Nông dân làm giàu trên mảnh đất quê hương
(BDO) Cuối tháng 11 vừa qua, Hội Nông dân huyện Dầu Tiếng tổ chức lễ tổng kết “Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2019-2021” và sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ V (2018-2023). Tại hội nghị này, đã có nhiều tập thể, cá nhân được tuyên dương, khen thưởng vì đã có thành tích nổi bật, từng bước nâng cao chất lượng, bộ mặt tam nông trên quê hương Dầu Tiếng anh hùng.
Ông Huỳnh Văn Dân, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Dầu Tiếng trao tặng giấy khen cho nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn huyện
Nuôi gà, vịt dưới bóng cao su
Theo gia đình đến lập nghiệp ở vùng đất Long Tân từ năm 1992, ông Nguyễn Tiến Hiếu, lớn lên với nghề chính là trồng, chăm sóc và cạo mủ cao su. Khi giá mủ cao su tụt dốc không phanh, ông Hiếu ý thức được cần có sự thay đổi trong cơ cấu kinh tế gia đình. Vào năm 2010, ông quyết tâm khăn gói đến những địa phương nổi tiếng với ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm trong khu vực để tìm hiểu. Sau nhiều chuyến thăm quan và so sánh, đối chiếu với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, ông Hiếu quyết định khởi nghiệp với việc nuôi gà, vịt theo mô hình trại lạnh.
Ở thời điểm đó, hầu hết diện tích đất canh tác nông nghiệp của gia đình ông đều là đất trồng cao su, nên việc xây dựng và thiết lập chuồng trại bước đầu buộc phải làm dưới những tán cây. Những tưởng việc này sẽ không đi vào đâu, nhưng ngay từ vụ đầu tiên ông Hiếu đã tìm ra cho mình phương pháp phát triển kinh tế siêu lợi nhuận và bền vững sau này. Những trại gà, vịt dưới tán rừng cao su cứ thế mà được mở rộng với hệ thống chuồng trại, trang thiết bị được đầu tư ngày càng khang trang, hiện đại.
Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, trải qua 11 năm phát triển kinh tế trang trại chăn nuôi gia cầm theo hướng ứng dụng công nghệ cao, hiện mỗi năm gia đình ông Hiếu thu về khoảng 3,5 tỷ đồng lợi nhuận. Gia đình ông cũng tạo ra việc làm thường xuyên cho 18 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân từ 8 - 12 triệu đồng/người/tháng. Ngay cả trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 thu nhập của trang trại ông Nguyễn Tiến Hiếu và người lao động vẫn được duy trì khá tốt.
Thắp lửa đam mê
Ông Hiếu cho biết, để có được thành quả như ngày hôm nay, gia đình ông biết ơn lãnh đạo địa phương và Hội Nông dân rất nhiều. Theo ông, giữa thời điểm khó khăn nhất khi giá mủ thấp hơn tiền nhân công thợ cạo thì Hội Nông dân các cấp đã kịp thời tổ chức các chương trình hội thảo chuyển đổi mô hình kinh tế, đồng thời đưa nông dân đi thăm quan các mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi, trồng trọt để học hỏi. Đây chính là tiền đề quan trọng ươm mầm cho những trang trại chăn nuôi, trồng trọt ứng dụng công nghệ cao nổi tiếng trên địa bàn huyện hôm nay.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Quang Vịnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Minh Hòa cho biết, thực hiện chỉ đạo của Trung ương Hội Nông dân, Hội Nông dân tỉnh, huyện và Đảng ủy, UBND xã, thời gian qua Hội Nông dân xã Minh Hòa thường xuyên đổi mới về tổ chức, nội dung lẫn phương thức hoạt động phong trào hội. Đến cuối năm 2021, toàn xã Minh Hòa có 32 tổ hội, 5 chi hội với tổng số cán bộ chi hội, tổ hội là 72 người. Đây là những người thắp lửa, truyền đam mê cho 786 hội viên nông dân đang nung nấu ý chí vươn lên làm giàu từ nông nghiệp trên địa bàn.
Bà Lê Vân Anh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Dầu Tiếng cho biết, thời gian tới, Huyện hội sẽ tiếp tục thúc đẩy phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Huyện hội cũng sẽ từng bước mở rộng và đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nông dân tiếp cận mô hình, khoa học kỹ thuật canh tác và nguồn vốn sản xuất nông nghiệp với lãi suất ưu đãi. “Chúng tôi sẽ cố gắng làm tốt nhất có thể để thắp lửa đam mê cho nông dân, đồng hành cùng nông dân trên mọi nẻo đường”, bà Lê Vân Anh nói.
KHÁNH LINH