Nỗ lực nâng tầm công nghiệp Bình Dương
(BDO) Bình Dương đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, công nghiệp, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới vào sản xuất, hướng tới mục tiêu ngày càng có nhiều sản phẩm mang thương hiệu Bình Dương, có sức cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế.
Động lực tăng trưởng
Những năm qua, Bình Dương đã có nhiều chính sách ưu tiên phát triển công nghiệp. Ngành công nghiệp đã có sự chuyển biến tích cực, công nghiệp hỗ trợ có bước phát triển mạnh, gắn với liên kết chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia. Bình Dương đang phát triển công nghiệp theo chiều sâu, đẩy mạnh ứng dụng, đổi mới công nghệ và giảm dần tỷ trọng các ngành công nghiệp thâm dụng lao động, có tác động xấu đến môi trường. Một số ngành công nghiệp mũi nhọn như điện, điện tử, viễn thông, tin học, cơ khí… và công nghiệp chế biến hàng xuất khẩu giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng của ngành.
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH MTV Tôn Đông Á (KCN Đồng An 2)
Năm 2024, Bình Dương phấn đấu Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,7% so với năm 2023. Nhằm góp phần hoàn thành mục tiêu đề ra, Sở Công thương đang tích cực tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi nhất cho DN sản xuất, kinh doanh, qua đó thúc đẩy kinh tế tỉnh nhà tăng trưởng ổn định.
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, cho biết để ngành công nghiệp phát triển vào chiều sâu, tới đây tỉnh tiếp tục ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến chế tạo, cung cấp nguyên phụ liệu, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm công nghiệp. Cùng với đó, Bình Dương sẽ xây dựng kế hoạch từng bước chuyển đổi công năng các khu, cụm công nghiệp phía nam, dịch chuyển các cơ sở sản xuất công nghiệp từ phía nam lên phía bắc của tỉnh cho phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị, dịch vụ. Đặc biệt, tỉnh sẽ tập trung thực hiện đúng lộ trình phát triển các khu công nghiệp (KCN) theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Nâng cao vị thế
Để phát triển và nâng tầm ngành công nghiệp, Bình Dương đã và đang hình thành một số KCN, cụm công nghiệp liên ngành. Đến nay, có nhiều dự án về công nghiệp hỗ trợ từ các tập đoàn lớn trên thế giới được triển khai tại tỉnh. Điển hình như dự án của các Tập đoàn Kolon (Hàn Quốc), Polytex Far Eastern (Đài Loan, Trung Quốc), Tetra Park (Singapore), Mitsubishi (Nhật Bản), Procter & Gamble (Mỹ), Kumho (Hàn Quốc), Messer (Đức), Lego (Đan Mạch)…
Giáo sư - Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, cho rằng để vượt qua bẫy thu nhập trung bình, phát triển bền vững, Bình Dương cần tiếp tục xác định công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, tận dụng tốt cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để có sự bứt phá, vươn lên trong một số ngành, lĩnh vực; tiếp tục có bước chuyển căn bản từ số lượng sang chất lượng bền vững. |
Bình Dương cũng đang tạo điều kiện thuận lợi để Công ty THACO Industries sớm xây dựng KCN cơ khí và công nghiệp hỗ trợ với quy mô đầu tư khoảng 26.000 tỷ đồng. KCN này không chỉ phục vụ lĩnh vực ô tô mà còn mở rộng ra nhiều lĩnh vực công nghiệp khác. Ông Đỗ Minh Tâm, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cơ khí và Công nghiệp hỗ trợ THACO Industries, cho biết KCN cơ khí và công nghiệp hỗ trợ tại Bình Dương sẽ góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn nguyên liệu, tiết kiệm thời gian, chi phí vận chuyển; đồng thời tạo cơ hội cho DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ đẩy mạnh hợp tác hỗ trợ lẫn nhau, cùng phát triển cộng đồng DN, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bình Dương xác định công nghiệp tiếp tục là động lực tăng trưởng chính. Bình Dương tập trung vào hiện đại hóa các ngành hiện hữu, tăng tỷ lệ nội địa hóa ở các ngành công nghiệp hỗ trợ và phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu như máy móc, thiết bị công nghiệp, thiết bị điện tử viễn thông, điều khiển từ xa, thiết bị vi mạch tích hợp, chip điện tử… Đồng thời, Bình Dương chú trọng phát triển công nghiệp sinh thái, ứng dụng công nghệ cao; đưa ngành công nghiệp chế biến chế tạo trở thành trụ cột chính trong nền kinh tế.
Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết Bình Dương đặt mục tiêu phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp sản xuất thông minh, ứng dụng rộng rãi các giải pháp tự động hóa tiên tiến vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành công nghiệp địa phương. Theo đó, Bình Dương đang thực hiện đồng bộ một số giải pháp trọng tâm, như hình thành “Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương”, tạo động lực phát triển mới, hội nhập quốc tế, thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn nữa, đáp ứng nhu cầu của người dân và DN trong điều kiện mới. Bình Dương cũng tích cực chuyển đổi số; tiếp tục thực hiện lấy công nghiệp làm nền tảng, là khâu đột phá, mà hạt nhân chính là xây dựng kết cấu hạ tầng các KCN gắn với đô thị hóa; không ngừng cải thiện môi trường đầu tư nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
NGỌC THANH