Nobel Hòa bình về tay một người Trung Quốc

Thứ sáu, ngày 08/10/2010

Hôm nay Ủy ban Nobel Hòa bình công bố tên người được trao giải, ông Lưu Hiểu Ba, một người đang ngồi tù ở Trung Quốc. Thông cáo của Ủy ban Nobel Hòa bình Na Uy cho biết, họ trao giải cho Lưu "vì cuộc đấu tranh trường kỳ bất bạo động nhằm đòi nhân quyền ở Trung Quốc".

Lưu hiện đang thụ án 11 năm tù vì tội "kích động lật đổ chính phủ" Trung Quốc, CNN cho biết.

  Lưu Hiểu Ba. Ảnh: chinadigitaltimes.net. Hồi tháng hai, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng sẽ là "hoàn toàn sai lầm" nếu "một người như thế" được giải Nobel hòa bình, tờ The Wall Street Journal khi đó cho hay.

Mới đây, trong một cuộc phỏng vấn, phát ngôn viên ngoại giao Trung Quốc Khương Du cũng bình luận rằng việc chọn ông Lưu là đi ngược lại mục tiêu của giải thưởng, theo AP.

Ít giờ trước khi công bố, Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy Thorbjoern Jagland đã tiết lộ người nhận giải năm nay sẽ là một sự lựa chọn tranh cãi. "Bạn sẽ hiểu ngay khi bạn nghe cái tên năm nay được xướng lên", Jagland nói.

Ủy ban Nobel Hòa bình năm nay xem xét con số kỷ lục tên những người được đề cử, 237 người.

Giải Nobel hòa bình gồm một bằng chứng nhận và khoản tiền tương đương 1,5 triệu USD, sẽ được trao tại Oslo, Na Uy.

Người được trao giải Nobel Hòa bình năm ngoái là Tổng thống Mỹ Barack Obama, chỉ 9 tháng sau khi ông nhậm chức. Điều này làm dấy lên những cuộc tranh luận gay gắt. Phe ủng hộ cho rằng giải thưởng cho Obama là xứng đáng và sẽ cổ vũ ông trên con đường hành động vì một thế giới phi hạt nhân. Phe phản đối lập luận rằng giải Nobel là để dành cho những người đạt được thành tựu cụ thể sau một quá trình. Ngoài ra, việc ông là tổng thống của một quốc gia đang tiến hành hai cuộc chiến tranh cũng khiến những người hoài nghi đánh giá là giải chưa xứng đáng.

Các giải Nobel hòa bình trong 5 năm gần đây phản ánh các khía cạnh khác nhau của định nghĩa "hòa bình".

Năm 2008, Martti Ahtisaari, cựu tổng thống Phần Lan, đặc sứ của Liên Hợp Quốc được nhận giải vì vai trò làm trung gian hòa giải cho các cuộc xung đột Namibia, Aceh, Kosovo và Iraq.

Năm 2007, cựu phó tổng thống Mỹ Al Gore được vinh danh cho các thành tích trong việc chống lại biến đổi khí hậu toàn cầu.

Năm 2006, Muhammad Yunus, người Bangladesh nhận giải Nobel Hòa bình vì "những nỗ lực phát triển kinh tế xã hội cho người nghèo". Ông đã lập ngân hàng Grameen giúp người nghèo các khoản vay 50-100 USD mà không cần thế chấp. Ông cũng nổi tiếng với câu nói "sẽ đem đói nghèo vào viện bảo tàng".

Năm 2005, giải thường này được trao cho Cơ quan năng lượng nguyên tử Quốc tế IAEA và người đứng đầu cơ quan này, Giám đốc Mohamed El Baradei vì đã góp phần "ngặn chặn việc đưa các năng lượng nguyên tử hạt nhân vào sử dụng trong mục đích chiến tranh, đảm bảo các năng lượng nguyên tử chỉ được sử dụng với sứ mạng hòa bình và có độ an toàn cao".

Theo VNE