Nơi ghi lại dấu xưa lịch sử oai hùng
Tân Bình là một trong những vùng đất có bề dày truyền thống cách mạng của TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Ngày nay, trên vùng đất này vẫn còn đó những di tích lịch sử gắn liền với truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng của các thế hệ cha ông trong hai cuộc kháng chiến. Một trong những dấu xưa lịch sử đó là di tích Mả 35.
Di tích Mả 35 là nơi tổ chức các hoạt động về nguồn ý nghĩa
Tìm về lịch sử
Theo hướng đường Mỹ Phước - Tân Vạn từ TP.Thủ Dầu Một đi TP.Dĩ An, sau khoảng 30 phút chạy xe sẽ đến đầu đường Nguyễn Thị Tươi. Từ đây, chạy khoảng hơn 200m nữa, nhìn bên phải chúng ta sẽ thấy di tích Mả 35 ngay phía trước trường THCS Tân Bình. Mả 35 (còn có tên gọi khác là Mả tập thể 35 hay Mộ 35, Mộ tập thể 35), là một di tích lịch sử thuộc khu phố Tân Phước, phường Tân Bình.
Theo tài liệu ghi lại, vào tháng 10-1945, thực dân Pháp lần lượt tái chiếm Biên Hòa, Thủ Dầu Một và các địa điểm xung yếu ở Lái Thiêu, Thủ Đức, Dĩ An. Khu vực Tân Hiệp - Bình Trị - An Nhơn bị kẹp chặt giữa các gọng kìm của quân giặc (trước Cách mạng Tháng Tám, phường Tân Bình chính là làng Tân Hiệp thuộc tổng Chánh Mỹ Thượng, huyện Phước Chánh, phủ Phước Long, trấn Biên Hòa). So với các xã khác ở trong vùng, sự kìm cặp của thực dân Pháp ở xã Tân Hiệp - Bình Trị có phần siết chặt hơn, vì đây là địa bàn chiến lược nằm giữa 3 tỉnh Biên Hòa - Gia Định - Thủ Dầu Một, là hành lang tiếp giáp với chiến khu Thuận An Hòa - khu vực đứng chân của đơn vị bộ đội địa phương. Thực dân Pháp thẳng tay đàn áp, bắt bớ, giết hại đồng bào, đặc biệt là các gia đình có con em và người thân tham gia kháng chiến, trong đó có vụ thảm sát 35 chiến sĩ, đồng bào ta vào ngày 14-3-1947. Tất cả 35 chiến sĩ, đồng bào bị thực dân Pháp sát hại và vùi chung một hố. Di tích Mả 35 cũng được hình thành và gọi tên từ đó.
Vụ thảm sát 35 chiến sĩ, đồng bào tại làng Tân Hiệp là một minh chứng rõ nét của tội ác thực dân, song cũng làm toát lên tinh thần cách mạng, ý chí kiên cường không chịu khất phục của quân và dân ta. Người dân Tân Bình đã nén đau thương, đùm bọc lẫn nhau, đoàn kết, hiệp lực đấu tranh để đi đến thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp cách mạng.
Giáo dục truyền thống
Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, di tích Mả 35 hiện nay đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Sự công nhận này đã nâng tổng số di tích được xếp hạng trên toàn tỉnh Bình Dương lên con số 65, trong đó TP.Dĩ An có 7 di tích. Đây là niềm tự hào lớn của người dân phường Tân Bình nói riêng, nhân dân TP.Dĩ An nói chung; cũng là sự ghi nhận của chính quyền về những đóng góp, hy sinh to lớn của người dân nơi đây. Mả 35 là một “địa chỉ đỏ” trên địa bàn TP.Dĩ An, nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, tri ân các anh hùng liệt sĩ, đồng bào đã ngã xuống trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước.
Vào ngày 18-2 hàng năm, bà con, thân nhân các gia đình có người thân là nạn nhân của vụ thảm sát năm xưa lại tập trung về đây tổ chức ngày giỗ tập thể. Đây cũng là dịp để mọi người quây quần thăm hỏi lẫn nhau, những người già kể lại câu chuyện năm xưa để các lớp trẻ hiểu thêm về sự ác liệt của chiến tranh, qua đó trân trọng hơn nền độc lập, tự do mà cha ông đã đổi bao xương máu để mang lại. Bên cạnh các hoạt động tưởng nhớ của người dân, chính quyền, đoàn thể ở địa phương phường Tân Bình và TP.Dĩ An cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động gắn kết với các di tích cách mạng, trong đó có di tích Mả 35, như: Hành trình kết nối “địa chỉ đỏ”, hành trình giáo dục truyền thống, hành trình “Tân Bình - Quê hương chúng ta”, hành trình đến “địa chỉ đỏ” và thăm các gia đình chính sách vào các dịp lễ, tết…
Tham gia vào những hoạt động ý nghĩa này, các em thiếu nhi, các bạn đoàn viên thanh niên sẽ được ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc, hiểu hơn về sự nghiệp chống ngoại xâm đầy gian khổ của cha ông ta. Đó là những hoạt động rất ý nghĩa, mang tính giáo dục cao đã và đang được chính quyền và các đoàn thể ở Tân Bình, Dĩ An thực hiện… Chị Nguyễn Thụy Phượng Hồng, Bí thư Phường đoàn Tân Bình, chia sẻ vùng đất Tân Bình là nơi gắn liền với những sự kiện lịch sử đấu tranh hào hùng của cha ông năm xưa, như sự kiện Mả 35 năm 1947, trận đánh suối Mạch Máng năm 1968. “Tôi rất tự hào khi Mả 35 được xếp hạng công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Tôi tin rằng, di tích này sẽ trở thành nơi giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, niềm tự hào dân tộc, hun đúc ý chí, khát vọng xây dựng đất nước thịnh vượng, hùng cường cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau”, chị Hồng bày tỏ.
Cùng với những hoạt động trên, chính quyền và các đoàn thể ở địa phương còn quan tâm, thực hiện tốt công tác trùng tu, tôn tạo, góp phần xây dựng Mả 35 thành một di tích trang nghiêm, sạch đẹp như ngày hôm nay. Để bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử Mả 35, nhằm giúp cho thế hệ hôm nay và mai sau hiểu thêm về lịch sử địa phương, thấm nhuần tình yêu quê hương, đất nước, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề nghị chính quyền địa phương và cộng đồng cùng với ngành văn hóa, thể thao và du lịch tiếp tục xây dựng những kế hoạch phù hợp, khả thi nhằm bảo vệ, tu bổ và phát huy hơn nữa giá trị di tích trong đời sống xã hội.
HỒNG THUẬN