Nỗ lực kiến tạo xây dựng quê hương
Là địa bàn xa trung tâm tỉnh, huyện Bắc Tân Uyên đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Tuy vậy, chỉ sau một thập kỷ xây dựng, địa phương đã từng bước vượt qua khó khăn, khai thác tốt lợi thế, có giải pháp phát triển thích hợp, kinh tế - xã hội của huyện chuyển mình mạnh mẽ, bền vững.
Hạ tầng giao thông là một trong những niềm tự hào của người dân huyện Bắc Tân Uyên. Trong ảnh: Công trình nâng cấp, mở rộng đường ĐT746
Dấu ấn hạ tầng
Đi trên những con đường trải nhựa thẳng tắp, ngước nhìn những tòa nhà làm việc khang trang, người xe qua lại nhộn nhịp tại trung tâm huyện, ai ai cũng cảm nhận rõ sự thay đổi rõ nét của Bắc Tân Uyên so với ngày trước.
Mới đây, chúng tôi có dịp tháp tùng đoàn công tác của tỉnh về thăm lại xã Hiếu Liêm, một lãnh đạo tỉnh đã từng công tác tại huyện nhìn bao quát vùng đất này với ánh mắt đầy tự hào. “Hiếu Liêm, Lạc An, Đất Cuốc, Bình Mỹ… những cái tên đáng tự hào một thời đánh giặc. Quê hương không khó khăn mãi, cứ cố gắng, phấn đấu sẽ đổi thay và phát triển”. Những lời thốt ra tận đáy lòng của vị lãnh đạo tỉnh hẳn nhiên ai nghe cũng thấy tự hào. Để có được bước tiến mới như hôm nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bắc Tân Uyên luôn đặt niềm tin vào những cơ hội tươi sáng phía trước, xác định hạn chế, tận dụng tiềm năng, thế mạnh của địa phương để tiến bước.
Ông Nguyễn Thành Thường, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, chia sẻ Bắc Tân Uyên là địa phương có xuất phát điểm về kinh tế - xã hội thấp so với mặt bằng chung của tỉnh, cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiếu đồng bộ, yếu kém… Huyện đã xác định công tác đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển nhanh và bền vững. Trong quá trình xây dựng, mục tiêu huyện hướng tới là những dự án quan trọng tạo sự đột phá và có tác động lan tỏa lớn. Trong đó, tập trung phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, phù hợp với định hướng của tỉnh, bảo đảm thông suốt, an toàn. Đặc biệt là phát triển các trục giao thông đối ngoại theo hướng bắc nam và đông tây để tăng cường sự liên kết giữa các khu vực.
Từ khi thành lập đến nay, huyện đã tập trung đầu tư 441 công trình phát triển kết cấu hạ tầng, với tổng vốn hơn 3.914 tỷ đồng. Trong đó có 194 công trình giao thông, với số vốn trên 1.400 tỷ đồng, góp phần từng bước nâng cấp đồng bộ hệ thống giao thông của huyện, bảo đảm tính kết nối thông suốt.
Điểm nhấn giao thông của huyện là dự án Nâng cấp, mở rộng đường ĐT746 đoạn từ ngã ba Tân Thành đến ngã ba Hội Nghĩa, đường Tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng và tuyến đường Thủ Biên - Đất Cuốc… Đây là dự án trọng điểm có ý nghĩa rất quan trọng nhằm hình thành trục giao thông huyết mạch, mang tính liên kết vùng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh cho các huyện phía bắc tỉnh nói chung, huyện Bắc Tân Uyên nói riêng.
Hiện trên địa bàn huyện có khoảng 73km đường tỉnh, 58km đường huyện đã được nâng cấp, mở rộng với kết cấu bê tông nhựa. Cùng với đó có 1.163 tuyến đường giao thông do xã, thị trấn quản lý với tổng chiều dài gần 700km đã được nâng cấp bê tông xi măng, bê tông nhựa hoặc được cứng hóa bằng sỏi đỏ.
Màu xanh nông thôn mới
10 năm kể từ khi chính thức thành lập, Bắc Tân Uyên viết nên câu chuyện thành công bằng tinh thần tiên phong vượt khó. Thành công của Bắc Tân Uyên là viên gạch góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới chung của tỉnh. Diện mạo nông nghiệp, nông thôn và đời sống của nông dân trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt.
Nền nông nghiệp Bắc Tân Uyên phát triển theo hướng chất lượng cao. Trong ảnh: Thu hoạch quýt hồng tại trang trại Lâm Thành Thương, ấp Cây Dừng, xã Hiếu Liêm
“Vạn sự khởi đầu nan”, thế nhưng càng gian nan mới thấy sự nỗ lực vượt qua. Chỉ sau một thập niên, đến cuối năm 2023, Bắc Tân Uyên không chỉ trở thành một trong những địa phương dẫn đầu về năng suất, chất lượng cây ăn trái có múi mà còn là sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng ngon, ngọt, sạch và an toàn của vùng đất Bình Dương.
Trong hành trình phát triển, huyện đặc biệt quan tâm đến đẩy mạnh sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân. Các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp được đổi mới theo hướng tăng cường liên kết sản xuất hàng hóa, xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh cây cao su, cây ăn trái. Từ đây, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Cam, bưởi, quýt Bắc Tân Uyên”, tạo điều kiện thuận lợi để quảng bá, nâng cao giá trị cho sản phẩm nông nghiệp địa phương.
Cùng với trồng trọt, chăn nuôi cũng là thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của huyện. Nhờ áp dụng công nghệ kỹ thuật mới trong chăn nuôi và tập trung theo đúng quy hoạch, từng bước hình thành các trang trại chăn nuôi lớn, áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới, giá trị ngành nông nghiệp ngày một nâng cao. Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), toàn huyện đã có 45 sản phẩm được tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP, trong đó có 3 sản phẩm 4 sao và 42 sản phẩm 3 sao. Đây là bước tiến giúp sản phẩm của huyện có thêm lợi thế cạnh tranh trên thị trường và có đủ điều kiện vào các hệ thống kinh doanh uy tín. Diện tích sản xuất tăng thêm, giá trị sản phẩm được nâng lên, thị trường tiêu thụ rộng mở, sản lượng tiêu thụ lớn, được quảng bá, giới thiệu rộng rãi đến mọi miền.
10 năm là khoảng thời gian không dài, nhưng nhìn lại ai cũng thấy những đổi thay rõ nét của Bắc Tân Uyên. Thành tựu đó là kết quả của tinh thần đoàn kết, sáng tạo, sự cố gắng, nỗ lực bền bỉ không ngừng và là quyết tâm vượt lên mọi khó khăn, thử thách của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện nhà.
THANH HỒNG