Noi gương Bác để làm tốt trách nhiệm của người thầy thuốc
(BDO) Đến Trung tâm Y tế huyện Phú Giáo, hỏi thăm bác sĩ Phạm Thị Dung, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp - thiết bị, hầu hết các đồng nghiệp đều nói về chị như một tấm gương điển hình, một người thầy thuốc có tinh thần trách nhiệm cao trong công tác chuyên môn, gần gũi, tận tình với bệnh nhân và gắn bó, chia sẻ với đồng nghiệp. Chị luôn coi người bệnh là người n hà, sự đau đớn của người bệnh là nỗi đau của bản thân. Chính vì vậy, suốt 10 năm công tác tại đây, chị Dung như con ong cần mẫn, chăm chỉ xây dựng hình ảnh người thầy thuốc ngày càng đẹp hơn trong mắt người dân…
Bác sĩ Phạm Thị Dung (thứ hai từ trái qua) tham gia giao lưu cùng các đại biểu tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị do Huyện ủy Phú Giáo tổ chức Ảnh: H.P
10 năm công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Giáo (nay là Trung tâm Y tế huyện Phú Giáo), bác sĩ Phạm Thị Dung có đến 8 năm làm việc tại Phòng Kế hoạch tổng hợp - thiết bị, với đặc thù là làm ngoài giờ hành chính, hoặc có những khi phải tranh thủ sắp xếp công việc của những ngày nghỉ để hoàn thành nhiệm vụ. Sau đó, chị lại dành phần lớn thời gian cho công việc tại Phòng Siêu âm của trung tâm. Dù làm việc tại Phòng Siêu âm hay tại Phòng Kế hoạch tổng hợp - thiết bị, đối với bác sĩ Phạm Thị Dung chưa bao giờ chị cảm thấy nề hà, miễn làm sao phục vụ tốt cho bệnh nhân. Vì theo chị, mọi nhiệm vụ của ngành y đều hướng đến mục đích phục vụ nhân dân. Bác sĩ Phạm Thị Dung tâm sự: “Đối với tôi, làm việc ở đâu cũng vậy, tất cả đều vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe của người dân; làm việc ở đâu cũng thế, miễn là cùng chung tay với ngành y tế thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đó là niềm hạnh phúc nhất trong công việc. Do đó, làm ở bộ phận nào, theo tôi mỗi người cũng đều phải nỗ lực hết mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
Đặc biệt, trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chị Dung đã gắn việc thực hiện việc làm theo Bác vào trong công việc hàng ngày một cách linh hoạt, sáng tạo, gắn với y đức của người thầy thuốc. “Thực hiện lời dạy của Bác, lương y như từ mẫu, gắn với công tác chuyên môn, trong công việc hàng ngày, bản thân tôi luôn coi sự đau đớn của người bệnh như chính nỗi đau của bản thân mình. Do đó, tôi luôn tâm niệm một điều: Nếu có thể giúp được gì cho họ thì mình cố gắng hết sức làm. Chưa bao giờ tôi từ chối hoặc làm người bệnh phải phiền lòng. Bản thân tôi luôn mong muốn làm sao chia sẻ, giúp người bệnh bớt đi nỗi đau đớn cả về mặt vật chất lẫn tinh thần, đó chính là niềm hạnh phúc nhất của người thầy thuốc…”. Chính vì vậy, có những trường hợp người bệnh đến điều trị bệnh tại trung tâm gặp khó khăn, đến mức không có tiền ăn uống hàng ngày, hoặc không có tiền xe để về thì chị sẵn sàng giúp đỡ trực tiếp. Đó chính là lương tâm của người thầy thuốc; không thể thờ ơ, vô cảm trước nỗi đau và khó khăn của người bệnh.
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Thành Nguyên, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Giáo cho biết, bản thân ông rất tự hào khi trung tâm có người cán bộ đầy tinh thần trách nhiệm, vì bệnh nhân như bác sĩ Phạm Thị Dung. Dù phân công công tác ở bộ phận nào, bác sĩ Dung cũng đều vui vẻ nhận nhiệm vụ, làm việc với một tinh thần hăng say, thái độ nghiêm túc và đầy trách nhiệm. “Nhiều khi thấy bác sĩ Dung phải dành cả những ngày nghỉ, làm công tác chuyên môn ở phòng ngoài giờ hành chính cho công tác siêu âm, phục vụ bệnh nhân trong thâm tâm tôi vừa tự hào, vừa cảm phục thái độ làm việc nghiêm túc và trách nhiệm của chị”, bác sĩ Nguyên nói. Không những vậy, học tập, làm theo Bác gắn với công tác chuyên môn, bác sĩ Dung đã tham mưu cho Ban giám đốc xây dựng các quy trình cải cách thủ tục hành chính, nhằm giảm bớt đến mức tối đa những phiền hà cho người bệnh, giảm những chi phí hoạt động của cơ quan như điện, nước… Đặc biệt, những đóng góp của chị đã làm giảm thời gian chờ đợi với người bệnh mỗi khi đến trung tâm khám và điều trị, cũng như làm các thủ tục hành chính khác. Chị có các ý kiến tham mưu xây dựng các quy trình chuyên môn trong công tác khám chữa bệnh, khi nào thật cần thiết mới phải làm các kỹ thuật, không lạm dụng làm tăng chi phí điều trị cho bệnh nhân. Đó chính là lương tâm của một con người, của một người thầy thuốc hết lòng vì bệnh nhân phục vụ, lương y như từ mẫu.
Với tinh thần trách nhiệm trong công tác chuyên môn, trong phục vụ bệnh nhân, trong học tập và làm theo Bác, bác sĩ Phạm Thị Dung đã nhận được nhiều phần thưởng của ngành, của UBND huyện. Đặc biệt, trong hội nghị tổng kết 5 thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị khóa XI do Huyện ủy Phú Giáo tổ chức, bác sĩ Phạm Thị Dung là một trong 4 tấm gương điển hình tiêu biểu tham gia giao lưu với các đại biểu tại hội nghị. Nhưng với chị, có lẽ phần thưởng cao quý nhất chính là niềm vui và sự hài lòng của người dân đối với sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho nhân dân của ngành y tế huyện Phú Giáo.
HẢI SÂM