Nối tiếp vòng tay nhân ái…
(BDO) 1. Nước mắt của người cha:
Phụ nữ chăm con nhỏ đã khổ sở, khó khăn đằng này lại là một người đàn ông 42 tuổi, chăm sóc 2 đứa con gái. Đứa con đầu mới 12 tuổi mắc bệnh đao. Đứa bé thứ hai mới 7 tháng được mổ bắt con khi người mẹ mất vì Covid-19. Đó là trường hợp quá thương tâm của anh Hoàng Văn Tưởng. Anh thất nghiệp, hiện thuê nhà ở lô 27, khu tái định cư 02-Đ9, khu phố 4 An Phú, TP.Thuận An.
Cha con anh Tưởng
Cố ngăn dòng nước mắt, anh Tưởng cho biết vợ anh là chị Trần Thị Nhung, sinh năm 1982 mất do Covid-19 ngay sau khi chị được bác sĩ chỉ định phải mổ bắt con. Anh Tưởng còn nhớ như in: trong gia đình anh là người bị mắc Covid-19 đầu tiên. Cố gắng giữ gìn lắm nhưng rồi cuối cùng vợ anh đang mang thai tháng thứ 7 bị vẫn bị nhiễm bệnh. Ngày 20-7-2011, vợ anh được đưa đến Bệnh viện Đa khoa TP. Thuận An khi anh đang phải cách ly. Sau đó chị Nhung được đưa lên bệnh viện Đa khoa tỉnh để mổ bắt con. Anh chỉ gặp được vợ có một lần rồi chia tay mãi mãi. Con gái anh được gửi lại ở Khoa Nhi cho các cô chăm sóc. Một tháng rưỡi sau anh mới lên bồng con về phòng trọ.
Quá vất vả sau vài tháng làm “gà trống nuôi con”, tháng 12-2021, anh Tưởng đưa 2 con gái và di ảnh của vợ về quê ở Thọ Xuân, Thanh Hóa. Anh hy vọng sẽ kiếm được việc để đi làm, nuôi con nhưng cuộc sống ở quê quá khó. Sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần-2022, anh Tưởng đưa con trở lại Bình Dương sinh sống.
Hỏi anh sao không đi làm, anh nói không nỡ để 2 con ở nhà hay gửi cho người khác chăm sóc. Hiện tại, 2 con anh được hỗ trợ từ Quỹ Thiện tâm mỗi tháng 1,4 triệu đồng. Bạn bè cũng chung tay giúp sức để anh nuôi con nhưng không được bao nhiêu. Chúng tôi quá xót xa khi nghe anh nói rằng: “Nhiều người nói với tôi khó khăn quá thì bán đứa con sinh sau đi để lo cho chị nó! Nhưng làm cha, tôi sẽ bảo vệ con mình đến cùng cho dù cuộc sống quá áp lực, quá khó khăn”.
Nhìn mấy dòng chữ anh Tưởng viết lên tường nhắc về giờ giấc cho con ăn, uống sữa, chúng tôi càng chạnh lòng hơn. Trường hợp của anh Tưởng thật sự quá nghiệt ngã khi nội ngoại hai bên không giúp đỡ được gì vì ai cũng khó khăn. Mong sao cộng đồng chung tay giúp đỡ để cha con anh bước qua được chặng đường ngặt nghèo này.
2. “Mong cháu Ngọc Hân được học tiếp”
Căn phòng trọ của anh em Ngọc Lợi, Ngọc Hân cùng bà ngoại ở khu phố Tây A, phường Đông Hòa, TP.Dĩ An quá nhỏ nhưng “còn vợ chồng và con của dì Út chúng nó nữa” như lời của bà ngoại 2 em giới thiệu. Chúng tôi không thể ngăn được cảm xúc của mình trước tình cảnh khổ sở của các bà cháu.
Anh em Ngọc Lợi, Ngọc Hân và bà ngoại
Hỏi về mẹ, Ngọc Hân chỉ lặng lẽ ngồi khóc. Bà Hồ Thị Mứt năm nay đã 70 tuổi là bà ngoại của các em kể: con gái bà, Lê Thị Thủy sinh năm 1982 là mẹ các bé Nguyễn Ngọc Phúc (sinh năm 2004), Nguyễn Ngọc Lợi (2006) và Nguyễn Thị Ngọc Hân (2008) bị mất do Covid-19. Ba của các bé là anh Nguyễn Ngọc Thành cũng đã mất năm 2010 do bệnh hiểm nghèo. Ngọc Phúc nay đã đi làm công nhân. Ngọc Lợi đã nghỉ học phụ bưng phở ở quán. Chủ quán thương tình cho ăn ở tại chỗ, thỉnh thoảng mới về thăm ngoại và em.
Nhà chỉ còn Nguyễn Thị Ngọc Hân được đi học. Hè này em lên lớp 8, hiện em đang ở với dì ruột và bà ngoại già yếu bị bệnh tim. “Gia cảnh quá khó khăn, tôi đã bán nhà được mấy trăm triệu đồng trả nợ, chữa bệnh và nay phải đi ở thuê 1,6 triệu đồng/ tháng. Vợ chồng con gái út của tôi có có con nhỏ 10 tuổi cũng ở chung luôn. Sáng ra hai vợ chồng nó gửi con đi học xong cùng đi làm ở TX.Tân Uyên”, bà ngoại bé Ngọc Hân tâm sự.
Suốt buổi nói chuyện, Ngọc Hân chỉ cúi đầu lặng lẽ khóc. Ngọc Lợi nói rằng mẹ con đưa đón em đi học từ khi mầm non đến hết lớp 6. Trước khi mất, con có nói mẹ đừng lo lắng gì cho chúng con mà hãy đi khám bệnh. Không ngờ, đó cũng là những ngày cuối cùng mẹ con còn ở bên nhau. “Mẹ mắc Covid-19, đưa đi điều trị là mất luôn, chúng con không gặp mẹ nữa”, Ngọc Lợi nghẹn ngào.
Bà ngoại bé Ngọc Hân đưa giấy khen của cháu ngoại ra khoe với chúng tôi. Bà nói điều mong muốn nhất của bà cũng như 2 anh là Ngọc Hân được học hành đến nơi đến chốn chứ không bị nghỉ học giữa chừng như 2 người anh của mình.
Mất mẹ rồi, ước mơ nhỏ nhoi này cũng khó thực hiện nếu không có những cánh tay yêu thương che chở, giúp đỡ em…
Theo bà Trương Thanh Nga, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, thực hiện kế hoạch số 1131 của Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam về chương trình “Mẹ đỡ đầu” hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi do tác động của dịch Covid-19, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức phát động đến các cấp hội và Hội phụ nữ các đơn vị trực thuộc, Hội nữ doanh nhân hình thức, cán bộ, hội viên, phụ nữ và người dân trên địa bàn tỉnh… nhận đỡ đầu, hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi như tặng sổ tiết kiệm, trao học bổng, thăm, tặng quà, trực tiếp nhận đỡ đầu, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi hoặc hỗ trợ nguồn lực cho trẻ mồ côi thông qua gia đình, người nuôi dưỡng. Các trường hợp trên sẽ được các cấp hội tiếp tục hỗ trợ để giúp các em vượt qua lúc khó khăn, ngặt nghèo này…
Quỳnh Như