Nỗ lực phòng chống dịch gia súc, gia cầm
Hiện nay tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm (GS, GC) tại nhiều địa phương trong cả nước đang diễn biến hết sức phức tạp. Tại Bình Dương (BD) công tác phòng, chống dịch bệnh trên GS, GC đang được triển khai tích cực vì những áp lực bệnh đe dọa từ các địa bàn giáp ranh như Long An, Tây Ninh.
Khuyến cáo cơ bản của Chi cục Thú y BD:
“Không mua GS không rõ nguồn gốc; tập trung thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường chăn nuôi; hạn chế vấn đề ra vào trong khu vực chăn nuôi, nhất là với những người lạ; cần phối hợp với cơ quan thú y trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh như dự các buổi hội thảo, tập huấn do cơ quan thú y tổ chức”.
Tăng cường phòng chống dịch gia cầm
Với những thiệt hại nặng nề do bệnh cúm trên GC gây ra trong những năm trước đây, người nuôi GC trên địa bàn tỉnh đang hết sức lo lắng với những diễn biến của loại dịch bệnh này. Hiện nay công tác phòng, chống dịch GC đang được tiến hành khẩn trương nhằm thực hiện công tác phòng ngừa tốt nhất với các loại bệnh cũng như hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại có thể xảy ra. Theo kế hoạch tiêm phòng của tỉnh, giữa tháng 9 vừa qua, Chi cục Thú y BD đã tiến hành triển khai công tác tiêm phòng bệnh cúm trên đàn GC trong toàn tỉnh. Đã có 1,5 triệu liều vắc-xin được cấp phát cho Trạm Thú y các huyện, thị để tiến hành tiêm tại các địa phương. Trong đó, có khoảng 800 liều được thực hiện tiêm cho GC tại các trại chăn nuôi lớn và khoảng 700 liều còn lại thực hiện tiêm trên các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Tuy nhiên, hiện nay công tác này đang gặp phải một số khó khăn khách quan nhất định do điều kiện thời tiết không thuận lợi. Mưa nhiều trong thời gian gần đây đã làm chậm tiến độ tiêm phòng. Theo báo cáo của các Trạm Thú y huyện, thị, hiện nay các địa phương mới chỉ thực hiện tiêm được hơn 50% kế hoạch. Mặt khác, do nhiều người nuôi GC tại BD đã bắt đầu tỏ ra lơ là trong công tác phòng, chống bệnh trong một thời gian dài khi không xảy ra dịch bệnh. Điều này đã hạn chế rất nhiều đến sự hợp tác giữa người chăn nuôi GC với cơ quan thú y trong việc thực hiện chặt chẽ các biện pháp phòng, chống bệnh. Bên cạnh đó, lực lượng cán bộ thú y tại các địa bàn còn mỏng cũng là những hạn chế cơ bản ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện trong giai đoạn hiện nay. Người chăn nuôi cần thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong giai đoạn hiện nay
Cảnh giác với dịch heo tai xanh
Đợt dịch heo tai xanh do vi rút PRRS gây ra trong năm 2010 làm thiệt hại nặng nề cho những người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh và BD cũng tốn khoản chi phí không nhỏ cho công tác phòng chống, dập dịch và hỗ trợ cho người chăn nuôi GS trên địa bàn tỉnh. Với những “dấu ấn” khó quên để lại trong thời gian qua, bệnh heo tai xanh đang được nhiều người chăn nuôi hết sức cảnh giác đề phòng. Theo báo cáo của Cục Thú y Trung ương, hiện nay trên cả nước vẫn còn 5 tỉnh có ổ dịch heo tai xanh chưa qua 21 ngày. Áp lực gây ra cho đàn GC ở BD là hiện nay một số địa phương giáp ranh như Tây Ninh, Long An cũng đang có dịch heo tai xanh xảy ra. 2 tỉnh này có nhiều ngả đường thông thương với BD, do vậy áp lực bệnh heo tai xanh trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng theo diễn biến dịch bệnh tại các địa phương này. Trong giai đoạn từ giữa năm 2011 đến nay, đã có nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh có heo chết. Trường hợp gần nhất xảy ra vào ngày 26-9 tại đàn heo của ông Nguyễn Văn Hội tại xã Hưng Định, TX.Thuận An. Đàn heo này biểu hiện xù lông, có triệu chứng thần kinh, co giật và sau đó chết từ từ. Tổng số heo chết tại hộ ông Hội là 29 con (28 heo con, 1 heo nái). Chi cục Thú y đã tiến hành lấy mẫu huyết thanh đem xét nghiệm và kết quả có 1/3 mẫu dương tính với vi rút heo tai xanh. Chi cục Thú y BD và Ban chỉ đạo phòng, chống dịch GS, GC TX.Thuận An thống nhất xử lý tiêu hủy toàn bộ đàn heo nhiễm vi rút PRRS còn lại để tránh lây lan trên diện rộng; tiêu độc ổ dịch, tổ chức cấp phát hóa chất cho các hộ chăn nuôi GS tự tiêu độc chuồng trại và các khu vực có nguy cơ cao trên địa bàn TX.Thuận An. Tuy nhiên, ông Hội cũng đã kịp bán heo nái nhiễm bệnh cho thương lái ở phường Lái Thiêu mà không báo cho cơ quan thú y. Điều này cho thấy hiện nay vẫn còn một số hộ dân chưa có ý thức cao trong việc phòng chống căn bệnh nguy hiểm này. Theo đánh giá của cơ quan thú y, nhìn chung đa số người chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh đã có ý thức hơn trong việc thực hiện các biện pháp tổng hợp trong chăn nuôi GS để có thể phòng chống tốt nhất dịch heo tai xanh. Anh Nguyễn Văn Vinh ngụ tại ấp Khánh Lộc, xã Khánh Bình, huyện Tân Uyên cho biết, trong 2 ngày mùng 3 và 4-10 vừa qua đàn heo nhà tôi cũng đã có 3 con tự nhiên bỏ ăn và chết. Tôi đã nhanh chóng báo cáo với thú y huyện tiến hành xử lý tiêu hủy, nhờ vậy số heo còn lại vẫn khỏe mạnh. Tôi cũng hay xem báo, đài để theo dõi tình hình dịch bệnh vì vậy biết cách vệ sinh tiêu độc chuồng trại cũng như tăng cường sức đề kháng cho đàn heo gia đình vào các thời điểm cần thiết.
Ông Tạ Trọng Khang, Chi cục phó Chi cục Thú y BD cho biết, trước áp lực của bệnh heo tai xanh từ các địa bàn giáp ranh, Chi cục Thú y tỉnh, Ban chỉ đạo phòng, chống bệnh GS, GC tỉnh đã tổ chức thực hiện các biện pháp cụ thể như: cử cán bộ, lãnh đạo chi cục thú y và các huyện, thị tiến hành khảo sát lại tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh; với những địa phương có heo bị bệnh trước đây thì nay tập trung tiêm phòng lại; tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển heo; củng cố lại công tác kiểm soát giết mổ; tiếp tục tuyên truyền mạnh đến cho người chăn nuôi nhỏ lẻ để tăng cường ý thức phòng chống dịch bệnh và hợp tác chặt chẽ với cơ quan thú y.
CAO SƠN