Nỗ lực tư vấn tâm lý cho học sinh
(BDO) Trong bối cảnh mở và hội nhập, bên cạnh những mặt tích cực, học sinh (HS) ngày nay bị ảnh hưởng rất nhiều từ thông tin, phim ảnh có tính chất bạo lực tràn lan trên mạng internet. Đó là lý do tình trạng HS đánh nhau vẫn còn xảy ra ở đây đó. Do đó, hiện nay các trường phổ thông rất chú trọng đến công tác giáo dục đạo đức, kết hợp với tư vấn tâm lý cho các em.
HS trường THCS Phú Cường (TP.Thủ Dầu Một) bốc thăm và trả lời câu hỏi, thể hiện sự hiểu biết về bạo lực học đường. Ảnh: A.SÁNG
Cùng nỗ lực giáo dục HS
Cộng đồng trách nhiệm trong việc giáo dục đạo đức cho HS, vừa qua Hội đồng Đội tỉnh phối hợp với ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng chống bạo lực học đường cho HS. Theo đó, 2 bên đồng phối hợp tổ chức sinh hoạt chuyên đề “xây dựng tình bạn đẹp phòng chống bạo lực học đường”. Ngoài chương trình của tỉnh, ở từng trường học cũng có những cách làm riêng để HS giữ được tâm hồn trong sáng, cùng yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau.
Sáng thứ hai vừa qua, trường THCS Phú Cường (TP.Thủ Dầu Một) đã tổ chức sinh hoạt chuyên đề “xây dựng tình bạn đẹp phòng chống bạo lực học đường và xâm hại trẻ em”. Để trắc nghiệm kiến thức của các em về vấn đề trên, Ban tổ chức đã đưa ra một số câu hỏi, đặt một số tình huống về tình trạng bạo lực để HS đưa ra hướng giải quyết. Không chỉ những em lên bốc thăm mới trả lời, mà những em khác cùng bổ sung ý kiến của bạn. HS cùng chủ động tham gia, nên sự hiểu biết của các em về vấn đề này sẽ sâu sắc hơn.
Ở lứa tuổi mới lớn như HS THCS, các em có những diễn biến tâm lý bất thường. Sự căng thẳng trong học tập, ảnh hưởng từ trò chơi game, phim ảnh bạo lực dễ dẫn đến hành vi bạo lực trong HS. Hướng các em đến việc xây dựng lối sống đẹp, các nhà trường đã có nhiều hoạt động phong phú trong việc giáo dục đạo đức, kỹ năng sống và lồng ghép giáo dục pháp luật cho HS, trong đó có giáo dục, tư vấn tâm lý học đường. Theo ông Phạm Anh Dũng, Phó Phòng Công tác tư tưởng pháp chế, sở GD-ĐT, các trường đã tăng cường phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, đoàn thể trong trường về việc giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, pháp luật, kỹ năng và thái độ cho HS, sinh viên. Nhà trường còn thường xuyên liên hệ với gia đình để thông báo tình hình rèn luyện tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của các em. Các đơn vị đã tổ chức tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong HS, sinh viên; tăng cường các biện pháp quản lý, phối hợp với chính quyền, đoàn thể tại địa phương và gia đình HS nhằm ngăn chặn tình trạng HS đánh nhau ở trong và ngoài nhà trường, ký túc xá, không để HS tham gia tụ tập đông người, gây rối trật tự công cộng. Kết quả, trong năm 2017 không có vụ nghiêm trọng nào về an ninh trật tự trường học xảy ra liên quan đến HS, sinh viên.
Lắng nghe HS
Hiện nay, trong điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế do số HS tăng, cùng với thiếu giáo viên chuyên trách, nên các trường chưa thành lập được Phòng Tư vấn tâm lý học đường. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của ngành, các trường THCS, THPT đều có bộ phận tư vấn học đường cho HS. Một trong những trường thực hiện khá bài bản đó là trường THPT Trần Văn Ơn. Nhà trường xây dựng kế hoạch tư vấn, có phân công cán bộ, giáo viên tham gia trực tư vấn hẳn hoi. Thầy Huỳnh Hoàng Thuận, Phó hiệu trưởng cho hay, trường tổ chức các hoạt động như trao đổi chuyên đề về tâm lý lứa tuổi, giới tính, sức khỏe sinh sản, học tập và định hướng nghề nghiệp, kỹ năng sống, ứng xử văn hóa; các hoạt động ngoại khóa; giảng dạy lồng ghép các nội dung tư vấn vào các môn học; tư vấn trực tiếp tại phòng, tổ chức các diễn đàn để HS chia sẻ tâm tư nguyện vọng, hoàn cảnh bản thân…
Lắng nghe, gần gũi HS,trên tinh thần vừa là người thầy, vừa là người bạn để các em mạnh dạn bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, Ban giám hiệu trường THCS Chánh Nghĩa (TP.Thủ Dầu Một) cho biết đó là chủ trương chung của trường. Tuy không có chuyên môn, giáo viên chủ nhiệm, bộ môn cũng tích cực giáo dục HS thông qua các môn học, trong các tiết sinh hoạt. Ngoài ra, nhà trường còn thực hiện sổ liên lạc điện tử để gắn kết chặt chẽ với phụ huynh trong việc quản lý nề nếp của HS.
Tư vấn tâm lý giúp phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp đối với HS đang gặp khó khăn về tâm lý trong học tập và cuộc sống, để các em tìm được hướng giải quyết phù hợp, giảm thiểu tác động tiêu cực có thể xảy ra; góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện và phòng chống bạo lực học đường. Ông Lê Nhật Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT nhận xét, hiện nay các trường phổ thông tiếp tục duy trì tổ tư vấn học đường cho HS nhằm tư vấn các vấn đề về tâm lý tuổi mới lớn, giúp HS giải tỏa những ức chế, những vấn đề tâm lý cá nhân, uốn nắn kịp thời những suy nghĩ, hành vi sai trái; giúp các em hiểu rõ giá trị bản thân, mục đích sống, xác lập động cơ học tập đúng đắn để trở thành những công dân tốt.
A.SÁNG