Nỗ lực “xóa” bệnh nghề nghiệp
(BDO) “Các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh cần tạo môi trường lao động an toàn; thực hiện tốt công tác chăm sóc về sức khỏe cho công nhân (CN), người lao động (NLĐ) để góp phần hạn chế bệnh nghề nghiệp (BNN) và tai nạn lao động (TNLĐ)”, đó là ý kiến chỉ đạo của ông Trần Thanh Liêm, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trong Tuần lễ quốc gia về An toàn vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ-PCCN) lần thứ 17 năm 2015.
Bệnh điếc nghề nghiệp: Dễ mắc khó chữa
Tại Trung tâm Sức khỏe lao động - Môi trường tỉnh (trung tâm) mỗi ngày tiếp nhận hàng chục hồ sơ khám bệnh của CN. Trong hơn 15.000 NLĐ được khám BNN trong năm 2014, số người khám bệnh điếc nghề nghiệp chiếm gần 13.000 người, trong đó 804 người được theo dõi bệnh. Đa số là CN mắc bệnh điếc nghề nghiệp làm ở một số công ty may mặc, giày da, gỗ, cơ khí với thời gian làm việc 8 giờ/ngày trong môi trường tiếng ồn lớn liên tục từ 6 tháng trở lên. Triệu chứng ban đầu của bệnh điếc nghề nghiệp là nghe kém. Sau vài tháng tiếp xúc với tiếng ồn, người bệnh cảm thấy ù tai, khó chịu, cảm giác tức tức ở tai, đau đầu, mất ngủ, ngày càng nghe kém khi nói chuyện dẫn tới điếc. Bác sĩ Nguyễn Văn Thọ, Trưởng khoa BNN của trung tâm cho biết, tiếng ồn là “kẻ giết người thầm lặng” gây nên bệnh điếc nghề nghiệp. Bệnh này rất dễ mắc nhưng không thể chữa khỏi. Khi bị điếc nghề nghiệp có các biểu hiện thoái hóa ở các tế bào thần kinh thính giác nằm trong cơ quan tai trong, dần dẫn đến các tế bào này bị hủy hoại, mất khả năng cảm thụ thính giác.
Công nhân đến khám sức khỏe tại Trung tâm Sức khỏe Lao động - Môi trường tỉnh. Ảnh: T.LÝ
Trường hợp anh Lê Trung Kiên ở phường Bình Hòa, TX.Thuận An là một minh chứng. Trước đây, anh làm việc cho một công ty chuyên về cơ khí, hàng ngày tiếp xúc với tiếng hàn xì nên ảnh hưởng đến thính giác. Sau 10 năm theo nghề, anh quyết định xin nghỉ để điều trị bệnh. Dù công ty có trang bị mắt kính, nút đeo tai để hạn chế tiếng ồn nhưng do thấy vướng anh không sử dụng; bây giờ bị bệnh điếc mới hối hận.
Phòng bệnh điếc nghề nghiệp, bác sĩ Thọ nói thêm, các DN cần cải tiến thiết bị, máy móc phát ra tiếng ồn lớn; cách ly các nguồn phát ra tiếng ồn và các bộ phận gây ồn nhất; thực hiện các biện pháp hấp thụ tiếng ồn. Bên cạnh đó, DN nên sắp xếp hợp lý các nhóm thợ phải làm việc thường xuyên ở nơi có tiếng ồn mạnh; kiểm tra sức khỏe định kỳ cho những người làm việc ở nơi có tiếng ồn; tập huấn về an toàn lao động, truyền thông giáo dục sức khỏe phòng BNN cho NLĐ. NLĐ cần lưu ý cách phòng tránh như thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý; khám sức khỏe định kỳ, đo thính lực để phát hiện sớm và có biện pháp xử lý kịp thời. Khi tiếp xúc tiếng ồn, NLĐ cần sử dụng các dụng cụ bảo vệ như nút tai, loa che tai...
Tăng cường chăm lo sức khỏe cho NLĐ
Ngoài bệnh điếc nghề nghiệp, NLĐ tại các DN trên địa bàn tỉnh còn mắc các bệnh như phổi, da, nhiễm độc chì, nhiễm độc Toluen, nhiễm độc Benzen, rung chuyển nghề nghiệp, nốt dầu nghề nghiệp… Tuy nhiên, số lượng NLĐ được khám, điều trị BNN so với số lao động thực có trên địa bàn tỉnh còn ít. Năm 2014, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho 314.968 người, riêng Trung tâm Sức khỏe lao động - Môi trường đã thực hiện được 66.169 CN, trong khi đó, số LĐ đang sống, làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn là 800.000 người.
Ông Hồ Hoàng Vân, Giám đốc Trung tâm cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến BNN của NLĐ tăng là do nhiều chủ DN còn thờ ơ đối với quy định khám BNN cho NLĐ. Thậm chí, ngay cả những DN lớn cũng tìm cánh “né” bằng cách tổ chức cho một bộ phận nào đó trong DN khám sức khỏe “đại diện” để đối phó với cơ quan chức năng hoặc liên kết với các phòng khám đa khoa tư nhân, kiểu “làm cho có”. Vì thế, kết quả khám sức khỏe của NLĐ thường không chính xác, khó xác định được bệnh, nhất là BNN.
Bên cạnh tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho CN, thực hiện chương trình quốc gia về an toàn lao động, vệ sinh lao động (phòng chống BNN) giai đoạn 2011-2015, trung tâm tiếp tục phối hợp tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề tuyên truyền về công tác phòng chống BNN; tuyên truyền sâu rộng trong CN, DN tác hại khi mắc các BNN; tập huấn chương trình phòng chống BNN, chăm sóc sức khỏe NLĐ; tập huấn kỹ năng chẩn đoán BNN cho cán bộ y tế tuyến huyện; cấp phát tờ rơi, áp phích về BNN cho CN ở các DN có nguy cơ.
Để công tác ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả, ông Trần Thanh Liêm, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: “Chúng ta cần quyết tâm hành động vì mục tiêu bảo đảm an toàn, sức khỏe NLĐ tại nơi làm việc, phòng ngừa TNLĐ, BNN. Tôi đề nghị các sở, ngành, địa phương và DN cần bố trí nguồn lực triển khai tốt Chương trình quốc gia ATVSLĐ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về công tác phòng ngừa TNLĐ, BNN trong các ngành có nguy cơ cao, trong các DN vừa và nhỏ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành các quy định về ATVSLĐ. Các DN phải quan tâm hơn nữa đến công tác trang bị bảo hộ lao động cho CN. CN và NLĐ cần phải có ý thức chấp hành tốt các quy định về ATVSLĐ và PCCN để tự bảo vệ mình và tránh khỏi những rủi ro, tai nạn đáng tiếc xảy ra”.
THIÊN LÝ