Nỗ lực ngăn chặn thông tin xấu, độc trên không gian mạng
(BDO) Ngày nay, internet, mạng xã hội (MXH) đã trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống con người. Bên cạnh tính tích cực, lành mạnh, một bộ phận đã lợi dụng MXH sử dụng cho mục đích lệch lạc, gây hoang mang dư luận. Trước tình hình đó, UBND tỉnh cùng Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã chú trọng công tác quản lý thông tin trên mạng internet để kịp thời có biện pháp xử lý.
Đoàn công tác Ủy ban Văn hóa, Giáo dục - Quốc hội và cơ quan chức năng tỉnh kiểm tra hoạt động của các địa điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một
Đẩy mạnh kiểm tra, xử lý
Hiện nay, thông tin trên môi trường mạng có thể chia làm 2 luồng chính. Luồng thứ nhất gồm báo điện tử, các MXH, trang thông tin điện tử trong nước được cấp phép theo luật và các quy định khác của pháp luật Việt Nam. Luồng thứ hai là thông tin được chia sẻ, đăng tải trên các dịch vụ của nước ngoài được cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam như Facebook, Youtube, Twitter, TikTok… và các trang thông tin điện tử có máy chủ ở nước ngoài, có tên miền quốc tế.
Những năm gần đây, MXH đã phát triển mạnh mẽ, thu hút đông đảo người dùng internet trong nước sử dụng. Sự phát triển của MXH đã có những tác động cả tiêu cực và tích cực đối với đời sống xã hội. Thực tế trên địa bàn tỉnh những năm gần đây cho thấy, bên cạnh các mặt tích cực, MXH đã bộc lộ nhiều mặt trái đáng lo ngại. Tình trạng tổ chức, cá nhân lợi dụng để nói xấu, công kích, bôi nhọ tổ chức, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân; thông tin sai sự thật… đã ảnh hưởng tiêu cực, gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Do đó, công tác quản lý thông tin trên internet, MXH và các loại hình truyền thông đã, đang được tỉnh quan tâm thực hiện.
HIỆN TẠI, TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÓ 27 TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP; HƠN 4 TRIỆU SỐ THUÊ BAO ĐIỆN THOẠI DI ĐỘNG; GẦN 3 TRIỆU SỐ THUÊ BAO INTERNET BĂNG RỘNG DI ĐỘNG; 1.140 ĐIỂM CUNG CẤP DỊCH VỤ TRÒ CHƠI ĐIỆN TỬ CÔNG CỘNG ĐƯỢC CẤP PHÉP HOẠT ĐỘNG… |
Thời gian qua, các ngành chức năng của tỉnh đã, đang quyết liệt triển khai các biện pháp nghiệp vụ để rà soát, thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vi phạm trong lĩnh vực quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử, MXH và các dịch vụ nội dung thông tin truyền thông khác trên mạng internet. Ở cấp tỉnh và cấp huyện đều có thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để tổ chức kiểm tra và xử lý các vi phạm.
Cụ thể, từ năm 2014-2021, tỉnh đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 417 điểm truy nhập internet công cộng và điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng, xử lý vi phạm hành chính 136 trường hợp với số tiền 407 triệu đồng; kiểm tra 66 trang thông tin điện tử, xử lý vi phạm hành chính 23 trường hợp với số tiền 182 triệu đồng; thường xuyên rà soát và đã phát hiện hàng trăm tài khoản MXH như Facebook, Youtube… đăng tải, chia sẻ, bình luận các bài viết có nội dung sai sự thật, tin giả. Đặc biệt, thời gian qua các cơ quan chức năng phát hiện nhiều tài khoản đăng tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch Covid-19. Cụ thể, các đơn vị đã kiểm tra trên 350 tài khoản MXH, tiến hành xử lý vi phạm hành chính 65 trường hợp với tổng số tiền phạt là 415 triệu đồng.
Ngoài ra, các ngành chức năng tỉnh phối hợp với Ban Chỉ đạo 35 tỉnh đấu tranh, phản bác 360 tài khoản MXH, tháo gỡ thành công 32 tài khoản và hơn 319.000 lượt tin, bài có nội dung xấu, độc trên MXH; gọi hỏi, răn đe 255 đối tượng có hành vi đăng tin, bài có nội dung xấu, độc, không đúng sự thật về công tác phòng, chống dịch bệnh; đăng tải hơn 500 lượt tin, bài, video clip đấu tranh, phản bác thông tin xấu, độc, vạch trần bản chất, âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phần tử xấu.
Tăng cường ngăn chặn thông tin xấu
Thời gian qua, việc quản lý cung cấp, sử dụng thông tin trên không gian mạng luôn được tỉnh quan tâm sâu sát. Các đơn vị trực thuộc Sở TT&TT, Công an tỉnh… tăng cường phối hợp với Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử, Thanh tra Bộ TT&TT… tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh tập trung triển khai các biện pháp đồng bộ, toàn diện nhằm tăng cường công tác bảo đảm an toàn, an ninh trên mạng internet; bảo mật thông tin…
Bên cạnh đó, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về nguy cơ mất an toàn thông tin; phối hợp với các cơ quan báo chí cung cấp thông tin kịp thời trên hệ thống báo, đài chính thống để tuyên truyền, định hướng dư luận, cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng… Mặt khác, các cơ quan chính quyền địa phương cũng tăng cường phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp… để có những thông tin trao đổi, giám sát trong quản lý, cung cấp thông tin trên MXH.
Ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Sở TT&TT, cho biết Sở TT&TT thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý việc đưa thông tin trên các trang điện tử, kịp thời xử lý đối với những trường hợp đăng thông tin sai sự thật. Ðồng thời, sở tham mưu UBND tỉnh nâng cao hiệu quả quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên internet để ngăn chặn những thông tin xấu, độc hại... Nhờ đó, hoạt động quản lý, cung cấp thông tin điện tử trên địa bàn tỉnh bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở TT&TT, đây là lĩnh vực mới nên còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, con người, việc kiểm soát thông tin trên các trang MXH vẫn gặp nhiều thách thức… Thời gian tới, sở tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành khác để tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, đáp ứng yêu cầu của xã hội.
HỒNG PHƯƠNG