Nỗ lực thích ứng, thúc đẩy phát triển
(BDO) Mùa xuân 2022 về mang lại luồng sinh khí tươi mới, với động lực và tâm thế sẵn sàng, chủ động vượt qua thách thức, Bình Dương quyết tâm cao trong việc phát triển lên tầm cao mới. Bình Dương tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp (DN) ổn định và tăng tốc sản xuất, nỗ lực thích ứng và chinh phục thị trường mới.
Bình Dương đẩy mạnh phát triển lĩnh vực logistics, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Trong ảnh: Xuất hàng qua cảng An Sơn
Nắm bắt cơ hội
Theo ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, sau khi trở về trạng thái “bình thường mới”, Bình Dương tiếp tục hướng tới các cơ hội, tiến lên các nấc thang giá trị gia tăng cao. Tầm nhìn xây dựng chiến lược “thành phố thông minh” và “vùng đổi mới sáng tạo” là bước đi đúng đắn để đưa Bình Dương tiếp tục tiến lên phía trước. Bình Dương lựa chọn mô hình tăng trưởng và phát triển kinh tế gắn với chuyển đổi số, ưu tiên thu hút đầu tư áp dụng công nghệ cao, tăng hàm lượng chất xám để tạo ra giá trị kinh tế, đáp ứng nhu cầu phát triển.
Định hướng và kỳ vọng vừa nêu hoàn toàn có cơ sở khi hiện nay, Bình Dương là địa phương có chất lượng quản trị tốt so với cả nước, hầu hết các chỉ số đều có xếp hạng trong nhóm cao hoặc trung bình cao. Trong đó, nổi bật là chỉ số về năng lực cạnh tranh (PCI) và cải cách hành chính (PAR) nằm trong nhóm cao nhất cả nước nhiều năm liền. Bình Dương cũng cho thấy khả năng thích ứng và nắm bắt rất tốt các xu thế mới, thể hiện qua việc đạt kết quả cao trong nhóm chỉ số về ứng dụng công nghệ thông tin (ICT) và công khai ngân sách (POBI). Chất lượng quản trị công cao trong một thập niên qua đã giúp Bình Dương trở thành địa phương công nghiệp với kết quả phát triển kinh tế bậc nhất cả nước.
Định hướng cụ thể về phát triển kinh tế - xã hội gắn với mục tiêu của tỉnh, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng năm 2022, dự báo tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, những cơ hội và thuận lợi đan xen với những khó khăn, thách thức. Trên cơ sở phân tích cơ hội và thách thức, tỉnh đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của năm 2022 dự kiến tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng từ 8 - 8,3% so với năm 2021 là chỉ tiêu vừa sức. Để thực hiện được các mục tiêu đề ra, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chủ động triển khai các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19; phục hồi, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tỉnh sẽ ưu tiên kiểm soát dịch bệnh gắn với việc từng bước khôi phục, thúc đẩy, phát triển các hoạt động vận hành chuỗi cung ứng trong sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh thực hiện các giải pháp hỗ trợ DN, nhất là kịp thời triển khai các chính sách hỗ trợ về vốn, cung ứng lao động cho DN, nhằm tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Tầm nhìn dài hạn
Ông Võ Văn Minh cho biết hiện tỉnh tập trung đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm phù hợp với định hướng, tầm nhìn dài hạn, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia trên địa bàn, các công trình trọng điểm của tỉnh… nhằm tạo điều kiện để tăng sự kết nối, tạo thuận lợi nhất cho DN.
Với tầm nhìn dài hạn, để nâng tầm năng lực logistics của tỉnh, ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, cho biết trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và quá trình dịch chuyển, tái cơ cấu các chuỗi cung ứng quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ, Bình Dương xác định logistics là ngành kinh tế tiềm năng, có vai trò quan trọng, mang tính nền tảng trong nền kinh tế và đang đứng trước những cơ hội lớn để bứt phá vươn lên, nhất là sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát và các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại quốc tế phục hồi, tăng trưởng trở lại. Bên cạnh đó, dòng chảy thương mại cao cũng sẽ làm tăng nhu cầu và giúp dịch vụ logistics cạnh tranh tích cực hơn. Trong đó, các FTA thế hệ mới với mức độ cam kết cao của các bên tham gia như EVFTA, CPTPP, RCEP hứa hẹn tác động tích cực đến tăng trưởng của ngành logistics Bình Dương, giúp DN thâm nhập vào các thị trường xuất khẩu lớn hơn.
“Tỉnh tập trung phát triển nguồn nhân lực logistics, nhất là nhân lực chất lượng cao, chuyên nghiệp theo các chuẩn mực quốc gia, khu vực và thế giới, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hội nhập kinh tế quốc tế. Trong các cuộc hội thảo, xúc tiến thương mại với các quốc gia, tập đoàn lớn gần đây, Bình Dương mong muốn hợp tác phát triển nguồn nhân lực ngành logistics, yếu tố quyết định để giúp DN logistics địa phương nhanh chóng bắt kịp với các nước, nâng cao tính cạnh tranh, mở rộng thị trường ở cả trong nước, khu vực và quốc tế. Tất cả là để đáp ứng nhu cầu của phát triển sản xuất trong tình hình mới. Tỉnh khuyến khích thu hút, phát triển mạnh dịch vụ logistics cấp độ 4PL (chuỗi logistics, dịch vụ logistics được cung cấp đầy đủ tạo thành một “chuỗi”), phấn đấu đến năm 2025, một số trung tâm lớn sẽ đạt cấp độ trên mức 5PL (E-logistics - Logistics trên nền thương mại điện tử)”, ông Nguyễn Thanh Toàn khẳng định.
”Với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, chính quyền tỉnh cam kết sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Lãnh đạo tỉnh sẽ lắng nghe, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, kịp thời điều chỉnh chính sách phù hợp với lợi ích phát triển của địa phương và lợi ích chính đáng của cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, với định hướng xây dựng Thành phố thông minh, Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương trong thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng Khu công nghiệp Khoa học công nghệ và Trung tâm Thương mại thế giới Thành phố mới Bình Dương, xây dựng hạ tầng giao thông kết nối vùng, hệ thống logistics, thu hút và đào tạo nguồn lao động chất lượng cao cùng các chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh”. (Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh) |
TIỂU MY