Nỗ lực nâng tầm dịch vụ logistics
(BDO) Dù không có cảng hàng không, cảng biển… như một số địa phương khác trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhưng tỉnh Bình Dương vẫn luôn nỗ lực nâng tầm dịch vụ logistics để đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa của doanh nghiệp.
Các chuyên gia cho rằng, Bình Dương cần hình thành trung tâm logistics tầm vóc khu vực, phù hợp với quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt để tạo cú hích phát triển trong giai đoạn mới. Trong ảnh: Hoạt động vận chuyển hàng hóa tại ICD Sóng Thần (TX.Thuận An). Ảnh: KHÁNH VINH
Khai thác tốt lợi thế
Bình Dương không có sân bay, cảng biển, còn cảng sông thì bị giới hạn chiều cao bởi độ tĩnh không của một số cầu lớn đã làm giới hạn tải trọng tàu container không quá 2.000 tấn, từ đó ảnh hưởng đến phát triển dịch vụ logistics. Tuy vậy, Bình Dương đã quy hoạch 9 cảng sông và hiện đã có 4 cảng đi vào hoạt động, gồm: Cảng tổng hợp Bình Dương, Cảng Thạnh Phước, Cảng Bà Lụa và Cảng An Sơn. Tới đây, cầu Ghềnh được nâng chiều cao tĩnh không lên 7m, cầu Bình Lợi cũng được nâng cao tương tự là điều kiện thuận lợi để Bình Dương phát triển mạnh dịch vụ logistics.
Thời gian qua, Bình Dương đã khai thác tốt lợi thế nằm gần TP.HCM và cơ sở hạ tầng sẵn có để thúc đẩy ngành dịch vụ logistics phát triển. Bên cạnh đó, do tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu hàng hóa của tỉnh ngày càng tăng cao nên nhiều doanh nghiệp đã chọn Bình Dương là nơi làm thủ tục hải quan và tập kết hàng hóa xuất nhập khẩu. Đây là điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư vào dịch vụ logistics tại tỉnh.
Dịch vụ logistics tuy xuất hiện chưa lâu ở Bình Dương nhưng đã làm tốt vai trò gắn kết giữa nhà sản xuất với thị trường nhờ hệ thống hạ tầng kỹ thuật được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Với năng lực thu hút đầu tư, tốc độ tăng trưởng cao của nền kinh tế được duy trì ổn định, Bình Dương là địa phương có số lượng kho bãi, dịch vụ vận chuyển chiếm trên 51% tổng nguồn cung kho bãi khu vực phía Nam - khu vực có tổng nguồn cung kho vận thuộc tốp đầu cả nước.
Theo Cục Hải quan Bình Dương, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 21 kho ngoại quan, 4 CFS (kho gom hàng lẻ), 2 ICD (cảng cạn) và 31 đại lý hải quan để cung cấp dịch vụ logistics cho các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu. Hệ thống kho ngoại quan, kho CFS, ICD và đại lý thủ tục hải quan trên địa bàn tỉnh đã đáp ứng nhu cầu của các nhà sản xuất và hoạt động xuất nhập khẩu hiện nay, trong đó có nhiều kho ngoại quan có hệ thống quản lý hiện đại, diện tích lớn nhất nước. Với chủ trương tạo thuận lợi trong thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, Bình Dương có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển dịch vụ logistics.
Tăng cường đầu tư vào logistics
Logistics hiện đang là một trong những ngành được các nhà đầu tư trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm. Các dự án đầu tư trong lĩnh vực logistics vào tỉnh Bình Dương ngày càng có quy mô lớn hơn, mức độ chuyên môn hóa cao, cung cấp dịch vụ trọn gói và đa dạng. Hiện nay, các đơn vị như Cụm cảng và Trung tâm logistics Dĩ An, ICD Sóng Thần, Cảng Bình Dương, Cảng thủy nội địa ICD An Sơn… đã và đang góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế tỉnh nhà phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực lưu thông, phân phối hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, các doanh nghiệp logistics trên địa bàn tỉnh tuy có sự phát triển khá nhanh về số lượng, quy mô, chất lượng dịch vụ nhưng đa số chỉ cung cấp được các dịch vụ logistics 1PL (logistics tự cấp, chủ hàng tự cung cấp dịch vụ logistics bằng chính cơ sở vật chất của mình) và 2PL (logistics 1 phần, chủ hàng thuê 1 phần dịch vụ logistics). Tuy Bình Dương vẫn có một số trung tâm logistics lớn cung cấp được dịch vụ 3PL (logistics thuê ngoài, dịch vụ logistics được bên thứ ba cung cấp, nhưng đơn lẻ) nhưng số lượng vẫn rất hạn chế. Bên cạnh đó, các nhà cung cấp dịch vụ vẫn chưa có sự phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau trong việc cung cấp thông tin thị trường, thông tin khách hàng, do đó hoạt động kinh doanh chưa đạt hiệu quả cao.
Ngoài ra, các doanh nghiệp logistics phân bố không đồng đều, chủ yếu tập trung tại địa bàn TX.Dĩ An, TX.Thuận An. Tại khu vực TX.Bến Cát, TX.Tân Uyên và một số huyện phía bắc của tỉnh do số lượng doanh nghiệp còn ít nên ngành dịch vụ logistics chưa được quan tâm đầu tư vào khu vực này. Bên cạnh đó, tình trạng giao thông ùn tắc vẫn xảy ra thường xuyên vào các giờ cao điểm trong ngày trên một số tuyến đường trọng điểm của tỉnh và có dấu hiệu gia tăng trong thời gian qua nên cũng gây khó khăn cho việc phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn.
Để phát huy được tiềm năng, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa ngày càng tăng của tỉnh, ông Nguyễn Xuân Phúc, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Logistics U&I, cho biết tỉnh cần xây dựng chiến lược phát triển logistics phù hợp, chú trọng quy hoạch lại hệ thống hạ tầng giao thông và hạ tầng phục vụ logistics; cùng với đó tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi cho ngành logistics. Bên cạnh đó, tỉnh cần khuyến khích và làm cầu nối để các công ty địa phương liên doanh, liên kết với các công ty nước ngoài nhằm thiết lập hệ thống logistics toàn cầu. Cùng với đó, căn cứ vào chiến lược phát triển logistics, tỉnh cần ban hành các chính sách phù hợp và bảo đảm tính khả thi cũng như kiểm soát được việc thực thi các chính sách này.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam (VLI), cho rằng trong tương lai, tỉnh Bình Dương cần hình thành trung tâm logistics tầm vóc khu vực, phù hợp với quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt. Bình Dương cũng cần đẩy mạnh tính kết nối giữa các cung đường, tuyến đường đến cảng biển, cảng hàng không nhằm giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp trong chuỗi hoạt động logistics... Có như vậy, doanh nghiệp mới yên tâm làm ăn và Bình Dương sẽ tiếp tục thu hút nhiều hơn nữa nguồn vốn đầu tư trong tương lai. |
KHÁNH VINH