Nông dân huyện Phú Giáo: Thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi

Thứ hai, ngày 28/05/2018

(BDO) LTS: Sau chiến thắng Việt Bắc (Thu Đông 1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra sáng kiến tổ chức, lãnh đạo phong trào thi đua ái quốc để giành thắng lợi to lớn hơn. Ngày 27-3-1948, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc. Chỉ thị xác định: “…mục đích thi đua ái quốc là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến thiết chóng thành công”. Sau khi Ban Chấp hành Trung ương ra chỉ thị, nhân kỷ niệm 1.000 ngày kháng chiến (tính từ ngày Nam bộ kháng chiến 23-9-1945), ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” (11.6.1948- 11.6.2018), Báo Bình Dương mở chuyên mục “Thi đua là yêu nước” nhằm phản ánh kết quả các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh; đồng thời tiếp tục khơi dậy tinh thần thi đua yêu nước, chung sức chung lòng xây dựng Bình Dương trở thành đô thị văn minh, hiện đại.

 Những năm qua, “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” (NDSXKDG) đã thật sự là phong trào nòng cốt của tổ chức Hội ND huyện Phú Giáo. Phong trào này có bước phát triển mạnh mẽ, góp phần hình thành nên nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đa dạng, phong phú, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

 Nông dân Phùng Văn Thức (xã Tam Lập, huyện Phú Giáo) thành công với mô hình chăn nuôi phức hợp. Ảnh: N.N

 Một chiều cuối tháng 5, chúng tôi đến tham quan mô hình nuôi cá sặc rằn, nuôi heo, ba ba của hộ ND Phùng Văn Thức tại xã Tam Lập, huyện Phú Giáo. Ông Thức quê ở Long An, đến Bình Dương lập nghiệp cũng đã hơn 20 năm. Những ngày đầu mới đặt chân đến đây, ông trồng cây cao su với diện tích hơn 10 ha; thời gian sau đó, ông được Hội ND huyện hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn khoảng 260 triệu đồng để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Có vốn, ông Thức mạnh dạn đầu tư nuôi cá, nuôi heo. Không những hỗ trợ vốn, Hội ND huyện còn tạo điều kiện cho ông đi tham quan, học tập mô hình kinh tế của những ND sản xuất giỏi ở các địa phương khác để học hỏi kinh nghiệm; đồng thời mời những kỹ sư nuôi trồng thủy sản đến tận nhà để tập huấn các cách thức nuôi cá hiệu quả. Nhờ vừa làm, vừa học hỏi, rút kinh nghiệm, đến nay, mỗi vụ cá, ông thu hơn 60 tấn. Ông còn nuôi hơn 120 heo thịt và khoảng 2.000 con ba ba tạo thành mô hình chăn nuôi phức hợp… Từ mô hình này đã mang về thu nhập hàng tỷ đồng cho gia đình ông mỗi năm và ông trở thành một điển hình NDSXKDG.

Tại huyện Phú Giáo còn có rất nhiều tấm gương tiêu biểu trong phong trào NDSXKDG, có thể kể đến như mô hình nuôi heo sinh sản, trồng cao su của ông Nguyễn Khái Duy Quốc ở xã Tam Lập; mô hình trồng hoa lan, làm cá khô, chăn nuôi gà, trồng cao su của bà Nguyễn Ngọc Diệp ở thị trấn Phước Vĩnh; mô hình nuôi cá sấu, cá lăng của ông Đinh Công Sắc ở xã Phước Sang; mô hình nuôi chim yến, nuôi nhím, kinh doanh cửa hàng phân bón của ông Nguyễn Hoàng Hiếu xã An Long… Theo kết quả bình xét cuối năm qua, Phú Giáo có 40 người đạt danh hiệu NDSXKDG cấp Trung ương, 442 NDSXKDG cấp tỉnh, 1.025 NDSXKDG cấp huyện, 3.175 NDSXKDG cấp xã. Kết quả này chứng tỏ rằng, chất lượng và hiệu quả của phong trào NDSXKDG của huyện ngày càng nâng cao, nhiều hộ ND có quy mô sản xuất lớn, có vốn kinh doanh hàng tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng chục lao động, thu nhập hàng năm đạt từ vài trăm triệu đồng trở lên.

Ông Trịnh Đức Dũng, Phó Chủ tịch Hội ND huyện Phú Giáo cho biết: Để hỗ trợ và thúc đẩy phong trào NDSXKDG ngày càng phát triển và giúp cho ND nắm bắt kịp thời những tiến bộ của khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất đạt hiệu quả, chủ động phòng ngừa khi dịch bệnh xảy ra trên cây trồng, vật nuôi, hội đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các buổi hội thảo, các lớp tập huấn cho ND về kỹ thuật sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây rau; kỹ thuật phun thuốc trên cây điều, phòng trừ bệnh vàng lá trên cây cao su; kỹ thuật nuôi gà; phòng trị bệnh tai xanh, lở mồm long móng ở gia súc… Song song đó, hội còn phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và dịch vụ hỗ trợ ND tỉnh tổ chức 5 lớp dạy nghề, hướng dẫn trồng rau mầm, nấm, khai thác mủ cao su, chăn nuôi, thú y; phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Kinh tế huyện mở 18 lớp dạy nghề ngắn hạn cho hội viên ND...

Ngoài ra, Hội ND huyện còn tích cực tạo nhiều nguồn vốn để hỗ trợ cho hội viên ND phát triển sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo, bằng nhiều hình thức như phối hợp với các ngân hàng và hướng dẫn cho ND làm dự án và thủ tục vay vốn như vốn 120, vốn giảm nghèo, vốn hỗ trợ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, vốn vay từ chương trình nước sạch - vệ sinh môi trường. Riêng nguồn vốn tương trợ do vận động các công ty, xí nghiệp, các đại lý, các nhà hảo tâm, hộ khá, giàu hỗ trợ vốn, cây, con giống, công lao động; bán thiếu trả chậm các loại vật tư, phân bón, thức ăn gia súc… khoảng 2,7 tỷ đồng, hội đã hỗ trợ cho 377 hộ và đã có 74 hộ thoát nghèo, trong đó có 37 hộ do Hội ND trực tiếp hỗ trợ...

Có thể nói, phong trào NDSXKDG tại huyện Phú Giáo thời gian qua đã thu hút đông đảo hội viên ND trên địa bàn tham gia, trở thành một phong trào thi đua yêu nước rộng rãi, góp phần đưa hoạt động sản xuất nông nghiệp của huyện phát triển khá toàn diện, cả về trồng trọt và chăn nuôi. Từ phong trào đã hình thành các mô hình sản xuất, kinh doanh mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 NGỌC NHƯ