Nỗi đau gia đình thủy thủ gặp nạn ở Nam Cực
“Nó dặn tôi xây nhà để về cưới vợ mà nay lại mất tích ở biển. Thương nó quá, giữa biển khơi chắc là lạnh lắm”, bà Đậu Thị Duân, mẹ của thủy thủ Nguyễn Song Hào bị mất tích ở Nam Cực nghẹn ngào.
Chiều buông nắng vàng nhạt, căn nhà nhỏ khang trang nằm cuối thôn Phú Thượng, xã Kỳ Khang (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) của vợ chồng ông Nguyễn Tuấn, bà Đặng Thị Lân, bố đẻ thủy thủ Nguyễn Tương, 24 tuổi, không khí nặng nề. Thỉnh thoảng, trong căn nhà lại cất lên những tiếng nấc.
Bà Lân rưng rưng nước mắt khi nhắc đến cái chết của con trai đầu Nguyễn Tương.
Ngồi lặng trong góc nhà, bà Đặng Thị Lân, mẹ anh Tương không tin nổi vào tai mình khi nghe tin tàu In Sung 1, nơi có cậu con trai đầu bị chìm tại Nam Cực. “Hôm trước nghe người làng xôn xao tàu In Sung 7 bị chìm, sau lại nghe tivi thông báo tàu In Sung 1, lòng tôi như lửa đốt, suốt ngày quanh quẩn vào ra rồi lại lên xã, huyện dò hỏi, nhưng không ai biết tin tức gì. Hôm nay, nghe một số người nói thằng Tương đã chết, nhưng tôi không tin", bà Lân nói.
Nguyễn Tương là con trai đầu trong gia đình có 2 anh em. Năm 2008, Tương đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc, làm thủy thủ của tàu In Sung 2. Sau 23 tháng lênh đênh trên biển, tháng 3 vừa qua, Tương và nhóm thủy thủ người Kỳ Anh được lên bờ. Đến tháng 8, Tương lại nhờ bố mẹ vay tiền để tiếp tục bay sang Hàn Quốc làm thủy thủ.
“Cách đây hơn một tháng, Tương gọi điện về tâm sự chuyện buồn vui trong công việc. Chúng tôi động viên cháu cố gắng làm ăn, tích trữ ít vốn về mà lo vợ con. Không lẽ đó là lần cuối cùng vợ chồng tôi được nghe tiếng con trai?”, bà Lân nói trong tiếc nấc nghẹn ngào.
Ngồi đối diện bên chiếc giường nhỏ, ông Tuấn lặng im nhìn người vợ đang ngất lên ngất xuống. Phải cố gắng lắm, người đàn ông 48 tuổi mới kể được thành lời: “Ngay khi nó xin đi đợt 2, vợ chồng tôi đã có những linh tính không hay. Nó ra Hà Nội phải chờ đến 2 tuần vẫn chưa được bay sang Hàn Quốc vì thời tiết và sức khỏe, đến khi sang, đi làm được mấy ngày thì tàu In Sung 2 bị cháy nên Tương và những người Việt Nam khác phải chuyển sang tàu In Sung 1. Đến giờ lại nghe tin nó chết ngoài biển Nam Cực”. Ông Tuấn hy vọng con trai còn sống, trường hợp xấu nhất ông mong được đưa thi hài con về quê chôn cất.
Người chồng vừa dứt lời, chị Lân liền chạy vào nhà lần mò bọc hồ sơ, giấy tờ rồi ôm riết tấm ảnh bé xíu nằm trong móc chìa khóa của cậu con trai nức nở.
Nghe tiếng khóc của chị Lân, bà Đậu Thị Duân, mẹ của thủy thủ Nguyễn Song Hào (28 tuổi) ở gần đó cũng chạy sang để dò hỏi tin tức con trai. Biết tin con trai cùng 2 người nữa ở xã Kỳ Phú và Kỳ Ninh bị chìm cùng tàu, đến nay chưa tìm thấy xác, bà Duân ngơ ngác một hồi lâu rồi lăn ra giữa nhà mà khóc.
Bà Duân kể, Song Hào là con út trong gia đình có 5 anh em. Bố mất cách đây 5 năm, các anh chị đã có gia đình riêng, hai mẹ con sống chủ yếu bằng nghề nông. Mấy năm nay trong xã rộ lên phong trào xuất khẩu lao động, Hào đã xin mẹ đi làm thủy thủy tàu nước ngoài với hy vọng đỡ đần mẹ và kiếm tiền về lấy vợ.
“Con tôi ngoan hiền, nó dặn tôi xây nhà để về cưới vợ rồi mà răng lại mất tích ở biển. Liệu con tôi có sống được nữa không? Thương nó quá, giữa biển khơi, chắc là lạnh lắm”, bà Duân vừa khóc vừa nói.
Cả 4 thủy thủ người Việt Nam chết và mất tích đều ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), trong đó Nguyễn Tương và Nguyễn Song Hào là hai anh em họ, đều ở xóm Phú Thượng, xã Kỳ Khang. Hai người còn lại là Nguyễn Văn Thành 21 tuổi và Nguyễn Văn Sơn 25 tuổi cùng ở xã Kỳ Ninh.
Đến chiều 14-12, thân nhân của anh Tương và anh Hào đã nhận được thông báo về tình trạng của con mình từ công ty môi giới xuất khẩu lao động. Trong khi đó, người thân của hai thủy thủ Nguyễn Văn Thành và Nguyễn Văn Sơn vẫn chưa nhận được thông tin.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã Kỳ Ninh cho biết, hiện nay xã này mới xác định được chính xác một người bị mất tích là anh Nguyễn Văn Thành. “Cả xã Kỳ Ninh lẫn xã Kỳ Phú đều có người tên là Nguyễn Văn Sơn, cùng 25 tuổi, đi xuất khẩu lao động cùng một đợt nên chưa biết được chính xác là người ở xã nào. Hiện nay, cả hai gia đình có con tên Sơn này đều đang hy vọng người bị mất tích không phải là con mình”, ông Dũng cho biết.
4h30 sáng 13-12, tàu đánh cá In Sung 1 của Hàn Quốc cùng 42 thủy thủ, trong đó có 8 người Hàn Quốc, 8 người Trung Quốc, 11 người Indonesia, 11 người Việt Nam, 3 người Philippines và một người Nga đã bị đắm ở vùng biển Nam Cực cách Newzealand khoảng 2.250 km, làm 5 người chết và 17 người mất tích.
Các tàu cứu hộ của Newzealand và Hàn Quốc đã nỗ lực tìm kiếm người mất tích. Tuy nhiên, Trung tâm điều phối cứu hộ của New Zealand cho biết 17 người mất tích trên tàu In Sung 1 không thể sống sót bởi con tàu chìm quá nhanh và các thủy thủ phải nhảy ra khỏi đó mà không kịp mặc phao cứu hộ.
Theo VNE