Nơi có tiếng cười và những giọt nước mắt...

Thứ sáu, ngày 19/04/2019

(BDO) Bình Dương có một nơi lạ lắm, ở đó có nhiều câu chuyện sôi nổi về “thời hoa đỏ” và có cả những xúc cảm thiêng liêng sâu lắng, đôi khi chỉ gói gọn trong hai tiếng “cười” và “khóc”. Đó là khi có dịp gặp nhau, hỏi han nhau, vui cười, mừng quá họ lại khóc. Rồi họ “khoe” với nhau, nơi này đã làm được nhiều việc giúp chị em, họ lại nở nụ cười mãn nguyện; chỗ kia mới giúp mang lại được quyền lợi cho chị em, điểm danh ai còn khỏe mạnh, ai đau yếu, họ lại rưng rưng cảm động... Nơi đó chính là Câu lạc bộ Nữ kháng chiến tỉnh Bình Dương (CLBNKCBD), mái nhà chung của những người phụ nữ đã đi qua một thời bom đạn...

 Thời gian không phai

Tôi vừa có dịp cùng với các dì, xin được gọi bằng một tiếng thân thương như thế, trong CLBNKCBD về nguồn tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Chuyến đi đã giúp tôi cảm nhận được cái tâm, cái nghĩa, cái tình của các dì. Và tôi chắc rằng, dù mấy mươi năm trôi qua, những tình cảm đó không hề thay đổi.

Trong suốt cuộc hành trình, bao nhiêu câu chuyện về một thời chiến đấu, qua câu chuyện của các dì, tôi như nhìn thấy những hình ảnh được tái hiện lại. “Hôm qua, hôm qua chưa hề vác nặng em chưa từng vượt suối qua bưng, em chưa từng dãi nắng dầm mưa. Hôm nay, hôm nay em là chiến sĩ vai dạn dày vững vàng bước chân. Lòng người đang độ mùa xuân. Trào dâng niềm vui đánh Mỹ dẫu hiểm nguy em không nề...”. Đây cũng chính là hình ảnh chung của những cô gái miền Nam, trong đó có các cô gái mười tám đôi mươi ngày nào của CLBNKCBD. Như lời dì Huỳnh Kim Oanh, Chủ nhiệm CLBNKCBD, chia sẻ: “Mười tám đôi mươi, những cô gái con công nhân công tra ở Dầu Tiếng đã rời xa gia đình, bỏ lại cày, cuốc, dùi, đục, gác lại công việc thường nhật tham gia Đội Nữ pháo binh để cầm súng đánh giặc. Hay những cô gái Đội Nữ pháo binh Lái Thiêu đã tạo tiếng vang lớn sau thời gian ngắn thành lập. Một thời con gái với những trận đánh, trận càn đã mãi mãi đi vào lịch sử…”.

Buổi họp mặt đầm ấm, vui tươi của các dì trong CLBNKCBD

Vâng! Dù chiến tranh đã lùi xa 44 năm nhưng với những người còn sống, ký ức năm tháng hào hùng trong chiến tranh vẫn còn sống mãi. Đó là những trận bom, trận càn, địch nhiều lần chà đi xát lại để tiêu diệt lực lượng của ta… Trong tình hình đó, có biết bao chị em phụ nữ đã đứng lên chống giặc, ủng hộ kháng chiến, nuôi giấu bộ đội. Những đội nữ du kích Thanh Tuyền, nữ pháo binh Châu Thành, Tân Uyên... đã làm nên biết bao chiến công rực rỡ ở Dầu Tiếng, Bến Súc, Bàu Bàng... Nhiều chị em nội ứng cũng đã dũng cảm diệt chỉ huy ác ôn, hạ đồn, vận động binh sĩ mang vũ khí về với gia đình hoặc gia nhập hàng ngũ kháng chiến. Dù ở cương vị nào, tiền tuyến hay hậu phương, các chị cũng đều tham gia và hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Trải qua hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, chúng ta đã giành thắng lợi, thống nhất nước nhà. Vinh quang là vậy, song đau thương, mất mát mà các mẹ, các dì, các chị đã trải qua không thể kể hết. Ngoài những trận đòn roi vô cùng dã man trong chốn lao tù, những vết thương hằn sâu trên thân thể thì còn những nỗi đau về tâm hồn không có gì diễn tả được. Đó là hình ảnh những người mẹ, người vợ đau đáu nhìn chồng, con ra đi không ngày trở về...

Nhớ để sẻ chia…

Khi chiến tranh kết thúc, phần lớn các chị trở về với cuộc sống đời thường. Có người may mắn được đi học tiếp, rồi tham gia công tác địa phương, giữ nhiều chức vụ quan trọng. Nhưng có nhiều chị, giải phóng rồi mừng quá, gạt bỏ tất cả, về với ruộng, vườn, với gia đình. Hôm nay giữa bộn bề của cuộc sống, khi xã hội ngày càng phát triển, ai đứng yên cũng có nghĩa là thụt lùi. Và cũng có nhiều chị, do hoàn cảnh khó khăn, vẫn chưa “được bằng chị, bằng em”.

CLBNKCBD tổ chức về nguồn, thăm quê hương chị Võ Thị Sáu tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Đau đáu với nỗi niềm đó, để quy tụ và sẻ chia, CLBNKCBD đã được thành lập với biết bao khó khăn, vất vả mà chỉ có những người thật sự tâm huyết mới làm được. Dì Huỳnh Kim Oanh cho biết CLBNKCBD chính là mái nhà chung của những nữ kháng chiến. Ở đó, các hội viên cùng an ủi, động viên, chăm lo vật chất lẫn tinh thần để những ngày tháng còn lại trong cuộc đời của mỗi người thêm ý nghĩa hơn... Như trường hợp của dì Lê Thị Lan ở phường An Thạnh, TX.Thuận An là một điển hình. Có ai ngờ rằng, hơn 40 năm sau ngày đất nước thống nhất, một cán bộ tham gia phong trào địa phương từ khi mới 16 tuổi, rồi thoát ly theo cách mạng mà không có một mảnh giấy lận lưng. Dì Lê Thị Lan chứng minh nhân dân không có, hộ khẩu cũng không nên rất khó khăn để làm chế độ. Bao nhiêu năm dì vẫn chưa dứt được nỗi lo cơm áo, gạo, tiền. Căn nhà xiêu vẹo, trống trước trống sau nhưng dì cũng không biết kiếm đâu ra tiền để sửa chữa. Khi những đồng đội năm xưa tìm được dì Lê Thị Lan, ai cũng nước mắt rưng rưng dài ngắn. Thế là mấy chị em bắt tay vào cuộc, tất tả làm giấy tờ cho dì Lê Thị Lan... Lo giấy tờ xong, các chị lại lo tiếp cái nhà. Dì Nguyễn Thị Tư, Trưởng ban Liên lạc CLBNKC TX.Thuận An, nói: “Trước đó, căn nhà cũ nát lắm, tường nứt có chỗ bằng cả gang tay. Cứ mỗi lần gió nhẹ là cả nhà lại ôm nhau ra chòi ngủ. Chưa hết đâu, có lần nước lên tràn chạy không kịp. Mền mùng dính đầy bùn đất...”.

Hôm tôi đến thăm dì Lê Thị Lan, căn nhà đang xây sắp hoàn thành. Nhìn về phía căn nhà, dì Lan lại ứa nước mắt. Ngậm ngùi, dì Lan chia sẻ: “Thời bom đạn chị em sống chết có nhau. Nay thời bình, cái nghĩa, cái tình ấy vẫn còn giữ mãi. Không có mấy chị em, chắc giờ dì cũng không biết phải làm sao...”.

Còn trường hợp của dì Võ Thị Rang ở phường Bình Hòa, TX.Thuận An cũng vậy. Do hoàn cảnh khó khăn, căn nhà của dì trống trong trống ngoài, được che chắn bằng những tấm tôn tạm bợ. Và, các thành viên trong CLBNKCBD lại đi vận động được 40 triệu đồng để xây tặng cho dì căn nhà đại đoàn kết, tuy không cao sang nhưng ấm áp nghĩa tình đồng đội.

Không chỉ chăm lo về vật chất, CLBNKCBD và Ban liên lạc các huyện, thị, thành phố cũng cố gắng tổ chức nhiều hoạt động chăm lo đời sống tinh thần cho các nữ kháng chiến, như tổ chức về nguồn ở Sóc Bom Bo, Chiến khu Đ, Khu di tích Trung ương Cục... Đặc biệt, Ban liên lạc Nữ kháng chiến huyện Phú Giáo còn thành lập tổ xoay vòng vốn được 60 triệu đồng. Dì Lê Thị Phương Dung, Trưởng ban Liên lạc Nữ kháng chiến huyện Phú Giáo nói: “Nhiều dì có hoàn cảnh khó khăn lắm. Họ cần vốn để kinh doanh, buôn bán hay chăn nuôi nhỏ. Giúp được mấy dì chút nào đó, lòng mình thấy ấm áp hơn” …

Nhắc về một “thời hoa đỏ”, qua những câu chuyện của các dì kể lại, tôi như vẫn thấy hình ảnh các cô gái tóc dài băng mình qua suối, qua bưng, đi trong đạn lửa tham gia kháng chiến với lý tưởng cao đẹp: Thống nhất non sông. Hôm nay, đất nước đã trải qua 44 mùa xuân thống nhất với biết bao thành tựu, tầm cao mới. Trong dòng chảy của thời gian, các dì cũng đã ở tuổi xế chiều, nay ốm, mai đau. Nhưng dù hoàn cảnh nào, các dì vẫn luôn là “cây cao bóng cả” che chở, giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay về truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tinh thần nhân văn cao đẹp và cả ý chí vươn lên trong cuộc sống. Các dì vẫn mãi là những cánh én, những bông hoa góp phần làm nên mùa xuân của đất nước đẹp tươi...

 Đến nay, tại Bình Dương đã thành lập được 1 Ban Chủ nhiệm CLBNKCBD, 9 Ban liên lạc tại các huyện, thị, thành phố với hơn 800 hội viên. CLBNKCBD đã phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp trong tỉnh tổ chức sinh hoạt nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn như Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2), Ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3), ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20-10)…

 

THU THẢO