“Nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân làm theo”
(BDO) Công tác tuyên giáo của Đảng luôn giữ một vị trí, vai trò rất quan trọng. Trong bài nói chuyện tại hội nghị công tác Tuyên giáo miền núi năm 1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm”. Công tác tuyên truyền phải “cụ thể, thiết thực”. Muốn làm được vậy, cán bộ tuyên truyền phải tự hỏi: “Tuyên truyền cái gì?”, “Tuyên truyền cho ai?”, “Tuyên truyền để làm gì?”, “Tuyên truyền cách thế nào?”.
Cách đây 86 năm, ngày 1-8-1930, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng đã xuất bản tài liệu mang tên “Ngày quốc tế đỏ” để tuyên truyền, kêu gọi quần chúng đứng lên chống chiến tranh đế quốc, giải phóng dân tộc, bảo vệ hòa bình. Năm 2000, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII quyết định lấy ngày 1-8 là ngày truyền thống ngành tư tưởng - văn hóa của Đảng. Năm 2007, sau khi Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương hợp nhất thành Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) quyết định lấy ngày 1-8 hàng năm làm Ngày truyền thống công tác Tuyên giáo của Đảng. Còn tại địa phương, cơ quan làm công tác Tuyên giáo của Đảng cũng đã được ra đời từ rất sớm. Ngày 10-5-1949, Ban Tuyên huấn tỉnh Thủ Dầu Một đã được thành lập theo Chỉ thị của Xứ ủy Nam bộ.
Thực tế, công tác Tuyên giáo của Đảng gắn liền với quá trình ra đi tìm đường cứu nước của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Người đã đến với ánh sáng của Chủ nghĩa Mác - Lênin, từ đó ra sức truyền bá vào Việt Nam. Công tác tuyên truyền lúc bấy giờ trực tiếp tiến hành bằng các hình thức in ấn, xuất bản, phát hành tài liệu, sách, báo, truyền đơn, tổ chức lớp huấn luyện cán bộ… Đồng thời, các tổ chức cách mạng tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã lập ra những bộ phận chuyên phụ trách công tác tuyên truyền… Qua lịch sử 86 năm, ngành Tuyên giáo của Đảng đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật đóng góp quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ, xây dựng và đổi mới đất nước; giáo dục, tuyên truyền và bảo vệ tính đúng đắn của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; đấu tranh chống lại những âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch.
Ôn lại truyền thống ngành để tiếp tục tự hào, nhận thức sâu sắc hơn về vị trí, vai trò rất quan trọng của công tác Tuyên giáo của Đảng. Chính vì thế, không chỉ đối với những người làm công tác tuyên giáo mà từng cán bộ, đảng viên cần phải phấn đấu thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tất cả cán bộ, đảng viên, hễ những người tiếp xúc với dân chúng đều là người tuyên truyền của Đảng...”, để “nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân làm theo…”.
THÀNH SƠN