Nỗ lực vượt “bão” dịch tả heo châu Phi

Thứ tư, ngày 10/07/2019

(BDO)  

Nhiều hộ chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh bị bệnh DTHCP đang mạnh dạn chuyển sang chăn nuôi gà, vịt. Trong ảnh: Một cơ sở chăn nuôi vịt ở huyện Phú Giáo. Ảnh: TIỂU MY

Nuôi gia cầm, ổn định thu nhập

Thời gian qua, bệnh DTHCP đã gây thiệt hại lớn cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Để hạn chế thiệt hại, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh có bệnh DTHCP đang chuyển đổi sang nuôi gia cầm. Anh Nguyễn Phi Long, ở xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo - có heo bị tiêu hủy, chia sẻ ngoài khoản hỗ trợ của Nhà nước, anh đang chuyển sang chăn nuôi gà, vịt để ổn định kinh tế gia đình và trả nợ ngân hàng. Hiện gia đình anh còn nợ ngân hàng khoảng 2 tỷ đồng tiền vay mua heo giống, cám, sửa chữa chuồng trại... Sau khi bệnh DTHCP được khống chế, gia đình anh mới tiếp tục nuôi heo.

Anh Nguyễn Quang Tuyến, ở xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo, cho hay đàn heo bị bệnh của gia đình anh nuôi số lượng lớn nên được hỗ trợ hơn 2 tỷ đồng. Hiện gia đình anh còn nợ tiền vay ngân hàng để chăn nuôi heo. Anh đã tháo chuồng heo chuyển qua nuôi vịt, vì vịt nhanh lớn, ít bệnh tật, thu hồi vốn nhanh... Với giá bán như hiện tại, mỗi con vịt anh thu lãi từ 15.000 - 20.000 đồng; lứa nuôi đầu anh dự tính có lãi từ 15 - 20 triệu đồng. Đây là giải pháp hiệu quả giúp gia đình anh vượt qua giai đoạn khó khăn do bệnh DTHCP gây ra hiện nay.

Ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, cho biết thời điểm mùa mưa là điều kiện thích hợp cho việc phát tán mầm bệnh trong môi trường thông qua dòng chảy nước mưa, phương tiện vận chuyển, làm lây lan bệnh DTHCP trên diện rộng. Vì vậy, các địa phương, lực lượng thú y, nhất là các hộ chăn nuôi cần cảnh giác cao độ trong công tác chống bệnh dịch.

Theo Quyết định số 1481/ QĐ-UBND ngày 3-6-2019 của UBND tỉnh về việc phê duyệt mức hỗ trợ công tác phòng, chống bệnh DTHCP trên địa bàn tỉnh, mức hỗ trợ thực hiện theo nhóm lứa tuổi heo thấp nhất là 300.000 đồng/con với heo con, cao nhất là 4.500.000 đồng/con với heo nái, nọc. Mức hỗ trợ này phần nào giảm gánh nặng kinh tế của các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Quyết liệt khống chế bệnh dịch

Vừa qua, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản đã đề nghị chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể cần tuyên truyền, khuyến cáo người chăn nuôi heo giảm đàn trong giai đoạn hiện nay, xem đây là giải pháp nhằm giảm áp lực bệnh DTHCP.

Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản cũng khuyến cáo, trong thời gian tới khả năng phát tán, lây lan bệnh DTHCP trên diện rộng là rất cao và bệnh luôn đặt trong tình trạng khẩn cấp do nhiều cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ chăn nuôi không bảo đảm an toàn sinh học và sử dụng thức ăn thừa từ các bếp ăn công nghiệp, các quán ăn để chăn nuôi heo. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh có nhiều lao động ngoài tỉnh đến làm ăn, sinh sống, đây là một trong những yếu tố làm lây lan bệnh DTHCP.

Ông Cường cho biết thêm, trong thời gian tới Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tiếp tục bố trí cán bộ, phương tiện, vật tư sẵn sàng thực hiện các hành động ứng phó với bệnh DTHCP theo quy định. Cùng với đó, đơn vị tiếp tục thông tin tuyên truyền, thông tin chính xác và kịp thời về tình hình bệnh dịch, các chính sách đến người dân để vừa bảo đảm yêu cầu phòng chống bệnh dịch, vừa bảo vệ sản xuất, tiêu thụ và tránh gây hoang mang trong dư luận. Bên cạnh đó, đơn vị tăng cường phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm việc giết mổ trái phép, vận chuyển động vật và sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc ra vào tỉnh. Về phía các hộ chăn nuôi, ông đề nghị cần giám sát chặt chẽ tình hình sức khỏe đàn vật nuôi; khi phát hiện heo chết bất thường xảy ra ở địa phương khác cần báo ngay ngành chức năng tổ chức lấy mẫu xét nghiệm để có biện pháp giải quyết kịp thời; đồng thời tăng cường tần suất vệ sinh tiêu độc, cách ly người lạ ra vào khu vực chăn nuôi.

Ghi nhận cho thấy, ngành nông nghiệp của tỉnh đang chuẩn bị tốt các điều kiện để có giải pháp khôi phục chăn nuôi heo ngay sau khi bệnh DTHCP được khống chế, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Ngành cũng tổ chức rút kinh nghiệm để chủ động phát hiện sớm, thông tin kịp thời và có biện pháp sẵn sàng phòng, chống các loại bệnh dịch khác có thể xảy ra đối với vật nuôi.

 Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, tính đến ngày 7-7-2019 trên địa bàn tỉnh xảy ra bệnh DTHCP và có hiện tượng heo chết bất thường ở 406 hộ/trại chăn nuôi tại 36 xã, phường, thị trấn của 8 huyện, thị, thành phố; tổng số heo chết và buộc phải tiêu hủy là 25.660 con. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 1 xã đã qua 30 ngày không phát sinh ổ bệnh DTHCP mới (xã Hội Nghĩa, TX.Tân Uyên). Tỷ lệ heo chết và buộc phải tiêu hủy so với tổng đàn heo thống kê trong toàn tỉnh là 3,87% (tổng đàn thống kê đến tháng 4-2019 là 662.372 con).

TIỂU MY