Nỗi đau môn sử!

Thứ năm, ngày 28/07/2011

Thi cử, đậu hay rớt cũng là chuyện thường tình xưa nay. Nhưng mấy hôm nay công luận đang “nóng lên” xung quanh điểm thi môn sử. Tôi, một cử nhân sử học tốt nghiệp đã 20 năm nay cũng không thể không “nóng” theo. Và, tôi tin những ai quan tâm đến lịch sử oai hùng của nước Việt đều không thể bàng quan trước điểm thi môn sử vừa công bố. Không thể hiểu nỗi khi hàng loạt trường đại học khắp 3 miền cho biết chỉ có vài phần trăm thí sinh đạt điểm sử trên trung bình, rất nhiều bài thi chỉ 0,5 đến 1 điểm, thậm chí có cả điểm 0! Đau và buồn đến mức có cô giáo chấm thi ngồi ngẩn ngơ không biết phải lý giải làm sao trước sự hiểu biết quá tệ hại của những cô tú, cậu tú thời nay. Ngạc nhiên đến độ cả một phòng chấm thi chỉ cần có một bài đạt điểm khá (8 điểm), người chấm phải reo lên một cách sung sướng, bởi tìm được bài thi trên điểm trung bình sao mà quá khó.

Không cần phải nhắc lại nhiều làm chi những con số thống kê mang thông điệp buồn về điểm thi môn sử. Cái mà cả xã hội phải quan tâm mổ xẻ chính là cái cách giáo dục môn học này nhiều năm qua ra sao để bây giờ đưa lại kết quả vậy. Trách nhiệm đầu tiên thuộc về ngành giáo dục, nhưng xét cho cùng đó chính là hệ quả của việc xã hội không tôn trọng đúng mức môn học này. Học sinh xem nhẹ, phụ huynh xem nhẹ, giáo viên giảng dạy qua loa , sách giáo khoa nhàm chán... tất cả đều có lỗi.

“Vua Quang Trung ở bên... Tàu”. Đó là câu chuyện vui mà đau mấy năm trước khi nói về sự không hiểu lịch sử nước nhà của lớp trẻ rất đáng để chúng ta nghiền ngẫm. Lỗi ở đây là lỗi của cả một hệ thống giáo dục. Học và hiểu lịch sử trên ghế nhà trường chỉ mới là một kênh. Giáo dục qua thực tế những chuyến đi về nguồn, tham quan, tìm hiểu hoặc qua văn thơ, phim ảnh hoặc kênh truyền miệng có khi lại còn hiệu quả hơn. Chỉ nói đến phim ảnh thôi lại thấy càng buồn. Phim truyền hình là đại chúng nhất, nhưng cứ bật kênh lên là phim Tàu, phim Hàn, biết kiếm đâu ra phim lịch sử Việt Nam đủ sức hấp dẫn lớp trẻ?

Nếu có một thế hệ mà đa phần không hiểu về lịch sử dân tộc mình thì đó là một nỗi đau không thể đau hơn. Coi thường lịch sử là coi thường truyền thống. Thông điệp này cầu mong thế hệ trẻ hiểu cho!

Triệu Phong