Nông dân điêu đứng với nạn phân bón giả
(BDO) Phân bón chiếm từ 30 - 40% chi phí trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường còn quá nhiều loại phân bón giả, phân bón kém chất lượng công khai mua bán. Theo Bộ Công thương, trung bình mỗi năm lực lượng quản lý thị trường phát hiện và xử lý khoảng 3.000 vụ liên quan đến phân bón giả, phân bón kém chất lượng.
Trong khi đó, thống kê của Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết cả nước hiện có hơn 1.000 cơ sở sản xuất phân bón với khoảng 7.000 loại.
Phần lớn phân bón giả là do các công ty nhỏ, không tên tuổi, không thương hiệu sản xuất, rồi thông qua các tổ hợp tác, các nông dân làm đầu mối giới thiệu sản phẩm để bán cho nông dân. Người nông dân mua phân bón, đơn giản chỉ nghĩ để cho cây trồng tươi tốt, năng suất cao nhưng cuối cùng lại thiệt đơn, thiệt kép: Mất tiền mua phân giả bằng giá phân bón thật, mất tiền do thất thu mùa vụ, chưa kể thiệt hại đến chất đất, môi trường sinh thái…
Cả nước hiện có khoảng 13 triệu ha đất canh tác nông nghiệp. Trong khi đó, có khoảng 7.000 loại phân bón khác nhau đang được lưu thông. Tuy nhiên, việc quản lý phân bón còn quá nhiều bất cập và kẽ hở để các đối tượng lợi dụng sản xuất và đưa phân bón giả, phân bón kém chất lượng tới ruộng đồng của nông dân. Các chuyên gia nông nghiệp tính toán, nếu tính trung bình phân bón giả gây thiệt hại mỗi ha là 200 USD thì mỗi năm ngành nông nghiệp thiệt hại tới 2,6 tỷ USD.
Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã ban hành nhiều văn bản và tổ chức các chương trình kiểm tra, kiểm soát nạn phân bón giả nhưng đến nay, tình hình vẫn chưa được cải thiện. Thậm chí, hiện nay văn bản quản lý trong lĩnh vực phân bón còn chồng chéo. Ngày càng có nhiều hành vi sai phạm hơn trong làm giả phân bón vì các đối tượng vi phạm nghiên cứu rất kỹ các quy định pháp luật để lách luật như sai phạm nhãn mác, sản xuất phân bón giả, phân bón kém chất lượng, quảng cáo sai, nhập lậu... Nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn còn đất sống vì văn bản pháp luật chưa đủ tầm để quản lý, còn nhiều sơ hở, chồng chéo trong áp dụng.
Vì vậy trong thời gian tới, cơ quan chức năng phải tiếp tục rà soát lại hệ thống văn bản quản lý về phân bón để tăng cường tính hiệu quả. Các cơ quan chức năng cần có biện pháp khuyến cáo, giúp người nông dân về thông tin, tuyên truyền kiến thức mua và sử dụng phân bón để người dân có thể nhận biết được sản phẩm phân bón thật - giả trên thị trường. Tuy nhiên, giải pháp căn cơ về lâu dài là việc phòng chống phân bón giả, phân bón kém chất lượng cần sự vào cuộc, chung tay quyết liệt của cơ quan quản lý nhà nước, các công ty, đơn vị sản xuất, kinh doanh phân bón thì mới có thể giải quyết được thực trạng này.
NHẬT HUY