Nỗ lực xoa dịu nỗi đau của nạn nhân da cam

Thứ năm, ngày 08/08/2019

(BDO) Chiến tranh đã lùi xa nhưng những hậu quả của nó vẫn hằn sâu và nhức nhối. Trong đó, nỗi đau da cam hàng ngày vẫn hành hạ và dày vò nhiều gia đình từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chính vì vậy, huyện Dầu Tiếng đã nỗ lực chăm lo, xoa dịu nỗi đau của các nạn nhân, gia đình nạn nhân, trong đó vai trò chủ đạo là Hội Nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC)/ dioxin huyện.

 San sẻ, yêu thương

Hai năm trôi qua nhưng những hình ảnh hạnh phúc của gia đình bà Đỗ Thị Kim Hồng (xã Long Hòa) trong ngày được trao tặng căn nhà mới mãi in trong tâm trí chúng tôi. Bà Hồng có người con gái Huỳnh Thị Thanh Thanh (31 tuổi) mắc bệnh não bẩm sinh do ảnh hưởng chất độc da cam. Chồng mất, một mình bà tần tảo nuôi đứa con tật nguyền. “Trước đây, chồng bà là quân nhân tham gia kháng chiến ở chiến trường Kon Tum. Hai vợ chồng lấy nhau và sinh ra đứa con Huỳnh Thị Thanh Thanh. Số phận trớ trêu, con Thanh không may bị nhiễm chất độc da cam. Từ khi chào đời con đã bị bại não và chân tay bị dị tật”, bà Hồng cho biết. Ở tuổi 62 đáng lẽ bà đã được nghỉ ngơi, an dưỡng nhưng bà vẫn cố gắng làm để lo cho con. Năm 2017, trước hoàn cảnh khó khăn, bà được Hội NNCĐDC)/ dioxin huyện vận động Quỹ Từ thiện Kim Oanh sửa chữa căn nhà với số tiền 40 triệu đồng.


Tỉnh hội Nạn nhân chất độc da cam và Huyện hội tặng quà cho nạn nhân chất độc da cam huyện Dầu Tiếng

Chiến tranh đã đi qua nhưng nỗi đau vẫn còn mãi trên cơ thể của những người đã tham gia kháng chiến giờ là nạn nhân của chất độc da cam. Ông Vũ Trung Kiên (xã Minh Hòa) là một nhân chứng cụ thể. Năm 1967, ông tham gia cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Rời quân ngũ trở về địa phương, ông bị nhiễm chất độc da cam 61%. Ảnh hưởng của chất độc da cam nên sức khỏe của ông yếu dần. Không để mình là gánh nặng cho con, cháu, ông vẫn cố gắng làm việc để lo cho bản thân.

Quan tâm để những NNCĐDC giống ông Kiên có cuộc sống tốt đẹp hơn, Hội NNCĐDC/dioxin huyện Dầu Tiếng đã thường xuyên thăm, tặng quà, hỗ trợ về cả vật chất lẫn tinh thần. “Tôi thật sự vui, hạnh phúc khi được Đảng, Nhà nước, địa phương quan tâm dành mọi sự ưu ái. Bản thân những nạn nhân như chúng tôi cũng cố gắng chứ không trông chờ, ỷ lại”, ông Kiên nói.

Đem cuộc sống an vui cho các nạn nhân

Bà Nguyễn Thị Thu, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin huyện Dầu Tiếng, cho biết huyện hội Dầu Tiếng được thành lập ngày 28-12-2012, đến nay có 102 hội viên. Trong 7 năm qua, công tác chăm sóc, giúp đỡ và bảo vệ quyền lợi của các nạn nhân nhiễm chất độc da cam luôn được các cấp, các ngành và cán bộ Hội NNCĐDC/ dioxin huyện chỉ đạo thực hiện.

Ngoài thực hiện đúng, đủ các chế độ chính sách, các cấp hội đã vận động được gần 900 triệu đồng để chăm lo, hỗ trợ cho các nạn nhân. Từ số tiền vận động được đã hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở, trợ cấp học bổng, tìm việc làm, khám chữa bệnh, phục hồi chức năng và dạy nghề cho nạn nhân… Từ năm 2012 đến nay, hội đã trao tặng hàng trăm phần quà; xây mới 11 căn nhà, sửa chữa 2 căn nhà cho các nạn nhân. Đạt được kết quả đó, công tác tuyên truyền đã được chú trọng và thực hiện thường xuyên nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết của các NNCĐDC và cộng đồng xã hội về các chủ trương của Đảng, chính sách Nhà nước chăm lo, trợ giúp các nạn nhân và giải quyết hậu quả của chất độc hóa học được sử dụng trong chiến tranh.

Bà Thu nhìn nhận, Hội NNCĐDC huyện Dầu Tiếng đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của nhiều tổ chức, cá nhân, bởi đây là việc làm mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Tuy nhiên, công tác vận động vẫn chưa đáp ứng theo nhu cầu, bởi số lượng đối tượng được giúp đỡ, thụ hưởng còn ít so với khó khăn mà họ gặp phải. Vẫn còn nhiều nạn nhân sống trong hoàn cảnh khó khăn, sống dựa vào sự chăm lo của chính quyền địa phương hoặc sự cưu mang của những tấm lòng hảo tâm.

Để thực hiện tốt hơn công tác chăm lo nạn nhân nhiễm chất độc da cam, trong thời gian tới, hội sẽ tích cực tuyên truyền góp phần giúp các tầng lớp nhân dân hiểu đầy đủ hơn về hậu quả của chất độc hóa học do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh tại Việt Nam. Bên cạnh đó, hội tiếp tục thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách, cũng như vận động các nguồn lực để chăm lo hỗ trợ cho các nạn nhân da cam; bởi chăm lo cho NNCĐDC không phải là trách nhiệm của riêng ai, mà cần sự chung tay góp sức của cộng đồng, xã hội.

 THIÊN LÝ - KIM SA