Nỗ lực tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản
(BDO) Công tác thả cá giống được ngành nông nghiệp Bình Dương tổ chức hàng năm trên các sông, hồ lớn với nhiều loại cá có giá trị kinh tế, giá trị bảo tồn cao nhằm bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Thả hơn một triệu con cá giống ra tự nhiên
Trong 2 ngày 7 và 8-9 vừa qua, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh tổ chức thả cá giống nhằm tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản tại hồ Cần Nôm, xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng và hồ Phước Hòa, xã An Thái, huyện Phú Giáo. Đây là hoạt động hàng năm được Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản xây dựng kế hoạch thực hiện thuộc Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2022, chi cục tiến hành thực hiện công tác thả cá giống vào môi trường tự nhiên 2 đợt. Số lượng thả khoảng 700-800kg cá giống, tương đương 1,2 triệu con, gồm các loại trắm, trôi, mè, chép, diêu hồng, rô phi…
Thả cá giống nhằm tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản được ngành nông nghiệp Bình Dương tổ chức hàng năm trên các sông, hồ với nhiều loại cá có giá trị kinh tế, giá trị bảo tồn cao
Trước khi thả cá, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh cũng đã có buổi làm việc với UBND xã Thanh An và UBND xã An Thái về địa điểm dự kiến thả cá giống và thống nhất loài cá sẽ thả cũng như các giải pháp bảo đảm sự an toàn và phát triển của đàn cá sau khi thả. Trên cơ sở thống nhất, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh đã xây dựng kế hoạch kinh phí thực hiện, UBND xã hỗ trợ lực lượng, phương tiện, dụng cụ thả cá giống và bảo vệ đàn cá sau khi thả.
Ông Đặng Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh An, cho biết việc thả cá giống trên hồ Cần Nôm đã mang lại hiệu quả. Đây là nguồn thu nhập chính cho 100 hộ đánh cá trên lòng hồ, đồng thời cũng đã tái tạo, tăng thêm nguồn lợi thủy sản. “Để bảo đảm an toàn cho việc tái tạo và phát triển nguồn thủy sản, xã thành lập đội đánh bắt cá trên lòng hồ; xây dựng các quy chế quy định trong đánh bắt cá, nhằm duy trì và phát triển đàn cá giống. Đồng thời tuyên truyền, kêu gọi người dân không sử dụng lưới có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định, xung điện, hóa chất độc hại để đánh bắt thủy sản, góp phần bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, đa dạng sản phẩm thủy sản, phát triển nghề khai thác thủy sản hiệu quả và bền vững”, ông Hải cho biết thêm.
Bà Huỳnh Thị Kim Châu, Phó phòng Quản lý Chăn nuôi và Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết đợt thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản được tổ chức với mục đích phục hồi, tái nguồn lợi thủy sản, kết hợp thả các loài cá kinh tế nhằm tăng năng suất và sản lượng khai thác, góp phần ổn định sinh kế, cải thiện đời sống cộng đồng dân cư. Đây cũng là hoạt động trọng tâm của ngành nông nghiệp nhằm tuyên truyền cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi, bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản.
Lồng ghép tuyên truyền
Bà Huỳnh Thị Kim Châu cho biết thêm, ngành thủy sản đóng vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế, không chỉ giúp cung cấp thực phẩm, tạo nguồn dinh dưỡng, mà còn giúp tạo ra việc làm cho người lao động, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp nông thôn. Tuy nhiên, vì nguồn lợi thủy sản có hạn và các hoạt động thủy sản có nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường nên cần tăng cường tuyên truyền để người dân biết và thực hiện.
Hiện diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh là 323ha với sản lượng chỉ 1.621 tấn, công tác phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản luôn được quan tâm. Hàng năm, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh đều tổ chức lấy mẫu giám sát chủ động tại các cơ sở kinh doanh thủy sản giống và thương phẩm nhằm chủ động phát hiện sớm, khống chế và không để lây lan các dịch bệnh nguy hiểm; lấy mẫu nước tại các ao nuôi, nguồn nước cấp nhằm quan trắc môi trường vùng nuôi trồng thủy sản phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo sản xuất. Đồng thời, hướng dẫn người dân xử lý, phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại do môi trường gây ra, hướng đến phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, hiệu quả.
Dự kiến tháng 10-2022, chi cục sẽ tổ chức 4 lớp tuyên truyền về Luật Thủy sản, công tác phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản nuôi với đối tượng chính là chủ các hộ nuôi trồng thủy sản nhằm góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật cho người nuôi. Để Luật Thủy sản đi vào cuộc sống, bên cạnh sự nỗ lực của ngành nông nghiệp, cần sự vào cuộc của hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, phổ biến nội dung, ý nghĩa của luật để qua đó nâng cao ý thức người dân trong chấp hành pháp luật về thủy sản.
Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh đã thỏa thuận ký kết bản ghi nhớ hợp tác với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương trong lĩnh vực phóng sinh, tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản với mục tiêu nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các tăng ni, phật tử và người dân về thực hiện các quy định của pháp luật về công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản thông qua hoạt động phóng sinh, tái tạo góp phần vào việc bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học. Song song đó, hai bên phối hợp xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản tại các thủy vực tự nhiên; tổ chức tuyên truyền, phổ biến trên báo đài, tạp chí, website, tờ tin của Giáo hội Phật giáo, đưa nội dung bảo vệ nguồn lợi thủy sản vào các bài giảng cho tăng ni, phật tử trong tỉnh; vận động phật tử, người dân ký cam kết không buôn bán, nuôi nhốt các loài thủy sản quý hiếm và sử dụng các sản phẩm từ các loài thủy sản quý hiếm. |
THOẠI PHƯƠNG