Nỗi buồn mang tên “made in China”!

2014-10-23 08:55:50

Tại buổi thảo luận tổ diễn ra vào ngày thứ 2 kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, nhiều đại biểu có chung ý kiến: Mặc dù kinh tế đã có bước phục hồi tích cực nhưng chưa vững chắc. Ðiều đáng lo ngại là sản xuất trong nước nói chung, trong đó có công nghiệp phụ trợ, còn nhiều yếu kém dẫn đến phụ thuộc nhập khẩu nước ngoài từ cái ghim giấy, chiếc kim khâu đến con ốc vít... Và, một đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi: “Tại sao chúng ta không làm, vì không làm được hay vì nó quá bé?”.

Quan sát những mặt hàng tiêu dùng đang hiện diện trong mỗi gia đình, quả đúng là ít nhiều đều có sản phẩm “made in China”. Chúng ta tự hào với nhiều sản phẩm chất lượng cao do chính người Việt sản xuất và thời gian gần đây không ít gia đình đã chọn mua hàng Việt như một cách thể hiện lòng yêu nước. Tuy nhiên, có những mặt hàng, người tiêu dùng cần nhưng doanh nghiệp Việt vẫn đang bỏ ngõ để hàng hóa nhập khẩu độc chiếm thị trường. Do vậy, để trả lời câu hỏi mà đại biểu Quốc hội đã đặt ra một cách thỏa đáng là điều không dễ.

Với trình độ kỹ thuật như hiện nay, để sản xuất ra cái ghim giấy, chiếc kim khâu, con ốc vít đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong nước là điều không quá khó đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, một khi doanh nghiệp đầu tư sản xuất bất kỳ một mặt hàng nào đó, họ đều nhắm đến mục đích tìm kiếm lợi nhuận. Nếu mặt hàng đó không mang lại lợi nhuận hoặc giá thành cao hơn giá nhập khẩu mà không có chính sách khuyến khích thỏa đáng thì tất nhiên doanh nghiệp sẽ không đầu tư. Chính vì vậy mà lâu nay có những mặt hàng, người tiêu dùng Việt Nam bị buộc phải sử dụng hàng hóa nhập khẩu.

Câu chuyện mấy mươi năm trước cái ghim giấy trên bàn cán bộ, công chức có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc vẫn không thay đổi cho đến tận bây giờ làm người ta giật mình! Điều này ít nhiều đã phản ánh một thực tế đáng buồn đối với ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam. Đến bao giờ những mặt hàng be bé như cái ghim giấy, chiếc kim khâu, con ốc vít mới mang thương hiệu Việt là câu hỏi lớn cần được giải đáp một cách thấu đáo. Chưa sản xuất được những mặt hàng be bé thay thế hàng nhập khẩu thì đừng nói tới những điều to tát! Và, trách nhiệm trả lời câu hỏi mà các vị đại biểu Quốc hội đặt ra không riêng của doanh nghiệp mà còn là của các ngành chức năng, bởi doanh nghiệp có phát triển hay không còn tùy thuộc nhiều vào chính sách.

Do vậy, câu trả lời là nếu không có một chính sách khuyến khích đúng mức để đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp phụ trợ thì người tiêu dùng Việt Nam cho dù có yêu nước đến đâu cũng phải sử dụng những mặt hàng be bé nhập khẩu từ Trung Quốc. Đó chính là nỗi buồn, nỗi buồn mang tên “made in China”!

LÊ QUANG

Báo Bình Dương