Nơi hội tụ những tấm lòng
(BDO) “Tôi gọi ngôi trường là nơi hội tụ những tấm lòng. Bởi nó không đơn thuần là xã hội hóa giáo dục mà là một sự hợp lực của chính quyền địa phương, tổ chức công đoàn và cộng đồng doanh nghiệp để con em công nhân được giáo dục trong môi trường tốt nhất. Trường sẽ được trồng thêm nhiều cây xanh. Mỗi mầm xanh là một sự kỳ vọng cho một tương lai tốt đẹp”. Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã nói như vậy khi về thăm trường Mầm non 28-7 (Khu công ngiệp Mỹ Phước 2, phường Mỹ Phước, TX.Bến Cát).
Khởi công xây dựng giai đoạn 2 trường Mầm non 28-7. Ảnh: T.THẢO
Đáp ứng nhu cầu cho người lao động
3 năm sau ngày trường Mầm non 28-7 đi vào hoạt động (năm 2015), hình ảnh mà ai cũng thấy chính là 95 cháu, với 1 lớp nhà trẻ và 2 lớp mẫu giáo được học tập, vui chơi trong một ngôi trường khang trang. Dù nhỏ thôi nhưng trường được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất cần thiết, có khu vui chơi, có camera giám sát. Thực đơn cho các bé được thay đổi hàng ngày, đủ dinh dưỡng. Học phí và tiền ăn thấp hơn so với mặt bằng chung, chỉ khoảng 700.000 đồng/bé/ tháng. Các bé còn được gửi tăng ca ngoài giờ hành chính và cả ngày thứ 7. Trường Mầm non 28-7 là trường mầm non đầu tiên trong chuỗi các trường do Tổng LĐLĐ chỉ đạo LĐLĐ các tỉnh, thành phối hợp Quỹ Xã hội Từ thiện Tấm lòng vàng xây dựng trong các khu công nghiệp (KCN) trên cả nước.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam, chia sẻ: “Để ra đời những ngôi trường như thế này không phải là chuyện ngày một, ngày hai. Biết bao ngày thai nghén nhưng cứ đành… ấp ủ bởi vướng cơ chế, vướng thủ tục... Trong khi đó, trường mầm non cho con người lao động (NLĐ) luôn là vấn đề bức thiết”. Còn bà Trương Thị Bích Hạnh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, cho biết Bình Dương có 29 KCN, trong đó 27 KCN đã đi vào hoạt động. Do vậy nhu cầu về nhà trẻ cho con NLĐ là vấn đề cấp thiết, là mong muốn chính đáng của NLĐ và cũng là trách nhiệm của các cấp chính quyền và tổ chức công đoàn. Do vậy, LĐLĐ tỉnh đã được UBND TX.Bến Cát giao 2 ha đất để xây dựng cụm công trình gồm trường mầm non, nhà văn hóa công nhân và trụ sở Công đoàn các KCN Bến Cát; trong đó trường mầm non có diện tích hơn 10.000m2. Và trường Mầm non 28-7 đã ra đời khi được chính quyền TX.Bến Cát hỗ trợ khu đất đẹp; Công đoàn hỗ trợ kinh phí; ngành giáo dục tiếp nhận trường và bố trí đội ngũ giáo viên, bảo mẫu chuyên nghiệp.
Mỗi mầm xanh một niềm hy vọng
Câu chuyện cho con học ở đâu, hay gửi về quê cho ông bà luôn là nỗi trăn trở của những NLĐ xa quê có con nhỏ. Mỗi năm trong hành trình “Chuyến xe xuân nghĩa tình đưa công nhân về quê đón tết” do LĐLĐ tỉnh tổ chức, hình ảnh những ông bố, bà mẹ trong hành trang về thăm quê có con thú nhồi bông, búp bê đã trở nên quá quen thuộc. Bởi làm sao khác hơn, khi hai vợ thường xuyên tăng ca, con cái gửi ở những nhóm nhà trẻ thì không yên tâm, còn học ở trường công lập thì phải rước theo giờ hành chính. Vậy là những đứa trẻ phải rời vòng tay thương yêu bố mẹ để về quê sống với ông bà nội, ngoại. “Thương con lắm chứ! Hôm nào không tăng ca về sớm đi ngang trường mầm non thấy cha mẹ đi rước con là tôi lại chảy nước mắt. Nhớ con nhưng không thể khác hơn…”, chị Bùi Bích Hồng, công nhân ở KCN Việt Nam - Singapore bỏ lửng câu chuyện khi kể về đứa con nhỏ mới 2 tuổi được chị gửi về quê cho ông bà ngoại nuôi giúp. Và câu chuyện của chị Hồng cũng là nỗi niềm chung của nhiều NLĐ hiện nay. Vì vậy, trường Mầm non 28-7 dành riêng cho đối tượng con NLĐ ra đời đã góp phần giảm đi gánh nặng cho phụ huynh khi không phải thấp thỏm nỗi lo gửi, trông và đón con mỗi khi tăng ca, làm thêm giờ. Chị Nguyễn Thị Bình, một NLĐ tại KCN Mỹ Phước 2 chia sẻ: “Có trường công lập mà giữ bé tăng ca và ngày thứ 7 thì chúng tôi rất yên tâm”.
Tuy nhiên, phải nhìn nhận sau 3 năm đi vào hoạt động, trường Mầm non 28-7 vẫn chưa “chạy” hết công suất, trong khi đó nhiều phụ huynh vẫn phải bấm bụng gửi con ở các trường ngoài công lập có mức đóng học phí cao hơn, hoặc tìm đến các nhóm trẻ gia đình với chất lượng hoạt động không bảo đảm. Bà Trương Thị Bích Hạnh cho biết: “Hiện tại, trường Mầm non 28-7 chưa nhận học sinh lớp lá nên nhiều phụ huynh chưa cảm thấy yên tâm. Bởi đằng nào khi học xong ở đây họ cũng phải chuyển con đi trường khác. Vì vậy, ngay từ lúc khánh thành giai đoạn 1 của trường vào năm 2015, chúng tôi luôn mong muốn các doanh nghiệp, nhà hảo tâm sẽ tiếp tục hỗ trợ để xây dựng, mở rộng trường, tạo chỗ học tập, vui chơi an toàn cho con NLĐ”.
Và ước mơ đã trở thành hiện thực khi Công ty cổ phần Thương mại, Dịch vụ, Xây dựng và Địa ốc Kim Oanh tài trợ 18 tỷ đồng xây dựng giai đoạn 2 của trường. Trong ngày khởi công xây dựng trường, bà Trần Thị Thảo, Phó Chủ tịch UBND TX.Bến Cát, rất vui mừng. Bà Thảo chia sẻ: “Trên địa bàn TX.Bến Cát có 8 KCN, cơ bản đã được lắp đầy với hơn 150.000 NLĐ đến làm ăn, sinh sống. Lực lượng này góp phần không nhỏ cho sự phát triển của địa phương. Nhưng bên cạnh đó, TX.Bến Cát phải chịu áp lực lớn về giáo dục. Mặc dù chính quyền địa phương đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục… nhưng trường lớp vẫn rất thiếu, rất cần sự chung tay của cộng đồng. Vì vậy, trường Mầm non 28-7 ra đời đã góp phần cùng địa phương giải bài toán khó này. Chúng tôi mong muốn thời gian tới sẽ tiếp tục có nhiều ngôi trường như thế này được xây dựng”.
Trường Mầm non 28-7 (phường Mỹ Phước, TX.Bến Cát) có tổng diện tích hơn 10.200m2. Giai đoạn 1 đã xây dựng và đưa vào sử dụng gần 1.300m2, với mức đầu tư 3,5 tỷ đồng từ nguồn Quỹ xã hội - từ thiện Tấm lòng vàng, Quỹ Bảo trợ trẻ em Công đoàn Việt Nam và ngân sách công đoàn địa phương. Giai đoạn 2 có kinh phí đầu tư 18 tỷ đồng do Công ty cổ phần Thương mại, Dịch vụ, Xây dựng và Địa ốc Kim Oanh tài trợ. Dự kiến, giai đoạn 2 sẽ hoàn thành vào tháng 6-2019. Khi hoàn thành, trường sẽ đáp ứng nhu cầu học tập cho khoảng 500 học sinh từ 18 tháng đến 5 tuổi.
THU THẢO