Nở rộ phim Việt gốc Hàn
Có đến sáu bộ phim Hàn Quốc được Việt hóa phát sóng gần như cùng lúc trên các kênh truyền hình lớn của Việt Nam (VTV3, HTV7, VTV9, Vĩnh Long 1 - VL1). Mối lo ngại về hiện tượng "phim lai" một lần nữa dấy lên.
Những nàng công chúa nổi tiếng (80 tập, ra mắt trên kênh VL1 từ ngày 21-8), ngay sau đó trên kênh VTV3 phát sóng hai bộ phim Người mẫu (39 tập, từ 28-3), Cầu vồng tình yêu (85 tập, từ 15-9, chuyển thể từ Vinh quang gia tộc). HTV7 dành trọn cả tuần trong giờ phim 13g cho hai bộ phim Tình yêu trong sáng (30 tập, từ 5-9), Yêu lần nữa (30 tập, từ 22-9, chuyển thể từ Chim lửa). Mở màn cho giờ phim Việt mới trên kênh VTV9 (lúc 17g30) là một bộ phim có kịch bản lẫn đạo diễn người Hàn Quốc Anh và em (phát sóng từ 16-9). Trong những bộ phim này, có những phim gốc phát sóng từ rất lâu như Người mẫu và cả phim còn "nóng hổi" như Những nàng công chúa nổi tiếng (phát sóng trên kênh VTV3 năm 2009, vừa phát lại lần thứ ba trên kênh VTV1).
Phim Người mẫu "Mới thì không hay, hay thì chẳng mới"
Một trong những bộ phim VN đầu tiên có kịch bản của Hàn Quốc có thể kể đến là Hoa dã quỳ, sản xuất năm 2007. Từ đó đến nay, có rất nhiều bộ phim chuyển thể từ kịch bản Hàn Quốc ra mắt khán giả như Có lẽ nào ta yêu nhau, Anh em nhà bác sĩ, Cô nàng bướng bỉnh, Ngôi nhà hạnh phúc, Dù gió có thổi, Lối sống sai lầm, Gia đình phép thuật... Ngoài hàng trăm tập phim đang phát sóng, cả trăm tập phim khác đang nằm trong giai đoạn sản xuất, như: Kiều nữ lỡ thì, Vợ tôi là số 1, Tình yêu và tham vọng...
Mẫu số chung của các bộ phim gốc là rất nổi tiếng. Sản xuất vào năm 1997, Người mẫu từng làm mưa làm gió khi phát sóng tại Hàn Quốc và VN khi phô diễn sự hào nhoáng của giới người mẫu lẫn những câu chuyện tình yêu hấp dẫn. Tình yêu trong sáng (sản xuất năm 2000) là một trong năm phim được khán giả Hàn Quốc yêu thích nhất từ trước đến nay.
Anh và em, Chim lửa thì đạt chỉ số người xem cao nhất tại Hàn Quốc khi phát sóng vào năm 1997, 2004. Còn Những nàng công chúa nổi tiếng lại rất được lòng khán giả Việt bởi câu chuyện gia đình vừa hài hước vừa xúc động... Phim Vinh quang gia tộc được xem là hiện tượng điện ảnh Hàn Quốc năm 2008.
Mua lại sự nổi tiếng, thế nhưng qua bàn tay xào nấu của các đạo diễn và biên kịch VN, các phiên bản hầu hết trở nên mờ nhạt, thiếu sức sống. Ðối với không ít khán giả đã xem phim Hàn "cũ" nay xem phim Việt "mới", cảm giác thất vọng càng tăng sau sự tò mò. "Nói chỉnh sửa cho phù hợp với văn hóa Việt cho oai chứ thật ra là cắt bớt những cảnh khó, đưa vào những tình huống đơn giản để giảm bớt chi phí sản xuất và giúp cho các diễn viên dễ... "thở" hơn khi diễn xuất. Vì thế xem các phim này dễ thấy rằng "cái mới thì không hay, mà cái hay thì chẳng mới", một đạo diễn nói. Vậy vì sao nhiều nhà sản xuất vẫn "mặn nồng" với việc làm lại phim nước ngoài, đặc biệt là phim nổi tiếng?
Ðơn giản vì đây là cách làm an toàn để thu hút quảng cáo. Một bộ phim bình thường phát sóng trên truyền hình phải đi khoảng 1/3 chặng đường thì quảng cáo mới nhảy vào. Trong khi đó, làm lại một bộ phim nổi tiếng của nước ngoài chắc chắn sẽ tạo nên sự quan tâm hoặc tò mò của khán giả và các công ty quảng cáo, sẽ thu hút một lượng quảng cáo đáng kể cho phim ngay từ đầu. Dù các tập phim sau không hay, ít người xem, quảng cáo giảm thì đây vẫn là cách làm an toàn nhất cho nhà sản xuất.
Ðạo diễn Minh Cao - từng sản xuất bộ phim Việt hóa Anh em nhà bác sĩ - cho biết: "Giới làm phim chúng tôi chẳng ai muốn làm lại phim bởi biết chắc chắn thế nào cũng trở thành "con tốt" cho khán giả lẫn báo chí săm soi. Nhưng chúng tôi cũng phải làm bởi đó là công việc. Từ chối kịch bản làm lại của hãng phim này, sang hãng phim khác họ cũng đưa ra kịch bản phim làm lại khác. Mặt khác, làm lại phim kịch bản nước ngoài đôi khi chúng tôi còn cảm thấy thú vị vì ít nhiều còn có chi tiết hấp dẫn. Kịch bản trong nước hiện nay rất yếu, tình tiết nhạt nhẽo".
"Công thức kịch bản của bộ phim truyền hình chỉ quanh quẩn tình yêu - tình cảm - địa vị, danh vọng. Các phim Hàn Quốc hay là do khai thác chi tiết tốt. Tuy nhiên khi đưa qua VN, chưa chắc điều này hợp lý với người Việt. Ðể khán giả xem phim rung cảm theo tâm lý người Việt là rất khó, cần mổ xẻ và chỉnh sửa kịch bản rất vất vả. Ví dụ để làm ra những tập phim Dù gió có thổi, chúng tôi hầu như phải chỉnh sửa kịch bản hoàn toàn.
Nhưng cũng may mắn là khán giả chưa xem bản gốc Dù gió có thổi nên không có sự so sánh" - đạo diễn Nguyễn Phương Ðiền thở phào, nhưng ngay sau đó là nỗi băn khoăn: "Bản thân tôi cũng không thích làm phim làm lại từ các nước khác. Những câu chuyện cảm động của người Việt ta có rất nhiều, tại sao chúng ta không khai thác?".
Nỗi lo kịch bản thuần Việt
Ðài Truyền hình TP.HCM đang có những động thái khá tích cực tháo gỡ vấn đề này. Ông Nguyễn Anh Xuân - Trưởng Phòng khai thác phim truyện của HTV cho biết: "Chủ trương của HTV không ưu đãi nhưng cũng không lên án việc làm lại phim nước ngoài. Vấn đề là những bộ phim này phải Việt hóa triệt để.
Những bộ phim Việt hóa phát sóng trên truyền hình đều không đạt điều này. Trong kế hoạch nâng cao chất lượng phim Việt từ năm 2012, HTV chú trọng mạnh đến yếu tố kịch bản. Chúng tôi không chỉ duyệt kịch bản đề cương mà sẽ duyệt luôn kịch bản chi tiết. Những kịch bản nào đủ chất lượng chúng tôi sẽ bỏ tiền mua để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất phim".
Tuy nhiên, sự cố gắng của nhà đài chỉ mới mang giải pháp tình thế, làm sao để có những kịch bản thuần Việt thật sự hay vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ và chắc chắn sẽ chưa thể có câu trả lời trong ngày một ngày hai.
Bởi như ý kiến đạo diễn Minh Cao: "Ngay cả Trường đại học Sân khấu điện ảnh TP.HCM - một trong những trường nghệ thuật lớn của khu vực phía Nam - vẫn chưa có khoa biên kịch để đào tạo nguồn nhân lực này. Những cây bút viết kịch bản có nghề phần lớn chuyển sang làm quản lý. Những người trẻ có tài viết theo bản năng cũng chỉ được vài kịch bản phim rồi hết ý vì không được học bài bản. Tầng lớp người viết kế thừa quá thiếu và yếu".
Cẩn thận “hàng nhái”
Nhiều bộ phim truyền hình Việt gốc Hàn đã ra mắt khán giả, với lời đảm bảo của nhiều nhà làm phim “xóa bỏ được những yếu tố ngoại, thổi vào những câu chuyện gần gũi đời sống khán giả nhà”. Nhưng như một con dao hai lưỡi, ngoài rất ít phim có được cái nhìn thiện cảm từ khán giả, phần lớn phim có thoại bất ổn, diễn xuất không đồng đều, tuyến nhân vật chính diễn yếu (dù nhiều phim quy tụ được các diễn viên gạo cội), chất lượng thu thanh trực tiếp gượng gạo, bê nguyên xi hình tượng Hàn (bà mẹ, thầy giáo...). Rất nặng lời, trên nhiều diễn đàn điện ảnh, khán giả đang gọi đây là những bản copy hóa không hoàn hảo, những sản phẩm “hàng nhái” kém chất lượng.
Xu hướng chuyển thể một bộ phim truyền hình nổi tiếng của nước này sang nước khác được áp dụng khá quen thuộc tại Trung Quốc (làm lại phim Hàn, Mỹ như Mỹ nhân ngư, Sex and the City...), Hàn Quốc, Nhật Bản (làm lại phim của Đài Loan như Vườn sao băng...) cho thấy nguồn kịch bản thiếu là câu chuyện chung của ngành sản xuất phim truyền hình.
Phim được khen thành công thì chứng tỏ sự đầu tư khôn ngoan của nhà sản xuất, sự biểu cảm đầy thuyết phục của diễn viên... Nhưng phim không thành công, gồng mình lại cho thấy việc đứng dưới cái bóng quá lớn vẫn không phải là lựa chọn số một. Với khán giả Việt, như một ý kiến trên diễn đàn dienanh.net, “không nên chọi đá tảng, nếu muốn phát triển phim truyền hình thì tốt nhất nên tự làm phim, tự viết kịch bản. Bây giờ chưa tốt thì từ từ sẽ tốt”.
Theo Tuổi Trẻ