“Nóng” cả hội trường từ vấn đề phát triển nông nghiệp - nông thôn, ngập úng, nhà ở công nhân đến giải pháp tín dụng cứu doanh nghiệp

Thứ năm, ngày 12/07/2012

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng qua (11-7), Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Lê Văn Rum, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Trần Văn Dũng, Giám đốc NHNN - Chi nhánh Bình Dương Bùi Văn Nu đã trả lời thẳng thắn những vấn đề “nóng” của tỉnh được cử tri và đại biểu (ĐB) quan tâm...       “Các điểm ngập trên địa bàn tỉnh đa số là cục bộ, mức độ nhẹ, dễ xử lý” - GĐ Sở Xây dựng Trần Văn Dũng

Chú trọng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao

Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Văn Trung về chính sách hỗ trợ phát triển ngành nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh, ông Lê Văn Rum cho biết, thực hiện chương trình hành động của Tỉnh ủy về chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao gắn với công nghiệp chế biến của tỉnh giai đoạn 2011-2015, Sở NN-PTNT đã xây dựng dự thảo chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo chương trình của tỉnh. Chương trình này, sở đã gửi các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị, thành phố Thủ Dâu Một góp ý. Dự kiến, trong tháng 8-2012, sở sẽ trình UBND tỉnh xem xét và ban hành chính sách này.         

Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Thị Minh Tấn về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh, ông Lê Văn Rum cho hay, tính đến nay, toàn tỉnh có 60 xã được xác định là vùng nông thôn, tỉnh đã chọn 30 xã để xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, trong đó tỉnh chọn 5 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong năm 2013. Đến nay, xã An Sơn (TX.Thuận An) đã phê duyệt quy hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015; 4 xã điểm là Bạch Đằng (Tân Uyên), Chánh Phú Hòa (Bến Cát), Thanh An (Dầu Tiếng) và Tân Long (Phú Giáo) đang hoàn chỉnh đồ án quy hoạch chung trình UBND các huyện phê duyệt. Đối với 25 xã còn lại, có 21 xã đang xây dựng đồ án quy hoạch chung và triển khai xây dựng đề án xã nông thôn mới, 4 xã đang triển khai lập quy hoạch. “Giải pháp mà Sở Xây dựng đưa ra còn quá chung chung, cần phải chỉ rõ những đơn vị quản lý và chịu trách nhiệm tại các điểm ngập, đồng thời có giải pháp quyết liệt hơn”- ĐB Nguyễn Ngọc Sơn

ĐB Nguyễn Dũng cho rằng, việc xây dựng nông thôn mới cần xây dựng cách làm riêng của Bình Dương. Nếu áp dụng vào những tiêu chí chung thì khó đạt được yêu cầu. Các ĐB cũng đặt vấn đề về việc phát triển ngành nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao cần có giải pháp và chính sách quyết liệt hơn. Nói về vấn đề này, ông Vũ Minh Sang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, theo chỉ đạo chung của tỉnh thì các huyện, thị phía nam sẽ phát triển nông nghiệp đô thị, còn các huyện phía bắc sẽ phát triển nông nghiệp kỹ thuật cao gắn với việc xây dựng thành công các xã nông thôn mới. Do vậy, ngành nông nghiệp theo hướng chỉ đạo này thực hiện thành công chương trình hành động của Tỉnh ủy.

“Nóng” chuyện ngập úng và các giải pháp về nhà ở cho công nhân

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, chuyện ngập úng cục bộ nhiều nơi được nhiều cử tri và ĐB quan tâm. Do vậy, sở cũng đã làm việc với các chủ đầu tư, các cơ quan liên quan để giải quyết tình trạng này. Và trong thời gian qua, tỉnh cũng đã họp và đẩy mạnh công tác chống ngập trên địa bàn tỉnh. Cụ thể tính đến nay, tỉnh và các địa phương cũng đã và đang xử lý 4/7 điểm ngập của TP.TDM, 12/18 điểm ngập của TX.Thuận An, 18/19 điểm ngập của TX.Dĩ An; 9/13 điểm ngập ở huyện Bến Cát; 3/4 điểm ngập ở Tân Uyên; 1/4 điểm ngập ở Phú Giáo. Các điểm ngập trên địa bàn tỉnh đa số là cục bộ, mức độ nhẹ, dễ xử lý. Riêng các điểm ngập trên các tuyến BOT không giảm mà còn tăng lên do chậm khắc phục. Ông Dũng cũng cho rằng, có 4 nguyên nhân chủ yếu gây ngập là do địa hình và điều kiện khí tượng, thủy văn; yếu tố biến đổi khí hậu và nước biển dâng; do tốc độ đô thị hóa thiếu kiểm soát; công tác quản lý đô thị chưa tốt; do ý thức của một bộ phận người dân chưa cao; do cơ chế quản lý, phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước và địa phương còn chồng chéo, không kịp thời. ĐB Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, những nguyên nhân ngập do Giám đốc Sở Xây dựng đưa ra còn quá chung chung mà cần phải chỉ rõ những đơn vị quản lý và chịu trách nhiệm tại các điểm ngập, đồng thời có giải pháp quyết liệt hơn. 

“Tính đến nay, tỉnh đã chọn 30 xã để xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, trong đó tỉnh chọn 5 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong năm 2013” - GĐ Sở NN-PTNT Lê Văn Rum

ĐB Đoàn Ngọc Như Tâm đặt vấn đề, nhiều tuyến đã làm nhưng chưa trải nhựa gây bức xúc cho người dân, đề nghị ngành xây dựng cần chấn chỉnh. Còn ĐB Nguyễn Ngọc Sơn thì cho rằng, nhiều cử tri quan tâm đến vấn đề tái định cư, đặc biệt là tại dự án Khu đô thị sinh thái Chánh Mỹ, người giao đất phải ở nhà trọ quá lâu nhưng chưa được giải quyết. Tôi mong rằng, Sở Xây dựng cần có phương án tốt hơn để giúp những người đang ở trọ có nhà ở tái định cư. Tôi xin đề nghị sở đừng hứa nữa mà cần có giải pháp thiết thực hơn. Còn ĐB Nguyễn Thanh Nghĩa thì đặt vấn đề diện tích xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp và đề nghị tỉnh khi quy hoạch các KCN cần để một quỹ đất cho DN xây dựng nhà ở, các khu vui chơi giải trí cho CN. Ngoài ra, ĐB Nghĩa còn đặt vấn đề về việc Sở Xây dựng tỉnh hỗ trợ DN như thế nào khi họ xây dựng nhà ở, các khu vui chơi dành cho CN, người lao động?

Trả lời các câu hỏi trực tiếp của ĐB tại phiên chất vấn, ông Dũng cho biết, thực tế hiện nay khi cử tri và ĐB đặt vấn đề phản ánh thì với tư cách Sở Xây dựng là cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng sẽ làm việc với các chủ đầu tư để giải quyết vấn đề. Riêng các tuyến đường đào không lấp lại, khi được phản ánh, chúng tôi sẽ làm việc với chủ đầu tư để yêu cầu họ khắc phục. Riêng tiến độ thực hiện kế hoạch phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2011-2015, ông Dũng cho biết, để giải quyết vấn đề này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành chương trình về phát triển nhà ở xã hội 2011-2015. Mục tiêu của chương trình đề ra là sẽ đầu tư khoảng 1,75 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, đáp ứng cho khoảng 175.000 người, hưởng ứng chương trình của Tỉnh ủy, Becamex IDC đã đầu tư 37 dự án với tổng mức đầu tư lên đến 10.830 tỷ đồng, đáp ứng cho khoảng 167.000 người ở. Trong quý III-2012, Sở Xây dựng sẽ tiếp tục tổ chức chương trình của Tỉnh ủy và kế hoạch của UBND tỉnh về nhà ở xã hội.   “Đối với các tổ chức tín dụng không thực hiện chủ trương của NHNN là cho vay vượt lãi suất tối đa 15% thì phía ngân hàng cho giải pháp gì? - ĐB Nguyễn Thanh Nghĩa

Ngân hàng quyết tâm giúp DN vượt khó   

Nói về những khó khăn của DN trong tiếp cận nguồn vốn, ông Bùi Văn Nu cho biết, vấn đề DN, đặc biệt DN vừa và nhỏ, DN trong lĩnh vực nông nghiệp khó khăn trong tiếp cận vốn vay với mức lãi suất theo quy định. Đây là vấn đề của nền kinh tế nói chung và của tỉnh Bình Dương nói riêng. Khó khăn này cũng là khó khăn của ngành ngân hàng. Để tháo gỡ vấn đề này, cần có sự vào cuộc đồng bộ của toàn xã hội mới kích thích nền kinh tế phát triển. Trong đó, phải đẩy mạnh khả năng tiêu thụ hàng hóa của DN, giảm hàng tồn kho, tăng sức mua của người dân thì mới tạo sự lưu thông dòng vốn của DN thì DN mới hấp thu được vốn vay. Ông Nu cho rằng, thời gian qua, thực hiện chủ trương của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trong điều kiện hiện nay của DN, NHNN đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp về tiền tệ, tín dụng, lãi suất nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện cho DN, nhất là DN vừa và nhỏ, DN nông nghiệp nông thôn, DN công nghiệp hỗ trợ có thể tiếp cận vốn vay.   “Chúng tôi đã chỉ đạo tất cả các tổ chức tín dụng trên địa bàn và giám sát nghiêm túc vấn đề này” - GĐ NHNN tỉnh Bùi Văn Nu

Ông Nu cho biết, hiện nay, NHNN đã khống chế việc cho vay của các tổ chức tín dụng tối đa không quá 15%. Đây cũng là giải pháp tối ưu của hệ thống ngân hàng nhằm giúp DN vượt qua khó khăn chung. Để giúp DN tiếp cận nguồn vốn, trong thời gian tới, hệ thống ngân hàng sẽ thực hiện tốt việc cho vay ưu đãi đối với các DN thuộc các lĩnh vực ưu tiên vay vốn. ĐB Nguyễn Thanh Nghĩa đặt vấn đề, đối với các tổ chức tín dụng không thực hiện chủ trương của NHNN là cho vay vượt lãi suất tối đa 15% thì phía ngân hàng cho giải pháp gì? Ông Nu cho rằng, vấn đề này chúng tôi đã chỉ đạo tất cả các tổ chức tín dụng trên địa bàn và giám sát nghiêm túc vấn đề này. Về giải pháp sắp tới để tháo gỡ khó khăn cho DN, theo tôi thì ngoài sự trợ giúp của ngân hàng, cũng cần cơ cấu lại DN, xem xét việc miễn, giảm, giãn thuế cho DN. Phía ngân hàng cũng đề nghị UBND tỉnh tổ chức, mời tất cả các ngân hàng và DN ngồi lại với nhau để đối thoại, cùng nhau giải quyết những khó khăn chung; đồng thời đánh giá, rà soát lại và xem xét tài chính của ngân hàng. Tôi cho rằng, đây là nhiệm vụ trọng tâm từ đây đến cuối năm của hệ thống ngân hàng trong tỉnh.

NHÓM PV CHÍNH TRỊ