Nở rộ siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi

Thứ năm, ngày 01/08/2019

(BDO) Những năm gần đây, các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini xuất hiện nhiều trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một. Mô hình này không chỉ đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng mà còn góp phần phát triển thị trường bán lẻ nói riêng và ngành thương mại - dịch vụ của địa phương nói chung.

 Chuỗi cửa hàng tiện lợi phát huy lợi thế

Đến nay, TP.Thủ Dầu Một có 4 trung tâm thương mại lớn, 5 siêu thị đang hoạt động đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa và tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh nở rộ siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi 24/24 giờ, có thể kể đến như Bách hóa xanh, VinMart, Citimart, FamilyMart với đầy đủ các gian hàng thực phẩm tươi sống, các loại rau, củ, trái cây, hàng khô. Chỉ tính riêng địa bàn phường Phú Hòa hiện có 5 cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini như Bách hóa xanh, Co.opFood, Vinmart+. Ghi nhận cho thấy, trên đường Lê Hồng Phong, phường Phú Hòa có đoạn chỉ cách khoảng 50 - 100m có một cửa hàng tiện lợi.

Yêu cầu đối với các cửa hàng tiện lợi là đưa được tất cả những gì người tiêu dùng cần cho cuộc sống cá nhân vào trong một mặt bằng nhỏ, từ đồ ăn, thức uống đến bàn chải, kem đánh răng, văn phòng phẩm… Hàng hóa phải được sắp xếp ngăn nắp, trật tự. Đến các cửa hàng này, khách hàng còn có thể trả một số loại hóa đơn điện, nước, điện thoại, đặt vé, rút tiền…


Khách hàng mua sắm tại cửa hàng Bách hóa xanh (phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một). Ảnh: PHƯƠNG LÊ

Hiện nay, hầu hết các cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố còn khai thác mảng thức ăn nhanh và dành ra một phần diện tích cửa hàng để phục vụ thực khách tại chỗ. Cách làm này đang là một lợi thế của cửa hàng tiện lợi, vì khi đến đây khách hàng thấy được sự đa dạng về hàng hóa, dịch vụ, sự tiện lợi, nhanh chóng, thay vì mất khá nhiều thời gian xếp hàng thanh toán tại các siêu thị. Điều cần nói thêm, trong khi các cửa hàng tạp hóa chỉ đơn thuần mua, bán hàng hóa, khách hàng khi mua sắm tại các cửa hàng tiện lợi còn được thưởng thức ẩm thực, có thể ngồi hàng giờ với máy tính kết nối wifi…

Ngoài ra, hiện nay hệ thống cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini được đánh giá rất nhanh nhạy, luôn biết cách thay đổi để phù hợp với người tiêu dùng; lấy được nguồn hàng có giá tốt nên giá bán rất cạnh tranh; quan hệ với người mua rất tốt, từ tư vấn bán hàng đến phục vụ đều nhanh chóng. Theo dự báo của các nhà chuyên môn, trong thời gian tới tiếp tục có nhiều cửa hàng tiện lợi xuất hiện. Sự xuất hiện của các siêu thị mini, của hàng tiện lợi giúp người dân không còn phải chen chúc mua sắm trong chợ hoặc phải chạy hàng km mới đến được siêu thị lớn để mua sắm.

Ưu tiên phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại

Chị Lê Thị Hường, công nhân Công ty Esqei Việt Nam (KCN Việt Nam - Singapore I), ngụ phường Phú Hòa, cho hay chị làm công nhân, thường ngày tan ca và về đến nhà đã 17 giờ 30 phút. Nếu chị ghé chợ vào thời điểm này thường rất đông và khi mua được những thức ăn phục vụ bữa cơm tối cho gia đình thì đã hơn 18 giờ, khá bất tiện. Từ khi có các cửa hàng tiện ích như Bách hóa xanh, Vinamart gần nhà, chị không chỉ tiết kiệm được thời gian mua sắm mà còn mua được thực phẩm tươi ngon như ý.

Anh Nguyễn Đoàn Khang, người dân ở phường Phú Lợi thì nói: “Tôi thường vào cửa hàng Bách hóa xanh để mua thực phẩm về nấu cho mỗi bữa ăn. Tôi thấy mô hình cửa hàng này rất tiện lợi, vì giá cả phải chăng, lại sạch sẽ, an toàn, đa dạng các mặt hàng. Ngoài ra, những cửa hàng như thế này còn có các tiện lợi khác. Chẳng hạn như ở Bách hóa xanh, tôi đến đây chỉ cần nói muốn mua những sản phẩm gì, nếu không tự chọn thì nhân viên cửa hàng sẽ chọn rồi cân, tính tiền. Đặc biệt, đối với cửa hàng tiện ích 24/24, ngay cả đêm khuya mọi người vẫn đến mua hàng bình thường”.

Ông Đặng Thành Tâm, Phó trưởng phòng Kinh tế TP.Thủ Dầu Một, cho biết mô hình cửa hàng tiện lợi và siêu thị nhỏ là phân khúc đang phát triển nhanh nhất của thị trường bán lẻ Việt Nam hiện nay. Tại TP.Thủ Dầu Một, mô hình này đang phát triển mạnh, dự báo sẽ tiếp tục mở rộng trong thời gian tới. Hiện người tiêu dùng ngày càng hướng tới sự thuận tiện nhiều hơn khi mua sắm. Mô hình này không chỉ đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng mà còn góp phần phát triển thị trường bán lẻ nói riêng và ngành thương mại - dịch vụ của địa phương nói chung, qua đó thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Thực hiện chương trình phát triển dịch vụ chất lượng cao giai đoạn 2016- 2020, trong thời gian tới TP.Thủ Dầu Một tiếp tục chú trọng phát triển thương mại - dịch vụ chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu cho sản xuất và đời sống của người dân và doanh nghiệp. Địa phương đã và đang tạo mọi điều kiện thuận lợi về đất đai, đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào các dịch vụ cao cấp như trung tâm thương mại, siêu thị. Địa phương cũng ưu tiên phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại và các dịch vụ cao cấp khác.

“Triển khai các giải pháp thực hiện chương trình phát triển dịch vụ chất lượng cao giai đoạn 2016-2020, trong thời gian tới thành phố chú trọng nâng cao vai trò, năng lực quản lý nhà nước trong định hướng phát triển dịch vụ chất lượng cao gắn với cải cách thủ tục hành chính. Thành phố cũng tiếp tục đa dạng hóa loại hình dịch vụ; cùng với đó đẩy mạnh xúc tiến thương mại, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển ngành dịch vụ để đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương, phục vụ nhu cầu mua sắm tiêu dùng của người dân và khách du lịch”.

(Ông Đặng Thành Tâm, Phó trưởng phòng Kinh tế TP.Thủ Dầu Một)

 PHƯƠNG LÊ