Nở rộ các điểm kinh doanh trái cây nhập khẩu
(BDO) Thời gian gần đây, trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một xuất hiện nhiều cửa hàng cung cấp các loại trái cây nhập khẩu. So với trái cây trong nước, trái cây nhập khẩu đắt hơn, song nhiều người tiêu dùng vẫn mua bởi cho rằng trái cây nhập khẩu ngon và an toàn hơn.
Khách hàng lựa trái cây nhập khẩu tại cửa hàng Hạnh Nguyên (phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một) Ảnh: QUỲNH NHIÊN
Nhiều hình thức cung cấp
Hiện nay, trên thị trường trái cây nhập khẩu có giá cao gấp nhiều lần so với trái cây cùng loại trong nước. Các loại trái cây phổ biến như táo gala Mỹ, táo gala New Zealand có giá từ 70.000 - 100.000 đồng/kg, cam Úc 90.000 đồng/kg, lê Hàn Quốc khoảng 100.000 đồng/kg, dưa lưới Nhật Bản 250.000 đồng/ kg... Đối với trái cây nhập khẩu bán ở các cửa hàng trên địa bàn tỉnh, ngay từ khi nhập hàng đã được phân loại, ghi rõ xuất xử, nguồn gốc.
Bên cạnh đó, nhiều cửa hàng kinh doanh online ra đời song song với việc bán hàng trực tiếp. Với hình thức kinh doanh này, các cửa hàng hoa quả đang có nhiều lợi thế kinh doanh là không tốn mặt bằng kinh doanh, không chịu thuế, giảm được các chi phí phụ bằng các phương thức giao dịch...
Để tăng tính cạnh tranh với hình thức bán hàng qua mạng, nhiều cửa hàng bán trái cây nhập khẩu trên địa bàn tỉnh đã tạo trang web giúp liên kết, thu hút khách hàng nhiều hơn. Không chỉ tư vấn trực tiếp tại cửa hàng, các nhân viên của các cửa hàng còn sẵn sàng tư vấn, giải đáp cách thức đặt mua hàng, loại trái cây nào theo mùa cho khách hàng lựa chọn.
Chủ cửa hàng trái cây - bánh kẹo nhập khẩu HelloFuits (đường Yersin, TP.Thủ Dầu Một), cho biết để lựa chọn được những trái cây nhập khẩu tươi ngon, người tiêu dùng cần lưu ý về mùa trái cây ở các nước, bởi mỗi loại trái cây ở mỗi nước đều có mùa vụ riêng. Việc tìm hiểu này giúp người tiêu dùng mua được hàng đúng nguồn gốc, đúng mùa vụ. Đối với trái cherry Mỹ có từ tháng 5 đến cuối tháng 8, cherry Úc khoảng tháng 11 - 12, kiwi New Zealand vào mùa là từ tháng 6 đến tháng 9, nho Mỹ từ tháng 10 - 12. Người tiêu dùng cũng nên tìm đến các cửa hàng uy tín để được tư vấn chọn lựa những loại trái cây ngon, bảo đảm chất lượng.
Băn khoăn về chất lượng
Chị Lê Thị Hạnh, chủ cửa hàng trái cây nhập khẩu Hanhnguyen store (phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một), cho hay quá trình vận chuyển, bảo quản các loại trái cây này phải được tiến hành khép kín, tránh làm giập, va chạm. Điều kiện bảo quản các loại sản phẩm này cần có kho lạnh riêng, nhiệt độ luôn giữ ở mức 1 - 60C để trái cây tươi lâu, bảo đảm chất lượng. Thông thường, trái cây được nhập về theo đường hàng không, từ sân bay ở TP.Hồ Chí Minh sẽ được vận chuyển bằng ô tô về Bình Dương. Khi tới cửa hàng, trái cây được đưa ngay vào kho lạnh để bảo đảm chất lượng. Dâu, cherry, nho… là những loại trái cây dễ bị giập nên thường gặp khó khăn nhiều hơn khi bảo quản.
Đang chọn mua táo tại Siêu thị Big C Bình Dương, chị Trần Phương Thúy (ở phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một), cho biết chị thường đi siêu thị mua táo nhập khẩu vì giá rất rẻ, có những dịp siêu thị khuyến mãi chỉ còn 49.000 đồng/kg. Táo nhập khẩu có màu sắc rất đẹp, tuy vậy chất lượng thì không biết như thế nào.
Hiện nay, tại các quầy bán trái cây ở một số chợ trên địa bàn tỉnh cũng bày bán các loại táo được người bán giới thiệu có nguồn gốc từ Mỹ, Úc… kèm theo cả tem dán nhận diện, giá bán 70.000 - 80.000 đồng/kg. Nhìn bề ngoài các loại trái cây này không khác là mấy so với táo nhập chính hãng nhưng về giá thì thấp hơn rất nhiều.
Ghi nhận cho thấy, trên thị trường đang xuất hiện nhiều trái cây nhập ngoại. Trái cây nhập ngoại tuy cùng chủng loại, kích cỡ nhưng giá bán tại các siêu thị, chợ... lại chênh lệch từ vài chục đến cả trăm ngàn đồng/ kg. Ngành chức năng cần tăng cường kiểm soát chất lượng để người tiêu dùng yên tâm và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh với trái cây Việt.
QUỲNH NHIÊN