Nơi lưu danh những người con anh dũng
Trong kháng chiến, Tân Bình có vị trí chiến lược quan trọng, tiếp giáp căn cứ Thuận An Hòa. Do đó, trong suốt 30 năm đấu tranh giải phóng dân tộc, phường Tân Bình là căn cứ kháng chiến, nối liền các chiến khu với chiến trường miền Đông. Tại đây, có “ngôi mộ 35” thực dân Pháp đã tàn sát dã man 35 chiến sĩ đồng bào ta vào ngày 9-4-1947. Đồng thời có những địa danh nổi tiếng trong chiến đấu như: căn cứ Hố Lang, Hố Mây, Hố Ngựa, suối Mạch Máng... là cái nôi cách mạng, là căn cứ của Huyện ủy Dĩ An trong suốt 2 cuộc kháng chiến, tại đây đã xảy ra nhiều cuộc đối đầu giữa ta và địch. Đặc biệt nhất là cuộc chống càn ác liệt của lực lượng bộ đội chủ lực và dân quân du kích giữa 2 xã Tân Hiệp và Bình Trị xảy ra vào ngày 5-5-1968 trên dòng suối Mạch Máng.
Đầu tháng 5-1968, đợt II của chiến dịch bắt đầu. Các lực lượng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích về trú quân tại nơi đây (khu phố Tân Phước). Sáng 5-5-1968, khi lực lượng ta chuẩn bị triển khai tấn công địch thì cũng là lúc 2 tiểu đoàn lính Mỹ cùng 30 xe tăng càn vào. Ngay từ đầu, cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt, bộ đội ta đã đẩy lùi nhiều đợt tấn công và làm tiêu hao nhiều sinh lực địch, bắn cháy 4 xe tăng. Không chiếm được trận địa, chúng tăng cường pháo binh, huy động hàng chục máy bay bắn phá liên tục trong nhiều giờ liền, cày nát hầu hết hầm hào giao thông, công sự chiến đấu của ta, đổ xuống vùng đất này hàng trăm tấn bom đạn trong một ngày máu lửa.
Bộ đội, lực lượng dân quân du kích của ta vẫn ngoan cường bám trụ chiến đấu đến cùng, hơn 100 cán bộ và chiến sĩ ta phải hy sinh. Về phía lực lượng địa phương có nữ cán bộ Năm Lan, Huyện đội phó, Hai Tuấn, Thường vụ Huyện ủy Dĩ An Mười Đông, Bí thư Chi bộ xã Tân Hiệp... hàng chục người dân vô tội do trúng đạn đã chết trong trận này. Máu loang đỏ dòng “suối Mạch Máng”. Từ đó, dòng suối này được nhân dân gọi thêm một cái tên nữa là “Suối Sọ” để khắc ghi tội ác của kẻ thù xâm lược và mãi mãi ghi công những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nước.
Nhằm ghi nhớ công lao to lớn và sự hy sinh cao cả của hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, nhân dân địa phương đã đề nghị địa phương nên tổ chức xây dựng Bia tưởng niệm liệt sĩ suối Mạch Máng. Ngày 25-3-2008, được sự chấp thuận của UBND TX.Dĩ An, UBND phường Tân Bình tổ chức xây dựng Bia tưởng niệm liệt sĩ suối Mạch Máng. Trong quá trình triển khai đến ngày 4-5-2008, công trình chính thức khởi công xây dựng, cũng chính là ngày kỷ niệm 40 năm trước nơi đây xảy ra trận đánh. Sau hơn 3 tháng khẩn trương thi công để rà soát khắc vào bia đá tên các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh. Địa phương đã thu thập danh sách về chiến sĩ dân quân du kích được 9 liệt sĩ, bộ đội chủ lực được 3 liệt sĩ. Công trình chính thức tổ chức khánh thành vào ngày 24-8-2008, nhân kỷ niệm 63 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cô Nguyễn Thị Phước - thân nhân gia đình liệt sĩ Nguyễn Thị Tươi (tự Năm Lan) ngậm ngùi chia sẻ: Tôi rất vui mừng khi thấy Bia tưởng niệm liệt sĩ suối Mạch Máng được hoàn thành. Có thể thấy tinh thần trách nhiệm của người đi sau dành cho người đi trước rất được quan tâm. Điều này còn thể hiện được tấm lòng của Đảng và Nhà nước đối với những bà con nhân dân Tân Bình đã cưu mang, đùm bọc trong suốt thời gian kháng chiến.
Cục Chính trị Quân đoàn 4 đã nhiều năm rà soát đơn vị tham gia trận đánh vào ngày 5-5-1968 trên địa bàn xã Tân Hiệp (Dĩ An) đã cung cấp cho địa phương 122 liệt sĩ vào cuối năm 2011 vừa qua. Về phía địa phương đã được nhân dân cung cấp 1 liệt sĩ ở phường Bửu Hòa (TP.Biên Hòa) cũng hy sinh trong trận đánh này. Như vậy đến thời điểm này, Bia tưởng niệm liệt sĩ suối Mạch Máng đã ghi danh được 162 liệt sĩ. Trong đó: 152 liệt sĩ thuộc đơn vị bộ đội chủ lực, dân quân du kích địa phương được 10 liệt sĩ.
Tại lễ khánh thành giai đoạn II Bia tưởng niệm liệt sĩ suối Mạch Máng, thiếu tướng Nguyễn Trọng Nghĩa - Chính ủy Quân đoàn 4 cho biết, đối với thế hệ chiến sĩ Quân đoàn 4 hôm nay, ngoài nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và xây dựng quân đoàn cách mạng chính quy tinh nhuệ từng bước hiện đại, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến công tác hậu phương quân đội, đến các chính sách đền ơn đáp nghĩa. Quân đoàn 4 sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan của Bộ Quốc phòng, với các địa phương, tướng lĩnh, các nhân vật lịch sử trong trận chiến đấu này để tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, ghi tên các anh vào bia liệt sĩ đồng thời sẽ phối hợp với địa phương giữ gìn công trình bia tưởng niệm này để sẽ mãi mãi là nơi tri ân các liệt sĩ, công trình của tình đoàn kết quân dân...
Hồng LỢI