Nỗ lực vượt khó, kinh tế chuyển biến tích cực
(BDO) 6 tháng đầu năm 2024, dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng các lĩnh vực kinh tế của tỉnh ghi nhận có những tín hiệu phục hồi tích cực. Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút vốn đầu tư, quyết liệt triển khai các giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.
Với các giải pháp hỗ trợ của tỉnh và sự nỗ lực của doanh nghiệp, tình hình sản xuất, kinh doanh trong 6 tháng đầu năm phục hồi tích cực. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH Cicor Việt Nam (VSIP I)
Bảo đảm chỉ tiêu tăng trưởng
Đánh giá của UBND tỉnh cho biết, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều khó khăn, thách thức. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, giám sát của HĐND tỉnh, sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp (DN) trên địa bàn, kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm đạt nhiều kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực.
Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 6,19% so với cùng kỳ, sản xuất công nghiệp có nhiều khởi sắc, ước tăng 5,63%, các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh dần phục hồi. Tuy nhiên một số ngành, lĩnh vực như công nghiệp hỗ trợ còn gặp khó khăn, chi phí nguyên vật liệu, vận chuyển còn ở mức cao… Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa duy trì tốc độ tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 16,29 tỷ đô la Mỹ, tăng 10,3%, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 11,5 tỷ đô la Mỹ, tăng 9,9% so cùng kỳ, xuất siêu hơn 4,7 tỷ đô la Mỹ.
Ông Ngô Văn Mít, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, một số ngành hàng duy trì tăng trưởng nhưng ở mức thấp như may mặc, giày da. Trong cuộc khảo sát mới đây ghi nhận các DN có đủ đơn hàng cho đến hết tháng 9-2024 và đang nỗ lực tìm kiếm đơn hàng mới để ổn định sản xuất đến hết năm 2024. Chính sách giảm thuế VAT 2% được duy trì cùng việc triển khai các chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng đã giúp tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 166.180 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, từ đầu năm đến nay tỉnh đã tập trung triển khai nhiều giải pháp để khơi thông, kích thích tăng trưởng kinh tế. Theo đó, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước thực hiện 68.949 tỷ đồng. Tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công tính đến ngày 17-6 là 3.766 tỷ đồng, đạt 17,1% kế hoạch HĐND tỉnh giao và 24,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Đầu tư trong nước tính đến ngày 15-5-2024 thu hút được 27.253 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh, tăng 12,1% so với cùng kỳ, đã chấp thuận chủ trương đầu tư 7 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư 35.907 tỷ đồng. Đầu tư nước ngoài tính đến ngày 30-5 thu hút được gần 589 triệu đô la Mỹ, đạt 64,4% so với cùng kỳ. Đến nay, toàn tỉnh có 4.306 dự án đầu tư nước ngoài, tổng vốn 40,7 tỷ đô la Mỹ. Trong 6 tháng đầu năm, ước thu ngân sách 35.165 tỷ đồng, đạt 49% dự toán HĐND tỉnh thông qua và đạt 54% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 11% so với cùng kỳ.
Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh
Lãnh đạo Cục Hải quan tỉnh cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh tăng trưởng 11%, thấp hơn với tăng trưởng chung của toàn quốc, dù vậy “sức khỏe kinh tế” của tỉnh có những chuyển biến tích cực so với nhiều địa phương trong vùng. Tương tự, Cục Thuế tỉnh cho biết, thu nội địa có nhiều tín hiệu tích cực, 6 tháng đầu năm đạt 27.000 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ. Hiện ngành thuế tiếp tục rà soát trên các lĩnh vực để bảo đảm thu đúng, đủ góp phần hoàn thành kế hoạch thu ngân sách năm 2024.
Phát biểu kết luận tại phiên họp UBND tỉnh lần thứ 63, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao nỗ lực của các sở, ngành, địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. “Tình hình kinh tế - xã hội đạt được một số kết quả tích cực, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN đang hồi phục, đơn hàng ngày càng nhiều hơn. Công tác chi ngân sách tiết kiệm, hiệu quả, thu hút đầu tư trong nước tăng lên”, ông Võ Văn Minh nói.
Bên cạnh kết quả đã đạt được, ông Võ Văn Minh cũng đã chỉ ra một số tồn tại, khó khăn cần tập trung khắc phục. Một số dự án giao thông trọng điểm bị ảnh hưởng do phát sinh một số vấn đề về giải phóng mặt bằng, thiếu vật liệu, dẫn đến tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp so với kế hoạch.
Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan cần tổ chức tiếp xúc, làm việc trực tiếp với từng hiệp hội, DN, từng dự án để kịp thời tháo gỡ. Đẩy nhanh tiến độ mở rộng các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch, xây dựng tiêu chí phát triển công nghiệp sinh thái, công nghệ cao, hoàn thiện chính sách di dời DN từ các địa phương phía Nam lên các khu, cụm công nghiệp ở các địa phương phía Bắc.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu khẩn trương hoàn thiện quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng phê duyệt và tổ chức hội nghị công bố quy hoạch. Cùng với đó hoàn thành đề án khai thác quỹ đất, tạo nguồn thu từ đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2024-2025 và định hướng đến năm 2030. Nâng cao chất lượng và rút ngắn thời gian thẩm định các dự án đầu tư để tạo điều kiện sớm triển khai, giải quyết các vướng mắc của các dự án bất động sản, nhà ở xã hội, sản xuất, kinh doanh, thương mại dịch vụ…
MINH DUY