Nỗ lực thực hiện hiệu quả quy định phân loại rác sinh hoạt - Kỳ 2
(BDO) Kỳ 2: Chuyên nghiệp hóa hoạt động phân loại rác
Để việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đạt hiệu quả cao, ngày càng chuyên nghiệp, các địa phương trong tỉnh đang nỗ lực thực hiện quyết định ban hành kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2023- 2025; đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp như kết hợp công tác tuyên truyền và xử lý vi phạm; triển khai xuyên suốt từ khâu phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý; thực hiện theo lộ trình, linh hoạt, phù hợp với từng địa phương...
Xe chuyên dụng thu gom, vận chuyển rác đã phân loại tại TP.Dĩ An
Đẩy mạnh tuyên truyền
Ông Văn Quang Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo, cho biết thời gian qua huyện đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể huyện và các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn đến người dân trên địa bàn. Huyện phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ chất thải rắn đô thị được thu gom, xử lý đạt 99%; tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý đạt 100%; chất thải y tế được thu gom, xử lý đạt 100%...
Ông Lê Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP.Bến Cát, cho hay thành phố đã thành lập tổ tuyên truyền, hướng dẫn phân lại CTRSH tại nguồn. Thành phố cũng thường xuyên tổ chức tập huấn, triển khai hướng dẫn phân loại CTRSH tại nguồn và phổ biến các quy định pháp luật có liên quan (mức phạt tiền đối với hành vi không thực hiện phân loại, không bỏ rác đúng nơi quy định...) đến các xã, phường, khu phố, ấp. Ông Lê Văn Kha, người dân ở tổ 10, ấp An Thuận, xã Phú An, TP.Bến Cát, chia sẻ: “Trước đây, tôi thường bỏ tất cả các loại rác vào một thùng, nhưng hiện nay tôi đã chuyển sang phân loại rác hàng ngày. Thông qua các buổi tập huấn, được hướng dẫn trực tiếp tôi đã nắm rõ cách phân loại rác và thực hiện đúng theo quy định phân loại rác tại nguồn”.
Có thể thấy, thời gian qua các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền về phân loại CTRSH tại nguồn. Bên cạnh lồng ghép nội dung tuyên truyền thông qua chương trình liên tịch phối hợp hành động về bảo vệ môi trường giữa Phòng TN&MT với Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các huyện, thành phố trong tỉnh còn lồng ghép nội dung phân loại rác vào chương trình hoạt động ngoại khóa, hội thi của trường học các cấp; đồng thời tuyên truyền gián tiếp thông qua mạng xã hội; lồng ghép nội dung tuyên truyền với hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5-6), Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn...
Thực hiện đồng bộ, đúng quy định
Để nâng cao hiệu quả, đưa hoạt động phân loại rác sinh hoạt ngày càng chuyên nghiệp, huyện Phú Giáo đã đưa nội dung bố trí quỹ đất phục vụ công tác này vào quy hoạch sử dụng đất huyện đến năm 2030. Theo đó, đến hết năm 2024 địa phương bố trí 27 điểm tập kết CTRSH tại nguồn trên địa bàn các xã, thị trấn; khối lượng CTRSH được thu gom trung bình trên 44 tấn/ngày. Hiện nay, tần suất thu gom chất thải đối với khu vực thị trấn Phước Vĩnh, khu vực Trung tâm Hành chính huyện và các tuyến đường chính, nơi tập trung đông dân cư ngày/lần; các tuyến đường hẻm, nơi thưa dân cư từ 2-3 ngày/lần. Trong khi đó, tại TP.Bến Cát, địa phương bố trí quỹ đất để đầu tư trạm trung chuyển CTRSH tại phường An Điền và phường Tân Định. Việc thu gom CTRSH trên các tuyến đường chính, trung tâm thành phố được thực hiện theo giờ, qua đó nhằm tạo mỹ quan đô thị và hình thành thói quen xử lý rác thải của người dân đúng theo quy định của pháp luật.
Ông Trần Thanh Quang, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, cho biết UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố xây dựng, phê duyệt kế hoạch và tổ chức triển khai các hoạt động về phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn; chủ động phối hợp, hướng dẫn UBND cấp xã dự toán kinh phí hàng năm để thực hiện kế hoạch phân loại CTRSH trên địa bàn đạt hiệu quả.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố quy hoạch bố trí và đưa vào hoạt động các điểm tập kết, trạm trung chuyển CTRSH đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định, đồng thời phối hợp với các xã, phường, thị trấn và các đơn vị thu gom vận chuyển rác thải để xác định địa điểm, thời gian, tần suất, tuyến thu gom và lộ trình di chuyển của các phương tiện vận chuyển, bảo đảm công tác thu gom CTRSH sau phân loại được đồng bộ, hiệu quả, tiết kiệm và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. UBND tỉnh cũng yêu cầu thực hiện các thủ tục đấu thầu, đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ lựa chọn cơ sở thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Ông Trần Thanh Quang cho biết thêm, việc các huyện, thành phố bố trí trạm trung chuyển CTRSH là yêu cầu bắt buộc. Trường hợp địa phương không bố trí điểm tập kết CTRSH thì phải đánh giá được hiện trạng phát sinh, thu gom, cự ly vận chuyển CTRSH, trên cơ sở đó xác định tần suất, lộ trình thu gom và xây dựng quy trình thu gom, vận chuyển thống nhất trên địa bàn; đồng thời địa phương phải chịu trách nhiệm về phương án đề xuất và công tác đấu thầu, kiểm tra, giám sát CTRSH. Đối với Công ty Cổ phần - Tổng Công ty Nước - Môi trường Bình Dương, cần hoàn thiện quy trình kỹ thuật trong kiểm toán, giám sát việc thu gom, vận chuyển tiếp nhận xử lý/tái chế từng nhóm CTRSH sau khi phân loại để thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát và thanh toán kinh phí xử lý tái chế đúng quy định. Công ty cũng cần phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan triển khai hoạt động thu gom vận chuyển và xử lý CTRSH đạt hiệu quả...
TIẾN HẠNH