiên cao, cùng với đó là một lượng chất axit trong nước mưa có thể làm hư lá rau, anh vẫn phải tưới nước mỗi ngày vào buổi sáng sớm để làm trung hòa lượng nước mưa còn đọng trên lá.
Các gia đình nông dân Phú Giáo tất bật vào vụ mùa mới. Ảnh: HOÀI PHƯƠNG
Thời điểm mùa mưa đến cũng là lúc người trồng cao su bước vào mùa bận rộn nhất trong năm. Theo anh Lưu Thế Hạnh, ở xã An Linh, sau khi có những cơn mưa đầu mùa, các hộ trồng cao su như anh tất bật chuẩn bị các công đoạn cho vụ mùa khai thác mủ mới. Gia đình anh đã tiến hành các bước xịt cỏ, bỏ phân, xả miệng, bấm máng che mưa, đóng máng mủ… Đến nay, các công đoạn bước đầu đã hoàn tất và vườn cao su hơn 6 ha của anh đã cho những giọt nhựa trắng đầu tiên. Anh Hạnh cho biết, đầu mùa giá tại các điểm thu mua chỉ 270 - 275 đồng/độ. Anh hy vọng, trong thời gian tới giá mủ cao su sẽ nhích lên.
Vụ mùa vừa qua các gia đình trồng điều có một mùa thất bát. Tuy nhiên, những gia đình còn nặng lòng với cây điều như ông Hoàng Mạnh Quát, ở xã An Linh thì khi mùa mưa bắt đầu vẫn chịu khó chăm sóc vườn cây. Ông Quát tâm tình, hy vọng vụ mùa điều sang năm sẽ được mùa, được giá, vì vậy ông vẫn giữ nguyên diện tích điều 3 ha của gia đình. Sau những trận mưa đầu mùa, ông bón phân để cây điều phát triển tốt, phục hồi lại sức sau vụ mùa có nhiều biến động.
Chủ động phòng, chống bệnh cho cây trồng
Theo ông Liệu, để hạn chế ngay từ đầu bệnh chết nhanh trên cây tiêu, ông chủ động tạo cho vườn tiêu khả năng thoát nước tốt nhất bằng việc thiết kế mương thoát nước thông thoát, bón các loại phân thích hợp và phun xịt nấm bệnh để giảm thiểu nguy cơ xuất hiện và lây lan của dịch bệnh.
Với vườn cao su bước vào năm thứ 12 thu hoạch, tình hình dịch bệnh cũng ít nhưng hàng ngày anh Hạnh vẫn thường xuyên thăm vườn. Anh chia sẻ, đây là việc cần làm, vì bệnh nấm hồng, bệnh thối đen đầu lá rất dễ xảy ra, đặc biệt là bệnh Corynespora - một trong những bệnh gây rất nhiều khó khăn cho người trồng cao su 2 năm về trước.
Ông Nguyễn Trường Hải, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Phú Giáo cho biết, những trận mưa đầu mùa vừa qua có lợi cho cây trồng. Tuy nhiên, trạm đã cử cán bộ chuyên môn tăng cường đi thực tế, theo dõi, nắm bắt tình hình sâu bệnh trên cây trồng của các gia đình nông dân trên địa bàn. Đến thời điểm này, đơn vị chưa phát hiện loại dịch bệnh nào trên cây trồng.
Mặc dù vậy, kinh nghiệm nhiều năm cho thấy, nếu mưa kéo dài liên tục, kèm theo đó là thời tiết nắng nóng thất thường dễ xảy ra nguy cơ dịch bệnh. Đối với cao su thường là nấm hồng, phấn trắng, nấm đen đầu lá, loét sọc miệng cạo, khô miệng cạo; đối với cây tiêu, cây rau, cây điều là các loại côn trùng chích hút, nhện đỏ, rệp sáp, nấm thối thân, rễ và bệnh chết nhanh. Do đó, người nông dân phải hết sức lưu ý khuyến cáo của ngành nông nghiệp đưa ra với từng loại cây trồng; chăm sóc, bón phân cho cây trồng đúng quy trình.
HOÀI PHƯƠNG