Nỗ lực phòng chống dịch, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội

Thứ tư, ngày 25/03/2020

(BDO)

Để ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của các cấp, các ngành. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty Cổ phần chế biến gỗ Lâm Việt, TX. Tân Uyên. Ảnh: XUÂN THI

Duy trì tốc độ tăng trưởng

Sáng 24-3, ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 3, nhằm đánh giá tình hình KT-XH, quốc phòng - an ninh quý I và triển khai phương hướng, nhiệm vụ quý II-2020; báo cáo tình hình đầu tư công quý I và phương hướng, nhiệm vụ quý II-2020; đồng thời thông qua kế hoạch hành động tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, trong quý I-2020, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 6,14% so với cùng kỳ năm 2019 (quý I-2019 tăng 7,16%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ quý I ước đạt 62.146 tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý I tăng 5,14% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất, nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng nhưng thấp hơn so với mức tăng cùng kỳ. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 5,8 tỷ đô la Mỹ, tăng 3,6%, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 4,2 tỷ đô la Mỹ, tăng 4,3%.

Trong quý I, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước thực hiện 20.916 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ; tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 là 665 tỷ đồng, đạt 5% kế hoạch. Đến 15-3, tỉnh đã thu hút 9.526 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, có 1.159 doanh nghiệp (DN) mới đi vào hoạt động (tăng 153 DN), lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 43.757 DN trong nước với tổng vốn đăng ký 374.183 tỷ đồng. Thu hút đầu tư nước ngoài 293,5 triệu đô la Mỹ (bằng 54% cùng kỳ), lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 3.816 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 34,6 tỷ đô la Mỹ. Thu ngân sách ước thực hiện 17.140 tỷ đồng, đạt 28% dự toán HĐND tỉnh, tăng 15% so với cùng kỳ. An sinh xã hội bảo đảm, các lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo tiếp tục được quan tâm. ..

Dịch bệnh Covid-19 xuất hiện đầu năm 2020 khiến cho KT-XH của tỉnh đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, thu ngân sách của tỉnh đạt 28% với dự toán, tuy nhiên loại trừ một số khoản thu tăng đột biến thì các khoản thu, nhất là thu từ khu vực DN đều thấp hơn so với cùng kỳ. Vướng mắc trong đầu tư công được tập trung chỉ đạo tháo gỡ, tuy nhiên một số công trình, dự án còn chậm tiến độ, kéo dài. Vốn đăng ký kinh doanh trong nước, đầu tư nước ngoài giảm cùng kỳ năm 2019, số DN gặp khó khăn phải giải thể tăng 63%... Một số lĩnh vực gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh như thương mại nội địa, xuất nhập khẩu, hoạt động du lịch. Một số DN gặp khó khăn do phụ thuộc vào chuyên gia nước ngoài, nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, kéo theo hoạt động sản xuất, kinh doanh cầm chừng, một số DN, nhất là DN nhỏ và vừa phải tạm dừng hoặc thu hẹp hoạt động, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển KT-XH của địa phương.

Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn trước tình hình dịch bệnh Covid-19, song với sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của tỉnh, nỗ lực của cộng đồng DN và người dân, Bình Dương đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh và triển khai song hành các giải pháp tăng trưởng kinh tế.

Triển khai giải pháp tháo gỡ khó khăn

Xác định nhiệm vụ trong quý II-2020 rất quan trọng, tạo nền tảng hoàn thành các chỉ tiêu KT-XH năm 2020. Do vậy, tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch đề ra của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia, Ban chỉ đạo tỉnh phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, tỉnh tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép” là vừa phòng chống dịch, vừa phát triển KT-XH; thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cho các đối tượng, DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội; đẩy nhanh quá trình cơ cấu, sắp xếp, tổ chức lại và phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh, bù đắp, giảm thiểu các thiệt hại do dịch bệnh Covid-19 gây ra, hướng tới xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát triển bền vững hơn, có sức đề kháng và khả năng thích ứng với các biến động từ bên ngoài và bên trong. Đồng thời, tỉnh chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để đón bắt thời cơ, thu hút đầu tư và các nguồn lực bên ngoài từ nhiều quốc gia, khu vực phục vụ phát triển địa phương và đất nước. Trong đó, tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như: Tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử; rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho DN; tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất, nhập khẩu; khẩn trương phục hồi và phát triển ngành du lịch; đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh; tập trung xử lý vướng mắc về lao động; đẩy mạnh thông tin truyền thông...

Tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung phản ánh những khó khăn của ngành và địa phương trong thực hiện nhiệm vụ được giao do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19; đồng thời đề xuất, kiến nghị các giải pháp bổ sung nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương đối với các DN bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19; tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho một số lĩnh vực, ngành hàng bị ảnh hưởng nhiều do dịch bệnh Covid-19 (dệt may, da giày, điện tử, sắt thép…), thúc đẩy phát triển mạnh các ngành, lĩnh vực ít bị chi phối, tác động bởi dịch bệnh Covid-19; tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch gắn với bảo đảm an sinh xã hội, tích cực tuyên truyền, động viên các DN khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh.

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, ông Trần Thanh Liêm khẳng định việc triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh là việc làm cấp bách trong giai đoạn hiện nay của tỉnh bởi tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp. Ông Trần Thanh Liêm yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung quán triệt, khẩn trương có chương trình, kế hoạch hành động cụ thể và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý triển khai thực hiện ngay các nhiệm vụ nêu tại kế hoạch trên. 

Ông Trần Thanh Liêm gợi ý các nhóm giải pháp cần phải triển khai thực hiện trong thời gian tới, đó là: Tập trung cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nhằm giảm tối đa ảnh hưởng của dịch đối với đời sống và sức khỏe của nhân dân; triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các DN; tháo gỡ khó khăn cho các DN bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh; thúc đẩy sản xuất đối với các ngành ít chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh; tập trung tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm của tỉnh, khẩn trương giải ngân cho các dự án có đủ điều kiện; triển khai có hiệu quả nhóm các giải pháp về tài chính, tín dụng ngân hàng và thuế. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho DN duy trì và phát triển sản xuất, duy trì công tác lao động, việc làm và bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm ổn định thị trường cung, cầu hàng hóa, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các DN trong công tác phòng, chống dịch.

NGỌC THANH