Nổ súng giữa quân chính phủ Myanmar và quân nổi loạn

Thứ ba, ngày 09/11/2010

Ngay hôm sau ngày bầu cử lần đầu tiên kể từ 20 năm ở Myanmar, các cuộc đụng độ và đấu súng lớn đã nổ ra vào ngày 8-11 tại thị trấn Myawaddy, thuộc bang Karen ở phía đông nam Myanmar, gần biên giới với Thái Lan, giữa quân nổi loạn Karen và quân đội chính phủ.

Ba người chết và hàng ngàn người phải lánh nạn sang biên giới Thái Lan.

Quân đội Thái Lan triển khai ở thị trấn Mae Sot ngày 8-11 sau khi đạn pháo từ Myanmar bắn sang

AFP dẫn nguồn tin giấu tên từ Chính phủ Myanmar cho biết các binh sĩ người thiểu số Karen đã tấn công bằng vũ khí hạng nặng vào thị trấn Myawaddy khiến 11 người bị thương. Một quan chức quân đội Thái Lan tại khu vực biên giới cho biết một trái đạn súng phóng lựu đã rơi xuống thị trấn Mae Sot của Thái Lan làm nhiều người bị thương.

Ông Kittisak Tomornsak, người lãnh đạo thị trấn Mae Sot, cho biết khoảng 10.000 người Myanmar đã vượt biên giới chạy sang Thái Lan khi giao tranh xảy ra. Chính quyền địa phương cho biết Thái Lan đã đóng cửa trạm kiểm soát biên giới ở thị trấn này và sơ tán người dân sống dọc một con sông trong khu vực.

Theo nguồn tin của Bệnh viện Mae Sot, đã có 11 người bị thương, trong đó có một phóng viên người Thái Lan, một lái xe làm việc cho kênh truyền hình Fuji TV của Nhật Bản, số còn lại là người Thái và Myanmar.

AFP dẫn lời bà Zipporah Sein - tổng thư ký Liên minh dân tộc Karen (KNU) tại Thái Lan - cho biết có tới 300 người thuộc quân đội Phật giáo dân chủ Karen (DKBA) ở Myawaddy và nhiều binh sĩ khác ở các vùng núi xung quanh tham gia cuộc đối đầu này. Theo bà Sein, những binh sĩ nổi loạn đã phản đối cuộc bầu cử cũng như kế hoạch của chính phủ buộc các quân nhân dân tộc thiểu số gia nhập lực lượng biên phòng bởi họ cho rằng điều này sẽ khiến họ bị chính phủ kiểm soát.

Phản ứng trước tình hình bất ổn hậu bầu cử ở Myanmar, Trung Quốc tuyên bố, như Thời Báo Hoàn Cầu cho biết, sự ổn định của Myanmar là quan trọng nhất đối với Trung Quốc. Trong khi đó, Nhật Bản lại lên tiếng bày tỏ “thất vọng sâu sắc” đối với cuộc bầu cử. Chính phủ Nhật Bản đã nhiều lần mong muốn các nhà lãnh đạo Myanmar tổ chức “bầu cử tự do, công bằng và công khai” - Satoru Sato, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật, nhấn mạnh.

Theo AFP, khác với các nước phương Tây, Nhật Bản vẫn giữ quan hệ thương mại và đối thoại với các nhà lãnh đạo Myanmar, bởi lo ngại một chính sách quá mạnh tay đối với ban lãnh đạo đất nước này sẽ có nguy cơ đẩy họ về phía Trung Quốc, nguồn hậu thuẫn chính trị và đối tác thương mại chính của Myanmar. Dù vậy, Tokyo đã ngừng viện trợ kinh tế cho Myanmar từ năm 2003, ngoại trừ các dự án nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp.

Theo Tuổi Trẻ