Nỗ lực quây bắt Rùa hồ Gươm
13h chiều nay, sau vài giờ bị quây, Rùa hồ Gươm lao ra khỏi cả hai lớp lưới dùng để "thỉnh" cụ lên cạn chữa bệnh. Hàng nghìn người dân đứng xem ồ lên nuối tiếc. Đội cứu hộ Rùa tạm ngừng công việc.
Người ta có thể nhìn thấy cụ Rùa ngoi lên bên ngoài phạm vi tấm lưới lớn ở vòng ngoài. Trước đó, cụ đã vượt qua lớp lưới quây màu xanh ở vòng trong trong khi đội dẫn dắt cụ vẫn dầm mình trong nước giữ lưới ở mạn phố Lê Thái Tổ, phía tây hồ.
Chứng kiến sự việc này, một tình nguyện viên kéo lưới tên Lê Quốc Dũng bình luận: "Cụ Rùa còn rất khỏe!" Ông Dũng kể thêm rằng cụ đã chui qua tấm lưới thứ nhất, lao ra làm rách lớp lưới thứ hai và bơi về phía phố Hàng Khay, phía nam hồ Gươm.
Cụ Rùa nhấp nhô trong lưới.
Sau khi Rùa sổng ra, đội nhân viên cứu hộ Rùa và các tình nguyện viên đã lên bờ, thu lưới. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Lê Xuân Rao cho biết, chiều nay, Ban chỉ đạo cứu Rùa của thành phố sẽ có thông báo chính thức về các diễn biến và kết quả hoạt động trong ngày.
Theo ông Rao, việc thả lưới bắt Rùa được tiến hành sớm hơn kế hoạch là do công tác chuẩn bị xong sớm và điều kiện thời tiết cho phép.
Người dân trên bờ đầy vẻ tiếc nuối, một số người chạy theo hướng cụ Rùa đi để chờ xem cụ lại nổi lên mặt nước.
Anh Hoàng Luân, 23 tuổi ở Từ Liêm, Hà Nội, đến bờ hồ Gươm từ 8h sáng để xem việc mời Rùa lên cạn. Luân bình luận rằng đội cứu hộ Rùa sử dụng dụng cụ "trông thô sơ", và lo ngại cho sức khỏe của Rùa "vì cụ đã bị kinh động".
Ông Trần Văn Thành, 60 tuổi, ở phố Trần Xuân Soạn, cũng đến xem Rùa từ sáng sớm. "Tôi thấy dường như dưới hồ còn nhiều chướng ngại vật nên việc kéo lưới rất khó khăn", ông Thành nhận xét. "Tôi nghĩ, từ nay cho đến khi bắt được cụ Rùa, phải làm sao đảm bảo cụ không đói. Tôi đã xem video cụ ăn cá chết, điều đó chứng tỏ cụ không còn khả năng tự kiếm ăn nữa".
Tiến trình 'thỉnh' Rùa
Từ 5h30 sáng nay, các nhân viên cứu hộ Rùa đã thả lưới trên diện rộng ở hồ Gươm, sau đó th hẹp dần diện tích mặt nước, dồn Rùa về hướng tây của hồ. Trong gần hai giờ đồng hồ, đội quân kéo lưới khoảng ba chục người đứng dưới hồ ráng sức, tay kéo miệng hò dô, kéo lưới dồn cụ Rùa vào bên trong khoảng lưới rộng chừng 20 mét.
Trên bờ, hàng nghìn người dân đứng xem, mỗi khi thấy Rùa nhô đầu lên là hò reo "Cụ Rùa kìa!". Dưới nước, đội nhân công gồm hơn chục người trong trang phục bảo hộ màu xanh lá, dầm mình trong nước lạnh, dùng một lưới nhỏ hơn quây cụ Rùa. Lưới nhỏ này được giăng bên trong chiếc lưới lớn đã dùng từ sáng.
Trên bờ, nhiều người dân bất chấp hàng rào của cảnh sát, vẫn cố tiến vào gần mép bờ hồ hơn để quan sát cho rõ. Các phóng viên cũng được tập trung tại một chỗ, tất bật quay phim chụp ảnh cụ Rùa. Người dân hò dô kéo hợp sức cùng thu hẹp lưới để dồn cụ lại một chỗ. Rùa trồi lên ngụp xuống trong phạm vi lưới. Mỗi khi Rùa nhô đầu lên, hàng nghìn người dân cùng reo lên.
Lực lượng an ninh trật tự lập một hành lang an toàn, đưa toàn bộ dân chúng, đang háo hức xem bắt cụ Rùa, lùi ra xa mép bờ hồ. Đường phố xung quanh hiện trường chật cứng người và xe cộ.
Hai thợ lặn đã được điều xuống hồ để tìm cách xác định vị trí của cụ Rùa, đồng thời lưới được thả xuống. Đại diện các cơ quan chức năng cùng các nhà khoa học đang có mặt trên bốn chiếc thuyền chèo trên hồ Gươm để giám sát việc dùng lưới bắt cụ Rùa.
Quyết định dùng lưới đưa cụ Rùa lên cạn được đưa ra trong cuộc họp chiều qua của chính quyền thành phố. Lúc đầu có hai phương án đưa Rùa lên: hoặc chờ cụ bò lên bãi cát quanh gò Rùa; hoặc dùng lưới mềm để bắt.
Với những vết thương lớn được nhìn thấy rõ trên thân mình, cuối cùng cụ Rùa đã được quyết định đưa lên bằng cách dùng lưới. Sau hai ngày hoãn vì điều kiện thời tiết giá lạnh, hôm nay nỗ lực bắt Rùa tiếp tục.
Tâm điểm chú ý
Từ sáng nay, cụ Rùa nổi lên liên tục trước sự chứng kiến đầy hồi hộp của người dân. Quanh hồ Gươm, xe cộ của những người đi quan sát Rùa chật kín đường, một số người còn leo lên cây để xem cho rõ, khiến cảnh sát giao thông và khu vực phải làm việc tích cực để đảm bảo trật tự.
Bà Lê Thúy Nga, nhà ở phố Lò Sũ, cho biết bà rất vui khi thấy thành phố quan tâm đến sức khỏe của "cụ Rùa' "Nhưng việc kéo cụ lên không đơn giản", bà Nga nói. "Mà đáng lẽ phải chữa cho cụ từ lâu rồi. Tôi ở gần đây, ngày ngày thấy cụ ngoi lên ngụp xuống trông rất thương".
Rùa hồ Gươm là loại rùa mai mềm, kích thước rất lớn. Hiện chưa rõ giới tính cũng như tuổi thọ của Rùa này. Một số ý kiến chưa được kiểm chứng cho rằng sinh vật này có tuổi khoảng 200 năm.
Rùa trở thành tâm điểm sự chú ý của công chúng, đặc biệt tại Hà Nội, trong thời gian gần đây, khi "cụ" xuất hiện liên tục trên báo chí với các vết thương ở cổ, chân và vết có vẻ là nấm mốc dài trên lưng. Rùa hồ Gươm được cho là một trong bốn cá thể ít ỏi còn lại trên thế giới thuộc loài này, có tên khoa học là rùa Hoàn Kiếm (Rafetus swinhoei). Nhiều người lo ngại rằng sức khỏe của Rùa đang xấu đi nghiêm trọng và cần được chữa trị.
Theo kế hoạch của thành phố Hà Nội, sau khi đưa Rùa lên cạn, các bác sĩ thú y và giới bảo tồn sẽ điều trị các vết thương, sau đó theo dõi điều dưỡng tiếp tục trong khoảng từ hai tháng đến hai năm.
Rùa hồ Gươm gắn liền với truyền thuyết vua Lê Lợi, được sự trợ giúp của thần, sau khi đánh thắng giặc Minh đã trả gươm cho thần Kim Quy tại hồ này, thể hiện khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam.
Số phận của Rùa hồ Gươm cũng được truyền thông quốc tế quan tâm. Mấy ngày qua, sau khi AP viết một phóng sự về công tác cứu Rùa, nhiều hãng tin và báo khác như BBC, trang MNSBC, CBS... cũng đưa tin về sinh vật nổi tiếng giữa lòng Hà Nội và đang có nguy cơ tuyệt chủng này.
Theo VNE