Nỗ lực trùng tu, tôn tạo di tích

Thứ sáu, ngày 19/01/2018

Bình Dương hiện có 12 di tích (DT) xếp hạng cấp quốc gia, 44 DT xếp hạng cấp tỉnh. Đây là khối tài sản vô giá trong kho tàng DT lịch sử - văn hóa của tỉnh, phản ánh sâu sắc về cội nguồn, truyền thống đấu tranh dựng nước, giữ nước hào hùng của tỉnh. Để tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị những DT này, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp trùng tu, tôn tạo để các DT trường tồn mãi theo thời gian.

(BDO)

 Nhà cổ Trần Văn Hổ được trùng tu, tôn tạo phục vụ khách tham quan

Trùng tu cấp thiết

Theo Ban Quản lý DT - Danh thắng tỉnh, hầu hết các DT trên địa bàn tỉnh có lịch sử hình thành từ lâu đời, hiện đang chịu ảnh hưởng bởi hậu quả do chiến tranh để lại, thiên tai đã khiến nhiều DT bị hư hỏng nặng. Nhận thức được tầm quan trọng của các DT lịch sử - văn hóa trong công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, góp phần tuyên truyền, cổ vũ động viên, giáo dục lòng yêu nước, tự hào về truyền thống đấu tranh cách mạng của các dân tộc trên địa bàn, Bình Dương đã chủ động xây dựng Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa tỉnh giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn 2030”. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các DT.

Năm 2017, những cơn mưa nặng hạt đã làm cho nhà giam C của Nhà tù Phú Lợi dột, ẩm ướt. Qua khảo sát phát hiện, Ban Quản lý DT - Danh thắng tỉnh đã đề nghị tu bổ. Đến nay, việc tu bổ, chống dột nhà giam C đã hoàn thành và đưa vào phục vụ nhu cầu tham quan của du khách trong và ngoài tỉnh về cái nơi nổi danh là “Địa ngục trần gian”, nơi giam giữ các cán bộ, chiến sĩ cách mạng trong kháng chiến. Đối với nhà cổ Trần Văn Hổ, do việc di dời chợ Thủ Dầu Một, mở rộng đường Bạch Đằng đã ảnh hưởng nhiều đến công trình cổ này. Trước thực trạng đó, gia đình ông Trần Văn Hổ đã đề nghị được sửa chữa, làm lại hàng rào để lưu giữ công trình kiến trúc cổ này cho thế hệ mai sau. Công trình sửa chữa hàng rào nhà cổ Trần Văn Hổ được nhanh chóng thi công, thực hiện.

Bà Văn Thị Thùy Trang, Trưởng ban Quản lý DT - Danh thắng tỉnh cho biết, mỗi năm ban đều cử cán bộ đi khảo sát, kiểm tra các công trình DT lịch sử - văn hóa trong tỉnh để kịp thời phát hiện những nơi bị xuống cấp để tu bổ, tôn tạo. Kinh phí tu bổ mỗi năm từ 600 triệu đồng trở lên tùy vào mức độ xuống cấp của các công trình. Nhờ cơ chế hỗ trợ của tỉnh, hàng chục DT bị hư hỏng nặng đã được trùng tu lại khang trang, nhưng vẫn bảo đảm giữ nguyên diện mạo vốn có.

Không làm biến dạng DT

Theo bà Văn Thị Thùy Trang, quy trình thực hiện công tác trùng tu được tiến hành chặt chẽ, khoa học. “Sau khi nhận kinh phí hỗ trợ của tỉnh, các địa phương tiến hành lập và trình dự án cùng tất cả hồ sơ thiết kế lên Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch và Ban Quản lý DT - Danh thắng tỉnh. Nếu có chi tiết nào không phù hợp chúng tôi yêu cầu chỉnh sửa. UBND các huyện, thị, thành phố chỉ có thể ra quyết định phê duyệt dự án khi có văn bản thỏa thuận của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch để thống nhất phương pháp trùng tu, tôn tạo phù hợp nhất. Ngoài ra, Ban Quản lý DT - Danh thắng cũng cử đoàn xuống kiểm tra trong quá trình thực hiện và sau khi hoàn thành dự án. Do vậy, trong quá trình thực hiện chưa xảy ra trường hợp nào trùng tu làm biến dạng hay “méo mó” di tích”, bà Trang nói.

Tuy nhiên, trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn tỉnh cũng đang gặp phải không ít khó khăn, trở ngại. Bà Trang dẫn chứng, hiện nay, nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền cơ sở về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của di tích đối với đời sống còn hạn chế; hay tình trạng xâm hại các khu di tích vẫn còn xảy ra; trong khi ngân sách đầu tư cho công tác bảo tồn và phát triển chưa đáp ứng với nhu cầu thực tiễn... Thiết nghĩ, để bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh để giáo dục truyền thống cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên rất cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các ban, ngành và tổ chức xã hội trong việc xây dựng kế hoạch, xây dựng cơ sở vật chất, kinh phí cho hoạt động trùng tu, tôn tạo di tích; trong đó, cần thường xuyên phối hợp kiểm tra chống xâm hại, bảo vệ an toàn hiện vật tại các khu di tích.

 THIÊN LÝ