Nơi lưu giữ dấu tích xưa
(BDO) Phục dựng đường hầm bí mật ở ngôi đình gần 200 năm là mong muốn của các vị cao niên cũng như thành viên Ban Quản lý Đình thần Dĩ An (khu phố Nhị Đồng 1, phường Dĩ An, TX.Dĩ An). Mong muốn đó đã được các cụ cao niên chia sẻ khi chúng tôi đến thăm ngôi đình này. Theo các anh, các chú ở đây thì làm được điều này sẽ tăng thêm giá trị cho di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia…
Đình thần Dĩ An được trùng tu khang trang
Từ dấu tích văn hóa
Ngày cuối tuần, chúng tôi đến thăm lại Đình thần Dĩ An. Rất đông du khách đến tham quan, tìm hiểu ngôi đình này. Có người đi riêng lẻ trong tay cầm máy ảnh, sổ tay và ghi chép cẩn thận. Có những bạn trẻ hay các em học sinh thì được tổ chức đi theo đoàn. Ông Trịnh Văn Xuân, Trưởng ban Quản lý Đình thần Dĩ An, cho biết từ trước đến nay nhiều người tìm về thăm ngôi đình đặc biệt giữa lòng phố thị ngày càng đông đúc. Từ khi được công nhận di tích quốc gia, du khách tìm về nhiều hơn.
Vào tháng 7-2019, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND TX.Dĩ An đã phối hợp tổ chức lễ trao quyết định xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia cho Đình thần Dĩ An. Đây cũng là điều làm tăng thêm phần vinh dự tự hào cho người dân địa phương về vùng đất họ gắn bó từ đời này sang đời khác. Năm 2011, Đình thần Dĩ An được cấp chứng nhận Di tích văn hóa - lịch sử cấp tỉnh. Xét đề nghị của UBND tỉnh, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký quyết định công nhận về việc xếp hạng di tích quốc gia cho Đình thần Dĩ An vào ngày 28-3-2019.
Theo sử liệu, ngôi đình được gọi là miếu bởi ban đầu chỉ dựng tạm bằng tranh tre, nứa lá. Khoảng năm 1838, khi dân số nơi đây đông hơn, người dân chung tay xây dựng ngôi miếu thành đình thờ thần Thành Hoàng Bổn Cảnh (theo bản sắc phong của vua Tự Đức năm thứ 5 (1852) phong cho Đình thần Dĩ An). Trải qua nhiều lần tu sửa, Đình thần Dĩ An vẫn giữ được kiến trúc cũ, là nơi sinh hoạt tín ngưỡng dân gian cho người dân địa phương.
Việc trùng tu, sửa chữa, làm mới di tích nhưng vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống luôn được các nhà quản lý văn hóa, ban quý tế của đình cũng như các nhà hảo tâm quan tâm. Thế nên Đình thần Dĩ An vẫn còn giữ nét cổ kính giữa lòng một thị xã có tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa nhanh của tỉnh. Đình thần Dĩ An hiện có diện tích hơn 24.000m2, có lối kiến trúc chữ Nhất (-) với các dãy nhà liên tiếp nhau, gồm: Nhà Võ ca, Tiền điện, Chánh điện và Hậu điện. Ở đây hiện đã xây dựng nhà khách, đền thờ năm bà Ngũ Hành, đền thờ Vua Hùng, đền thờ liệt sĩ và các bà mẹ Việt Nam anh hùng. Riêng chánh điện đình Dĩ An giữ nguyên kiến trúc cũ được xây dựng từ năm 1910.
Đến dấu tích cách mạng
Một điều đáng tự hào là nơi đây không chỉ là một di tích kiến trúc, nghệ thuật độc đáo, cuốn hút du khách bởi cảnh sắc thiên nhiên thanh bình mà còn là nơi lưu giữ dấu tích các nắp hầm bí mật, đường hầm bí ẩn mà người dân địa phương quen gọi là “giếng lạng” của các nhà hoạt động cách mạng để lại.
Theo ông Trịnh Văn Xuân, ngoài là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng dân gian của người dân trong làng, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đình còn là nơi hoạt động cách mạng của bộ đội Đào Sơn Tây. Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đình còn là nơi dừng chân và trú quân của lực lượng vũ trang tỉnh Thủ Dầu Một. Trong khuôn viên đình hiện vẫn còn lưu dấu một số hầm hoạt động bí mật của lực lượng vũ trang và bộ đội Đào Sơn Tây. Dù hiện nay, toàn bộ các miệng hầm, đường hầm bí mật đã bị san lấp bởi bê tông nhưng dấu tích vẫn còn lưu giữ và có thể phục dựng một số miệng hầm cho du khách tham quan biết thêm về lịch sử của ngôi đình.
Đưa chúng tôi dạo quanh khuôn viên đình, ông Trịnh Văn Xuân cho biết có khoảng 16 - 17 căn hầm bí mật ở trong khu đất của đình. Bởi đây là vùng ven rừng cây nguyên sinh, ven rẫy của người dân. “Một bên là “lính quốc gia”, một bên là căn cứ cách mạng. Địa thế của ngôi đình rất thuận tiện để che giấu cán bộ cách mạng. Tôi nghe những bậc cao niên kể lại, có những dịp cúng đình, lính của hai bên đều đến dự để nắm tình hình. Họ hóa trang, ăn mặc như dân thường nên không ai biết về gốc tích của họ. Có một điều rất hay mà các vị kể lại rằng, ở đây là vùng kháng chiến rất ác liệt nhưng vào những dịp cúng đình, đặc biệt là lễ Kỳ yên rằm tháng 11 âm lịch thì hai bên đình chiến, không đụng độ gì. Họ để cho người dân địa phương làm đúng các nghi lễ cúng đình, đi nghe hát bội trong 3 ngày diễn ra lễ hội”, ông Xuân chia sẻ.
Ông Xuân cũng cho biết nguyện vọng chung của các thành viên trong Ban Quản lý đình là nếu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lãnh đạo chính quyền TX.Dĩ An cho phép phục dựng, ông sẽ vận động kinh phí, công sức của bà con để đào lại một số miệng hầm. Chú thích rõ ràng cho du khách biết được các tư liệu, hình ảnh lịch sử của đình nói riêng và vùng đất này nói chung. “Hồi trước khu này ăn luồn vô với các giếng lạng (nối với đường hầm bí mật), có một lần cúng đình bị quân địch phát hiện và giật nắp hầm. Rất may là trước khi cúng đình, các bậc bô lão trong làng đã báo cho các anh biết và họ rời hầm đi vào bìa rẫy, không có ai ở dưới hầm. Hôm đó có một tên lính nghĩa quân đi ăn cúng đình, khi đi ra vườn, nó lấy chân hất hất mớ lá khô thì tình cờ đụng phải nắp hầm. Nó phiên dịch cho một tên lính Đại Hàn và chúng kéo đến rất đông. Bà con đi cúng đình bị đuổi đi hết. Chúng cho giở nắp hầm nhưng không có ai trong đó nên chúng mới tức tối bỏ đi”, ông Xuân kể. Ông Xuân cho biết thêm, chiến sĩ cách mạng đào các hầm bí mật, đất, đá đưa lên không biết đưa đi đâu họ làm ụ mối giả như thật để che mắt quân địch. Đất này nguyên là của ông Trịnh Văn Bồi, ông cố của ông Trịnh Văn Xuân hiến cúng để xây đình. Thế nên, ông Xuân hiểu rất rõ về ngôi đình.
Một sự kiện đáng nhớ nữa mà ông Xuân kể, đó là những năm 1960-1961, quân địch đã có kế hoạch san phẳng khu đất này. Ông Trần Văn Xe khi đó là người giữ đình, biết ở đây có nhiều căn hầm bí mật nên ông đã tận dụng mối quen biết của mình với người thông ngôn. Ông nhờ người lính thông ngôn phiên dịch rằng đây là khu rừng nguyên sinh còn sót lại nhiều loại gỗ quý hiếm, không nên phá. Thế là ngôi đình cũng như khu rừng này được giữ lại. Các căn hầm bí mật vẫn là nơi sinh hoạt, kháng chiến của quân ta cho đến ngày đất nước hoàn toàn thống nhất.
Nơi nuôi giấu cán bộ
Ông Nguyễn Văn Phục, sinh năm 1941 hiện là ông từ giữ đình ở đây. Ông Phục cũng tham gia cách mạng, bị bắt tù ở khám Chí Hòa từ tháng 2-1962 đến năm 1964 mới ra tù. Sau đó, ông công tác tại Nhà máy Toa xe Dĩ An. Từ năm 1992, sau khi nghỉ hưu ông về phụ việc cúng kiếng hàng ngày ở đình. Theo ông Phục, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông đã nghe nhiều về các chiến sĩ cách mạng của ta, chứng kiến cảnh người dân trong đình cưu mang, chăm lo cho chiến sĩ. “Tôi còn nhớ rất rõ về 4 cán bộ nòng cốt từng sống ở các căn hầm bí mật của Đình thần Dĩ An. Đó là các anh Nguyễn Văn Chịu, Phạm Văn Kịch, Tô Văn Phương và Trần Văn Chỗ. Các anh hoạt động ở đình khoảng từ năm 1962 đến 1968. Người dân quanh vùng này rất tự hào khi đã che giấu cán bộ, giúp các anh trong việc tiếp tế lương thực, thuốc men, làm công tác giao liên cho lực lượng cách mạng”, ông Phục kể.
Một khi các căn hầm, đường hầm bí mật ở đây được phục dựng sẽ làm tăng thêm phần giá trị cho di tích này. Đây cũng sẽ là điểm về nguồn, giáo dục truyền thống tốt đẹp cho những người thế hệ sau…
Đáo hạn 3 năm một lần, Đình thần Dĩ An tổ chức lễ Kỳ yên rất lớn. Hàng năm, lễ Kỳ yên vẫn diễn ra nhưng 3 năm là lễ trọng kéo dài trong 4 ngày 15, 16, 17, 18- 11 âm lịch. Đây là năm đầu tiên Đình thần Dĩ An được công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia nên lễ càng mang ý nghĩa trang trọng hơn nữa. Các lễ chính trong dịp này gồm có: Cúng 5 bà Ngũ Hành, cúng tế Ngọc Hoàng, cúng Tiền bối hậu giảng, lễ hội Nghinh sắc Ông, Chư tăng đức khai kinh cầu an, cúng các anh hùng liệt sĩ tại nhà bia, chẩn tế, cúng địa nàng, an vị lễ thành… Ngoài ra, đây còn là dịp biểu diễn của các đoàn lân sư rồng và diễn tuồng hát bội. |
QUỲNH NHƯ