Nỗi đau cần xoa dịu…

Thứ bảy, ngày 30/10/2021

(BDO) Bước qua khó khăn

Tôi không dám hỏi nhiều bởi chỉ vài câu thôi là mắt ai cũng ngân ngấn lệ. Nỗi đau quá lớn, quá bất ngờ đã trở thành một cú sốc khiến cho những người ở lại trong gia đình bỗng dưng bàng hoàng. “Con lớn rồi, nay con đã nghỉ học, đi làm phụ ba chăm sóc em thay mẹ. Anh trai sẽ không chăm em bằng mẹ nhưng con sẽ cố gắng để bù đắp tình thương cho em. Em con năm nay vào lớp 7. Con quyết không để cho em nghỉ học giữa chừng…”- em Lê Văn Có (phường Bình Hòa, TP.Thuận An) đã nói với tôi như thế.

Cả hai anh em vừa gượng dậy sau nỗi đau mất mẹ vì Covid-19. Mẹ các em đi làm và không về nữa. Mẹ mất khi mới 41 tuổi để lại 3 cha con trong nỗi nghẹn ngào nhớ về những tháng ngày gia đình khó nghèo mà hạnh phúc, ấm êm. Ba của 2 em nén nỗi đau vẫn tiếp tục đi làm tại TX.Tân Uyên để lo cho con.

Quỹ Thiện Tâm của Tập đoàn Vingroup đến với trẻ mồ côi, giúp các em vượt qua khó khăn trước mắt

Cũng trong đại dịch vừa qua, bé Lường Khánh Vy, mới 3 tuổi đã mất ba. Chị Nguyễn Thị Hiên, mẹ bé Vy cho biết chồng chị là người dân tộc Tày từ miền Bắc vào sinh sống ở phường An Thạnh, TP.Thuận An được nhiều năm nay. Anh chị cần mẫn làm ăn để lo cho con cái. Giờ chồng mất, chị bước tiếp con đường mưu sinh, chăm con một mình. “Dù sao em cũng phải tiếp tục đi làm, cố gắng mạnh mẽ và lo cho 2 đứa con không phải quá thiếu thốn rồi thất học…”, chị Hiên chia sẻ.

Trong khi đó chị Võ Thị Thanh Ngọc (phường An Thạnh, TP.Thuận An) cho biết chồng chị làm nghề tự do, thỉnh thoảng chạy grab khi có khách. Anh phát hiện bệnh chỉ 4 ngày là mất nên cả gia đình ngỡ ngàng. Chị Ngọc hiện là công nhân Công ty Shang Hung Cheng và sống với gia đình bên ngoại để giảm bớt chi phí sinh hoạt của 3 mẹ con khi trong gia đình đã mất đi một lao động chính. Cùng nỗi đau mất chồng, chị Nguyễn Thị Thủy Tiên (sinh năm 1992, ngụ phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một) nói trong nước mắt: “Chồng em ra đi đột ngột quá nên em không biết làm sao. Nhìn con, em tự nhủ lòng phải mạnh mẽ hơn nữa để thay anh chăm sóc con khôn lớn”.

Đại dịch Covid-19 cũng khiến cho nhiều người lâm vào cảnh “gà trống nuôi con”. Anh Nguyễn Phước Gõ, cha của bé Nguyễn Trung Hiếu (TP. Thuận An) cho biết vợ anh làm công nhân ở Khu công nghiệp VSIP I. Chị mất đi để lại cho anh 2 đứa con. “Trung Hiếu còn nhỏ chưa biết hết nỗi mất mát quá lớn này nhưng chị nó đã lớn nên tôi lo cho con lắm, bù đắp thế nào cũng thấy thiếu!”, anh Gõ tâm sự.

Chị Huỳnh Thị Ngọc Thủy, dì ruột của bé Kiều Mỹ Duyên (khu phố Thạnh Hòa B, phường An Thạnh, TP.Thuận An) nghẹn ngào cho biết: “Năm ngoái ba của cháu mất đột ngột, năm nay mẹ cháu cũng ra đi vì Covid-19. Đây là nỗi đau quá lớn. Được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân, tôi hy vọng cháu sẽ nguôi ngoai phần nào để tập trung vào việc học. Không biết gì hơn ngoài sự bày tỏ lòng biết ơn những người hảo tâm đã cùng gia đình chúng tôi chăm lo cho cháu”.

Những bàn tay xoa dịu nỗi đau

Đã có nhiều chương trình hỗ trợ cho trẻ mồ côi có cha, mẹ mất vì Covid-19. Một trong những chương trình đó là giúp 81 trẻ mồ côi một phần sinh hoạt phí của Quỹ Thiện Tâm của Tập đoàn Vingroup. Bà Phùng Thị Mỹ Lệ, đại diện Quỹ Thiện Tâm cho biết doanh nghiệp này đã phối hợp với Hội LHPN tỉnh khảo sát thực tế và lập danh sách chăm sóc cho 81 bé có người thân mất do Covid-19. Đây cũng là chương trình có tên gọi “Mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam triển khai.

Có 81 em sẽ được hỗ trợ với tổng kinh phí hơn 650 triệu đồng trong 11 tháng. Trong đợt 1 này, các em sẽ được nhận hỗ trợ tháng 10, 11 và 12 của năm 2021. Những tháng còn lại sẽ được Quỹ Thiện Tâm chuyển qua tài khoản nhằm hỗ trợ một phần chi phí sinh hoạt cho các em với mức từ 700.000 đến 1 triệu đồng/em/tháng tùy hoàn cảnh. Sau đó, Quỹ Thiện Tâm sẽ tiếp tục khảo sát để điều chỉnh mức hỗ trợ cho các em có điều kiện sinh sống, học tập.

Bà Trương Thanh Nga, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết bà rất mừng khi làm được một việc ý nghĩa là kêu gọi tài trợ cho trẻ mồ côi có cha, mẹ mất vì Covid-19. Theo bà, sau đợt dịch thứ 4 bùng phát, số lượng trẻ em mồ côi ngày càng tăng. Các em vẫn chưa trưởng thành, còn ngây thơ, chưa thấu hiểu hết sự mất mát của mình. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, các ngành, đoàn thể liên quan cũng đã chủ động rà soát số lượng trẻ em mồ côi. Tới thời điểm này có thể chưa đầy đủ, đã có hơn 500 trẻ mồ côi sau đại dịch, chủ yếu là trẻ ở các khu nhà trọ. Riêng Hội LHPN tỉnh đã rà soát ban đầu chưa đầy 1 tháng đã có trên 100 trẻ (từ khi mới sinh cho tới tuổi 18 mất cha, mất mẹ và mất cả cha và mẹ).

Theo bà Nga, mọi trẻ em đều có quyền được sống, phát triển trong môi trường an toàn, lành mạnh và thân thiện, được bảo vệ, không bị xâm hại, không bị phân biệt đối xử. Lợi ích tốt nhất cho trẻ em phải được đặt lên hàng đầu trong quá trình ban hành quyết định liên quan đến phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, cộng đồng và gia đình. Đầu tư cho công tác bảo vệ trẻ em là đầu tư cho an toàn xã hội, phát triển con người, là bảo hiểm cho sự phát triển bền vững của đất nước. Vì thế, Hội LHPN tỉnh cùng các cấp sẽ vào cuộc, sẽ là “mẹ đỡ đầu” cho các em…

Nói về việc bảo trợ cho trẻ mồ côi do đại dịch Covid-19, ông Nguyễn Văn Lộc, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cho biết hiện nay chúng ta cần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh và không được lơ là các biện pháp chống dịch để giảm thiểu mất mát, đau thương, đặc biệt là mất mát về con người. “Đợt dịch này chưa có tiền lệ. Dù chúng ta đã rất cố gắng nhưng Bình Dương có những ngày cao điểm lên tới 6.000 - 7.000 ca F0. Tất cả nhân viên y tế, nhiều lực lượng khác đều tham gia công tác phòng, chống dịch. Bình Dương được tiếp nhận sự hỗ trợ từ 59 đoàn tình nguyện với hơn 3.400 cán bộ, nhân viên y tế giúp chống dịch. Tuy nhiên, đại dịch đã gây hậu quả rất nghiêm trọng cả về kinh tế, xã hội, đời sống và sức khỏe nhân dân. Nhiều gia đình mất đi người thân. Vì vậy, các nhiệm vụ, giải pháp, biện pháp tới đây phải toàn diện, hiệu quả và kịp thời. Riêng với vấn đề an sinh xã hội, chúng ta cần làm tốt hơn nữa, chăm lo cho tất cả những người đang khó khăn, chăm lo cho người yếu thế nên đang cần mọi người chung tay giúp đỡ”, ông Lộc nói.

Thời gian qua Bình Dương có nhiều chương trình ý nghĩa, thiết thực hướng đến các em mồ côi do đại dịch Covid-19, trong đó có 260 em được Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh tặng 1,5 triệu đồng. Trường Việt Anh chăm lo cho các em học miễn phí cho tới lớp 10… Nhiều doanh nghiệp cũng đã có chương trình an sinh xã hội cụ thể cho những tháng cuối năm 2021 và năm 2022, trong đó có chăm sóc cho trẻ mồ côi. Trong thời gian tới, Quỹ Bảo trợ trẻ em, đoàn thể các cấp cũng sẽ tập trung khảo sát, vận động hỗ trợ từ nhiều nguồn để giúp đỡ các em yên tâm trong cuộc sống, học hành cho đến tuổi trưởng thành.
Tính từ đợt dịch thứ 4 đến ngày 26-10, Bình Dương ghi nhận 229.885 ca mắc Covid-19 (qua xét nghiệm RT-PCR); có 2.383 ca tử vong, hơn 500 trẻ em có cha, mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ mất do Covid-19.

QUỲNH NHƯ

Từ khóa: